Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Hoàng, đây là tục có từ lâu đời, chứa đựng quan niệm sống có ý nghĩa nhân văn.
Muối và vôi là những thứ gần gũi, quen thuộc gắn với sinh hoạt đời thường của con người Việt Nam. Nền văn minh lúa nước làm xuất hiện lối nghĩ, lối tư duy mộc mạc mà thâm trầm, giản dị mà thấm thía.
Những cách nói như bạc như vôi, trắng như vôi, muối mặn gừng cay, đẹp mặn mà… chứng tỏ muối và vôi là những thực phẩm không thể thiếu trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của dân tộc Việt. Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn, đúc rút kinh nghiệm sống của dân gian.
Đó là hồn, là cốt, là tinh túy của cách ứng xử, của quan hệ đối nhân xử thế, của những nhận thức, cắt nghĩa về lẽ sống dù chất phác nhưng chắc chắn trở thành bài học để ít nhất tiếp thu nó, lòng cảm thấy an yên. Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi là câu tục ngữ nói về một tập tục ấm áp như thế của ông cha ta có tự ngàn xưa.
Vì sao phải đầu năm mua muối? Đầu năm, là khoảng thời gian quý giá, bởi nó bắt đầu cho một năm mới. Trong quan niệm của người Việt, nếu mọi sự bắt đầu hanh thông thì những ngày những tháng tiếp theo đó, và cả năm dài đều sẽ đi qua một cách suôn sẻ, thuận lợi và may mắn.
Muối có vị mặn, mua muối là mua về sự mặn mà sâu sắc, chung thủy, nghĩa tình. Trong lối sống, người Việt thường ghét sự giả dối, nhạt nhẽo, nông cạn… Sự mặn nồng, đậm đà, chân thực thường được ưa thích, đề cao. Hơn thế nữa, muối mặn còn biểu tượng cho đạo nghĩa vợ chồng trăm năm tình duyên đẹp, bạc đầu nghĩa phu thê.
Ngày đầu năm, mua muối về đặt trong nhà để cầu mong sự an yên, hạnh phúc, cái đạo nghĩa mãi được mặn sâu như câu ca dao thuở nào: "Tay bưng đĩa muối chắm gừng, gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau"; hay nói như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: "Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn".
Đầu năm mua muối, tục ngữ có câu: "Cá không ăn muối cá ươn; Con cãi cha mẹ trăm đường con hư". Để cá không ươn, để cá luôn tươi, cần ướp muối. Có muối là có gia vị, thêm muối là thêm gia vị. Đầu năm mua muối, là mua gia vị cuộc sống, để năm đó thần khí, thần sắc trong nhà luôn tươi tắn, tươi vui.
Trong mỗi gian bếp người Việt, thứ gì có thể thiếu, chứ gạo và muối không thể. Một nồi cơm, nồi sắn khoai thêm một chén muối cũng xong bữa. Có muối trong nhà là có sự no đủ. Muối ở đây được xem như là "muối lộc" để đón nhận sự may mắn, thành đạt với ước nguyện cầu mong, hy vọng về một năm mới làm ăn đầy đủ, ấm no.
Theo quan niệm của nhiều người lớn tuổi, muối có vị mặn nên nó còn có tác dụng trừ tà khí, chống uế bẩn (xát muối cho sạch), xua đuổi tà ma. Mua muối về, để nhiều muối trong nhà đầu năm còn là để xông nhà, xông khí, để năm mới được an lành.
Đầu năm mua muối, còn cuối năm mua vôi. Để có được vôi màu trắng, người lao động phải trải qua một quá trình gian nan. Vôi quét nhà hay vôi dùng để ăn trầu là sản phẩm sạch, phải nung, nấu, lắng,lọc. Bởi thế, vôi biểu tượng cho sự thanh cao, tinh khiết, trong sạch.
Sau một năm làm lụng vất vả, ngày cuối năm, người người mua vôi về để quét lại căn nhà, bờ tường, cổng nhà cho sạch sẽ. Trường học, các cơ quan, công sở; rồi các đền đài, miếu thờ…đều được "thay áo mới" bằng lớp vôi trắng cho sạch sẽ, tinh tươm, mới mẻ, bắt mắt…để chuẩn bị đón chào một năm mới với hy vọng đem lại bao điều mới mẻ, vui tươi hơn so với năm cũ.
Bà Phương Lan (ở đường Nguyễn Huệ, TP. Huế), chia sẻ: "Trước khi quét lớp vôi mới, cần chà xát, cạo bỏ những lớp vôi cũ, hoen màu. Quét vôi lại cho nhà cửa cũng có nghĩa là tẩy rửa, xóa đi, quên đi những điều không hay, những chuyện buồn, thiếu sót của năm cũ để năm mới được tròn đầy hơn".
"Ba tôi vẫn không quên đến chợ mua vôi cho vào bình. Chiếc bình vôi, khi ba sinh ra đã có. Từ ngày ông nội mất, ba đều đặn thay ông nội cho vào bình. Chiến tranh loạn lạc, ba vẫn giữ chiếc bình như một báu vật của gia đình. Việc mua vôi cho vào bình vào cuối năm đã trở thành tục, thể hiện quan niệm không để ông vôi đói khi đồng hồ điểm năm mới đến", bà Lan bật mí.
Đó cũng là ước mong năm mới luôn no đủ. Màu trắng bạc của vôi còn làm ta liên tưởng đến sự bạc bẽo, thiếu chung tình, không trọn nghĩa.
Tiến sĩ Trần Đình Hằng - Phân Viện Trưởng -Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, cho biết: "Hai vật phẩm này rất quan trọng trong đời sống thực phẩm và nghi lễ gắn liền nhiều tập quán lễ nghi các cộng đồng. Vôi ăn trầu, sơn quét và khử trùng, trừ tà; muối cũng vậy, vừa thực phẩm vừa trừ tà.
uối mặn, gừng cay thể hiện trung trinh son sắt, nên đầu năm phải mua để duy trì sức sống đặc biệt đó suốt năm. Vôi gắn liền chữ bạc như vôi, thêm cái trừ tà khử độc, cuối năm mua để kết thúc và xua đuổi hết những tai ương và điều xấu xa, không may".
Theo thời gian, tục xưa ít nhiều thay đổi, hoặc mai một, hoặc không còn giữ nguyên ý nghĩa nhân sinh. Ngày xuân, trở về với tục "đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" để hiểu thm, trân trọng những giá trị văn hóa và cốt cách tâm hồn dân tộc.