Bài dự thi Tết đoàn viên: Nhớ món quà Tết của thầy bu

Trần Thị Lược Thứ năm, ngày 26/01/2023 13:15 PM (GMT+7)
Tết của hơn 60 năm về trước đã xa ngái, rất nhiều hình ảnh đã lu mờ. Nhưng tôi luôn nhớ về món quà "chỉ Tết mới có" mà thầy bu dành cho chị em tôi. Món quà sáng bóng, đỏ chót, "lộc cộc, lộc cộc".
Bình luận 0

Ngày Tết đối với mỗi đứa trẻ đều tràn đầy háo hức, chờ đời, vui sướng, với chị em tôi cũng vậy. Quê tôi ở vùng chiêm trũng, nhà ở nông thôn, thầy bu (*) là nông dân, chỉ cấy lúa, trồng rau, nuôi gà, chăn lợn. 

Thầy bu tôi lại sinh đến 8 người con nên cuộc sống vô cùng vất vả, lo cho các con ăn lửng dạ đã là chuyện khó khăn. Nhưng dù khó khăn đến đâu, ngày Tết, vào chợ phiên vào ngày 25 tháng Chạp Âm lịch, thầy bu tôi cũng cố gắng mua lo cho các con nồi bánh chưng, cân giò mỡ, nồi cá kho...

Và bu tôi, giống như làm phép thuật, đã biến ra cho hai chị em tôi món quà mà mỗi lần nhìn thấy, dù nhiều lần nhìn thấy, hai chị em vẫn thét lên sửng sốt rồi cầm tay nhau la hét, nhảy tưng tưng, nhảy lại nhảy. 

Bài dự thi Tết đoàn viên: Nhớ món quà Tết của thầy bu - Ảnh 1.

Đôi guốc mộc giản dị ngày xưa. Ảnh Sưu tầm

Món quà đỏ chót, xanh ngắt, sáng bóng, có thể phát ra tiếng kêu "lộc cộc, lộc cộc". Đó là 2 đôi guốc mộc sơn màu đỏ, màu xanh vô cùng xinh đẹp trong thế giới của chị em tôi hơn 60 năm về trước. 

Đôi guốc không đẽo gọt cầu kỳ, cũng chỉ đế bằng, quai ngang bằng vải, không hề có hình vẽ gì, chỉ có nước sơn là lên màu rực rỡ dưới ánh nắng xuân dịu dàng. Cô em sẽ chọn đôi màu đỏ còn tôi sẽ nghiễm nhiên chiếm màu xanh. 

Hai chị em sẽ líu ríu ôm hai đôi guốc, rủ nhau đến bên cây rơm để thử guốc. Nhớ lần đầu tiên đi guốc, hai chị em đã díu chân vào nhau ngã chổng vó. Hai chị em tôi cười khanh khách sung sướng. Bu nhìn hai chị em nở nụ cười dịu dàng và sau đó lén lau nước mắt. 

Hồi đó, tôi không hiểu những giọt nước mắt đó của bu. Nhưng giờ thì tôi hiểu. Bu đã khóc vì thương cảm, vì vui mừng, vì cảm thấy những vất vả của mình để cố cho con một món quà ngày Tết là đáng giá. 

Chúng tôi còn không dám giẫm xuống đất vì sợ bẩn guốc, cố giữ sạch để được xỏ vào guốc mới vào ngày đầu tiên của năm mới. Những đêm sau đó, hai chị em sẽ ôm đôi guốc gỗ vào lòng mà ngủ. 

Rồi bu lại bắt đầu "sự nghiệp" làm đẹp cho các con ngày Tết. Tết xưa, dù ăn chưa đủ no nhưng thầy bu nhất định lo cho các con quần áo mới ăn Tết. Thầy vốn là thợ nhuộm vải nên bu sẽ mua vài chục thước vải phíp trắng về nhà và tự nhuộm màu cho tiết kiệm. 

Thầy bu thường nhuộm vải thành màu đỏ và màu vàng. Và cả nhà, từ thầy bu đến 5-6 anh em thời đó đều mặc mặc đồng phục màu vàng, màu đỏ, chói lóa hết sức. 

Vào mùng 1 Tết, mặc những bộ quần áo mới, đi guốc mới, chúng tôi xúng xính, phơi phới đi trong tiếng cười đến các nhà chúc Tết. Tôi vẫn còn ký ức vào ngày mùng 1 Tết cả nhà tôi đỏ rực, vàng chóe "phần phật" đi trên con đường làng đến các nhà để chúc Tết. 

Bài dự thi Tết đoàn viên: Nhớ món quà Tết của thầy bu - Ảnh 2.

Ba chị em gái (tác giả đứng giữa) chụp cùng với bu của mình từ những năm 90. Ảnh NVCC

Cả làng đều cười vang khi nhìn thấy đại gia đình vàng chóe, đỏ rực của chúng tôi. Thầy tôi sẽ gãi đầu cười hiền hậu, không biết phải nói gì. 

Để mọi người biết mình có guốc mới, hai chị em còn cố ý nện bước mạnh, phát ra những tiếng lộc cộc, lộc cộc thật to. Và thể nào cũng sẽ có bác, có cô khen: "Hai chị em có guốc đẹp quá!" và chúng tôi sẽ cười tít mắt. 

Bước đi lộc cộc trên đôi guốc xanh lòe loẹt ấy, tôi như có cả thế giới, hạnh phúc bay đầy trời. Hơn 60 năm qua, tôi cũng đã bước trên hàng trăm đôi giày, dép, guốc... các loại, đắt rẻ khác nhau nhưng tôi không tìm được cái cảm giác lâng lâng, bồng bềnh như bước trên mây khi đi trên đôi guốc sơn xanh năm xưa. 

Ngày Tết, tôi cũng nhận được vô số các món quà lớn nhỏ nhưng tôi vẫn luôn nhớ về đôi guốc sơn xanh, sơn đỏ mà bu đã tặng cho chị em mình. 

Và ký ức Tết trong tôi luôn có ánh sáng rực rỡ của màu đỏ, màu vàng, màu xanh, có nụ cười hiền hậu của thầy và những giọt nước mắt của bu. 

Giờ đây, thầy bu đều đã khuất bóng, các con đều có gia đình riêng của chính mình. Nhưng dù đón Tết đoàn viên với con cháu, tôi vẫn có một khoảng trống không thể bù đắp trong lòng khi nhớ về thầy bu của mình.

 Và tôi đau đáu nhớ về những cái Tết thiếu thốn mà hạnh phúc, lạnh lẽo mà ấp áp, giản dị mà lại giá trị vô cùng. 

Tết đoàn viên có lẽ không chỉ là sự sum vầy với con cháu, gia đình hiện tại mà còn là sự đoàn viên từ những kỷ niệm như vậy. Nó cho con người ta sự ấm áp khi nghĩ về những người đã sinh thành, nó khiến ta khóc, ta cười khi nghĩ về những cái Tết đoàn viên như thế! 

Và nhờ có những ký ức ngọt ngào, ấm áp tràn đầy tình yêu như vậy, cuộc đời mỗi người đều thực sự thấy đoàn viên.

Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào.

Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.

Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.

Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi tại đây.

(*) Thầy bu: Tên xưng hô "bố mẹ" ngày xưa

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem