Dân Việt

Một tỉnh của Trung Quốc hút khách du lịch chỉ sau một bộ phim, gợi mở cho du lịch nông nghiệp Việt Nam?

K.Nguyên 31/01/2023 19:09 GMT+7
Khi những thước phim đầu tiên của bộ phim truyền hình "Đi đến nơi có gió" được công chiếu, khán giả ngay lập tức muốn xách ba lô đến vùng quê bình yên, đầy gió của Vân Nam (Trung Quốc). Và thực sự bộ phim đã kích thích sự bùng nổ du lịch ở vùng quê của Vân Nam.

"Đi đến nơi có gió" thúc đẩy du lịch nông nghiệp Vân Nam

Theo bản tin thời sự của Thượng Hải, bộ phim truyền hình "Đi đến nơi có gió" có sự tham gia của Lưu Diệc Phi, Lý Hiện đã góp phần tăng trưởng du lịch ở tỉnh Vân Nam nhờ những hình ảnh thôn quê bình dị, cánh đồng lúa xanh, ruộng hoa cải vàng, các món ăn ngon, hình ảnh những người nông dân chất phác trên cánh đồng lúa được giới thiệu qua những thước phim rất đẹp. 

Một thống kê cho thấy, dịp Tết Nguyên đán năm nay, tỉnh Vân Nam đã thu về 38,435 tỷ nhân dân tệ doanh thu du lịch trong 7 ngày, đứng đầu trong số 21 tỉnh. 

Theo Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Vân Nam, lượng khách du lịch của 16 thành phố trực thuộc tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số, việc lồng ghép văn hóa và du lịch với các sản phẩm mới, hình thức mới trở thành điểm nhấn của mùa lễ tết và được du khách ưa chuộng.

Một tỉnh của Trung Quốc hút khách du lịch chỉ sau một bộ phim, gợi mở cho du lịch nông nghiệp Việt Nam? - Ảnh 1.

Bộ phim truyền hình ăn khách "Đi đến nơi có gió" đã kích thích sự bùng nổ du lịch ở Vân Nam (Trung Quốc). Ảnh: VIEON.

Vào ngày 17/1, tài khoản chính thức của Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Vân Nam đã đăng một bài đăng về việc bộ phim truyền hình ăn khách "Đi đến nơi có gió" đã kích thích sự bùng nổ du lịch ở Vân Nam.

 "Theo Hứa Hồng Đậu ăn bánh hoa Đại Lý", "Cùng nhau du lịch Vân Nam trong dịp tết năm nay", "Hãy làm một chuyến đi đến nơi có gió" và các chủ đề liên quan khác đã quét qua tất cả các nền tảng mạng xã hội lớn. 

Có khoảng 7.000 homestay và nhà trọ ở Đại Lý, trong đó trung cấp đến cao cấp chiếm 10% tỷ lệ đặt phòng đạt khoảng 80%, trong đó tỷ lệ đặt phòng của các homestay từ trung cấp đến cao cấp đã vượt hơn 90%.

Không những thế, diễn viên Lý Hiện còn được Weibo của UNESCO khen ngợi: "Trong Đi đến nơi có gió, nhân vật Tạ Chi Dao do Lý Hiện thể hiện đã phát huy sức mạnh của di sản văn hóa phi vật thể, làm sống lại nền kinh tế làng Vân Miêu".

Gợi mở nào cho du lịch nông nghiệp Việt Nam?

Thực tế, nhờ truyền thông hiệu quả qua các tác phẩm nghệ thuật, nhiều địa phương của Việt Nam cũng đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng.

Sau bộ phim điện ảnh "Chuyện của Pao", ngôi nhà được chọn làm bối cảnh chính của phim đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Đồng Văn (Hà Giang), tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người dân địa phương.

Một tỉnh của Trung Quốc hút khách du lịch chỉ sau một bộ phim, gợi mở cho du lịch nông nghiệp Việt Nam? - Ảnh 2.

Ngôi nhà nổi tiếng trong phim "Chuyện của Pao" là điểm dừng chân quen thuộc, hấp dẫn nhiều du khách mỗi khi tới tỉnh Hà Giang. Ảnh: Pystravel.

Tỉnh Phú Yên, từ sau thành công của bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" cũng là một điểm đến hấp dẫn. Có thể thấy, lượng tìm kiếm về du lịch Phú Yên tăng mạnh trên Google Việt Nam năm 2022. 

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, năm 2022, Phú Yên đón 2,2 triệu lượt khách, gấp 5,9 lần so với năm trước. Phú Yên được gọi là "xứ sở hoa vàng cỏ xanh" kể từ sau khi bộ phim được phát hành.

Tại một hội nghị về văn hóa diễn ra cuối năm 2022, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh: “Nông thôn là nơi cân bằng cảm xúc. Nông thôn là nơi con người sống hài hoà với nhau, hài hoà với môi trường thiên nhiên. Những con đường làng quanh co, rộng thoáng, "cây chen lá, đá chen hoa”. Những mương nước trong veo, những tường rào gỗ mộc mạc phủ mảng dây leo. Ao làng vừa lưu giữ truyền dấu tích một thời ngày xưa, vừa cân bằng nhiệt độ, không khí, môi trường sống cũng trong lành hơn. Con người hạnh phúc khi sống trong không gian tràn đầy cảm xúc, với những hình ảnh quen thuộc như thế”.

Thực tế, những diễn giải của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về nông thôn cũng chính là thông điệp mà bộ phim "Đi đến nơi có gió" muốn gửi đến khán giả. 

Một tỉnh của Trung Quốc hút khách du lịch chỉ sau một bộ phim, gợi mở cho du lịch nông nghiệp Việt Nam? - Ảnh 3.

Phú Yên trở thành xứ sở "hoa vàng cỏ xanh" sau thành công của bộ phim điện ảnh: "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". Ảnh: cattour.

Do vậy, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, nông thôn cần được xem là miền di sản để các giá trị được bảo tồn như di sản văn hóa ở cấp độ quốc gia. Những nghi lễ tín ngưỡng, tâm linh dân gian lành mạnh, nếu biết phát huy, sẽ tạo ra dòng chảy tâm thức trong cư dân nông thôn. Lễ hội tịch điền, thờ phụng thần nông, các vị thần hoàng làng, tưởng nhớ tổ làng nghề là nét văn hóa đậm nhân văn, nối kết con người với truyền thống lịch sử. Các giá trị này giúp con người sống tử tế, an bình, văn minh hơn. Khi ấy, cư dân nông thôn sống tử tế, có trách nhiệm với người khác cũng như môi trường thiên nhiên.

Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 cũng đặc biệt ưu tiên chính sách hỗ trợ nguồn lực cho người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng; gắn phát triển du lịch văn hóa với trải nghiệm đời sống cộng đồng để nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép các nội dung phát triển du lịch vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; xây dựng các sản phẩm nông nghiệp, các mô hình phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, làm du lịch nông nghiệp không chỉ tạo ra sản phẩm để “bán” mà trong mỗi sản phẩm đó còn phải có cái hồn và cảm xúc, phải tạo ra sự khác biệt, mới mẻ để khi khách đến cảm nhận được những điều đặc biệt.

Từ thành công của "Đi đến nơi có gió", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều ngôi làng xinh đẹp trên khắp đất nước Việt Nam, hình ảnh những người nông dân chất phác, dung dị sẽ được khắc họa nhiều hơn trên các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, như một kênh truyền bá du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng hiệu quả.