Một số nhà phân tích cho rằng, cả Mỹ và Nga đang lao vào một "cuộc tranh giành châu Phi" mới khi vào tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đều tới lục địa này trong nỗ lực gây ảnh hưởng đến các quốc gia quan trọng ở đây.
Mỹ và Nga tranh giành ảnh hưởng ở châu Phi trong bối cảnh các quốc gia châu Âu giảm ảnh hưởng ở đây còn Trung Quốc tiến sâu hơn vào lục địa này. Đối với Washington, châu Phi vẫn cực kỳ quan trọng. Bà Yellen đã thăm Senegal, Nam Phi và Zambia trong khi ông Lavrov tới Nam Phi, Eswatini, Angola và Eritrea. Chuyến thăm châu Phi của ông Lavrov tuần trước đánh dấu lần thứ hai trong vòng 6 tháng Ngoại trưởng Nga tới lục địa này trong một nỗ lực nhằm phá vỡ liên minh phương Tây đang phát triển ở đây.
Bà Yellen cáo buộc, các chuyến thăm của ông Lavrov tới Angola, Eritrea cũng như Nam Phi đang phá hoại lợi ích của Mỹ trong khi Ngoại trưởng Nga rõ ràng đang tìm kiếm sự hỗ trợ liên tục cho Nga từ các quốc gia châu Phi.
Còn nhớ, trong nghị quyết đầu tiên của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc nhằm lên án các hành động của Nga ở Ukraine vào tháng 3 năm ngoái, các nước châu Phi đã chiếm một tỷ lệ đáng kể trong số những nước bỏ phiếu trắng. Eritrea là một trong 5 quốc gia bỏ phiếu chống lại nghị quyết này, cùng với Syria, Triều Tiên, Trung Quốc và Belarus.
Ở cả hai quốc gia Angola và Eritrea, ông Lavrov đã đến thăm các di tích văn hóa quan trọng của Nga trong nỗ lực củng cố quyền lực mềm của Moscow trong khu vực. Ông cũng tổ chức các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo hàng đầu của Angola và Eritrea về việc tiếp tục hỗ trợ cho Moscow tại các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc. Tại Angola, ông Lavrov đã thảo luận về việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở nước này.
Ngoài ra, ở cả thủ đô của Angola và Eritrea, ông Lavrov còn đề cập về việc 2 nước này cho phép Nga tiếp cận các cảng biển của họ. Cuộc thảo luận về các cảng có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là về mặt quân sự, đối với Nga.
Cuộc thảo luận của ông Lavrov với Eritrea về quyền tiếp cận cảng Massawa của Nga thậm chí chắc chắn sẽ làm dấy lên những lo ngại về an ninh.
Tuy nhiên, điểm đến chính của Ngoại trưởng Nga vẫn là Nam Phi, quốc gia thành viên của nhóm BRICS (cùng với Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga).
Tại đây, Ngoại trưởng Nga đã nhấn mạnh rằng, Moscow "gần như" bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh toàn diện trên bộ với các đồng minh phương Tây của Kiev.
Ông Lavrov cho rằng phương Tây đã lên kế hoạch tiêu diệt "ngôn ngữ" và "văn hóa" Nga trong nhiều thập kỷ và cuộc chiến ở Ukraine là sân khấu để họ thực hiện âm mưu của mình.
Nam Phi được coi là quốc gia quan trọng nhất trong số những quốc gia châu Phi có lập trường trung lập về cuộc chiến Ukraine và từ chối lên án Nga. Cả Mỹ và các đối tác phương Tây khác đều coi Nam Phi là trụ cột trong kế hoạch mở rộng mối quan hệ của họ ở châu Phi.
Tuy nhiên, Nam Phi vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga và mối quan hệ đó phần lớn là nguyên nhân khiến Nam Phi bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc năm ngoái nhằm lên án hành động của Nga ở Ukraine.