LTS: Theo tính toán của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), tổng nhu cầu cát đối với các dự án đường cao tốc vùng ĐBSCL triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 47,81 triệu m3. Riêng dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khoảng 18,5 triệu m3. Tuy nhiên, nguồn cát này đang thiếu, ngành chức năng phải tính đến phương án nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép, mở mỏ cát mới để khai thác và thí điểm lấy cát biển làm cao tốc.
Trong khi chờ kết quả thí điểm cát biển, Bộ GTVT yêu cầu các địa phương vùng ĐBSCL nâng công suất 50% các mỏ cát đã cấp phép, đồng thời mở mỏ cát mới để khai thác phục vụ làm đường cao tốc, trong đó chủ yếu là dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, việc lấy đi nguồn cát này là ngăn chặn quá trình kiến tạo đồng bằng và việc làm này chẳng khác nào mình "tự ăn thịt mình", đồng thời đề xuất cách làm khác.
Trên thực tế, hàng trăm triệu tấn cát đã và đang được khai thác ở ĐBSCL, dù khai thác cát được xem là một trong những thủ phạm gây sạt lở gần 500km bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL, khiến ít nhất gần 20.000 hộ dân đang cần phải di dời. Do vậy, việc quản lý, khai thác bền vững tài nguyên cát ở ĐBSCL đang là một bài toán nan giải.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là một trong những dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam tuyến phía đông. Theo Bộ GTVT, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 109km đi qua TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.
Dự án thành phần này có tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng và đã giải phóng mặt bằng, đang huy động máy móc thiết bị, chuẩn bị các thủ tục cần thiết khác để thi công. Tuy nhiên, lại gặp khó khăn bởi thiếu cát dùng để đắp nền.
Theo phóng viên Dân Việt tìm hiểu, tổng nhu cầu khối lượng cát sông dùng để đắp nền cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khoảng 18,5 triệu m3 (khoảng 11,1 triệu m3 trong năm 2023 và 7,4 triệu m3 trong năm 2024). Còn tổng nhu cầu cát đối với các dự án đường cao tốc trong khu vực ĐBSCL triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 47,81 triệu m3.
Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, đến nay mới có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp khoảng 1,1 triệu m3 cát từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác (do tỉnh này đã có kế hoạch bố trí khoảng 28 triệu m3 cát để thi công các dự án của địa phương).
Hiện nay, ĐBSCL có tổng cộng 24 mỏ cát (tổng công suất khai thác khoảng 6,17 triệu m3/năm). Trong đó, tỉnh An Giang 5 mỏ cát (tổng công suất 2,34 triệu m3/năm), tỉnh Đồng Tháp 14 mỏ cát (tổng công suất 3,15 triệu m3/năm), tỉnh Vĩnh Long 5 mỏ cát (tổng công suất 0,7 triệu m3). Riêng tỉnh Sóc Trăng có 4 mỏ cát nhưng đã hết thời hạn khai thác.
Theo tính toán của Bộ GTVT, nếu tăng công suất khai thác hiện nay của 24 mỏ cát thêm 50% trong 2 năm theo Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ và dành 100% phần tăng thêm (khoảng 6,17 triệu m3) vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của dự án.
Để đảm bảo tiến độ triển khai dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phối hợp Bộ GTVT đã đi kiểm tra và làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL. Qua đó, đề nghị các địa phương rà soát, nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép khai thác theo Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ.
Tuy nhiên, việc nâng công suất các mỏ cát đang khai thác cần phải có sự tính toán kỹ tránh sự thay đổi lớn về dòng chảy và phải giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng khai thác không đúng khu vực cấp phép, khai thác quá sát bờ gây sạt lở bờ sông.
Đồng thời, yêu cầu các địa phương rà soát các khu vực chưa cấp phép để bổ sung nguồn cát san lấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh và cung cấp cho các dự án trên địa bàn các địa phương lân cận theo thứ tự ưu tiên.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi làm việc với các bộ, ngành và địa phương vùng ĐBSCL vào chiều 30/1 tại TP.Cần Thơ vừa qua, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long ưu tiên nguồn cát sông cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau.
Đồng thời, các địa phương có hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục mở mỏ cát trong tháng 2/2023 để có thể khai thác, cung cấp phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Trước mắt, khi chưa hoàn tất các thủ tục khai thác các mỏ mới, chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện thủ tục tăng 50% công suất các mỏ cát đang khai thác.
Được biết, để giải quyết vấn đề cát đắp nền cho dự án cao tốc ở ĐBSCL, trong đó có dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ TN&MT nghiên cứu triển khai thi công thử nghiệm cát biển sử dụng cho dự án đường cao tốc và các dự án hạ tầng giao thông khác khu vực ĐBSCL.
Dự kiến sẽ có kết quả đánh giá vào cuối năm 2023. Vì vậy, trước mắt trong năm 2023 và 2024 nguồn vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc chủ yếu vẫn là cát sông.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, liên quan đến dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, UBND TP.Cần Thơ đã có văn bản gửi UBND tỉnh An Giang và UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị hỗ trợ cát cho dự án. Tuy nhiên, chưa nhận được ý kiến phản hồi của hai tỉnh này. Trước tình hình trên, UBND TP.Cần Thơ đã kiến nghị Bộ GTVT có giải pháp hỗ trợ các chủ đầu tư tìm nguồn vật liệu cát cho dự án.
Trước đó, ngành chức năng TP.Cần Thơ đã có khảo sát và nhận định, các mỏ cát trên địa bàn thành phố không đáp ứng được tiêu chí kỹ thuật của cát dành cho dự án đường cao tốc (do cát có quá nhiều tạp chất hữu cơ, bùn).