Tận thấy cổ vật nghìn năm ghi dấu Phật giáo vùng Tây Yên Tử ở Bắc Giang
Sáng 1/2, tại Khu Du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử ở xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức trưng bày chuyên đề “Dấu thiêng Phật giáo vùng Tây Yên Tử - Di vật ngàn năm từ lòng đất” với gần 400 hiện vật và hình ảnh gắn với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
CLIP: Dấu thiêng Phật giáo vùng Tây Yên Tử - Di vật ngàn năm từ lòng đất.
Trong khuôn khổ Lễ khai hội xuân Tây Yên Tử và khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang 2023, sáng 1/2, tại Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Bắc Giang tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề "Dấu thiêng Phật giáo vùng Tây Yên Tử - Di vật ngàn năm từ lòng đất". Thời gian trưng bày kéo dài từ ngày 1 đến 6/2.
Bà Phùng Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang cho biết, trong không gian trưng bày "Dấu thiêng Phật giáo vùng Tây Yên Tử - Di vật ngàn năm từ lòng đất", Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã lựa chọn gần 400 những hiện vật là dấu tích của những công trình kiến trúc hoặc những hiện vật là những vật liệu, dụng cụ, đồ dùng, vật dụng gốm từ đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn...
"Thông qua các hiện vật này, chúng tôi muốn khẳng định hệ thống các ngôi chùa ở tỉnh Bắc Giang có lịch sử từ rất lâu đời và đặc biệt là thời Lý - Trần và sau này có sự nối tiếp qua thời Lê, thời Nguyễn" - bà Phùng Thị Mai Anh chia sẻ.
Học sinh Trường THPT Sơn Động số 3 tham quan khu trưng bày "Dấu thiêng Phật giáo vùng Tây Yên Tử - Di vật ngàn năm từ lòng đất".
Vào thời Trần có nhiều di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được chính các vị Tổ sư của Thiền phái Trúc Lâm cho xây dựng, tu tạo, mở mang để trở thành các chốn tùng lâm lớn như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Thiên, Mã Yên, Hồ Bấc…
Tại trưng bày chuyên đề, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang cũng giới thiệu 60 hình ảnh những điểm chùa, di tích và dấu tích các công trình tín ngưỡng, tôn giáo cổ gắn với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Ngay sau lễ khai mạc, các đại biểu, du khách tham quan không gian trưng bày và trải nghiệm in dập mộc bản.
Theo các nhà nghiên cứu, 3.050 tấm mộc bản bằng chữ Hán và Nôm, số ít bằng chữ Phạn được khắc từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX.
Phát biểu tại buổi trưng bày, ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, với địa thế núi cao, cảnh đẹp nên từ xa xưa, khu vực sườn Tây Yên Tử đã được các vị vua thời Lý - Trần lựa chọn là nơi dựng chùa, tu tâm, tham thiền học đạo.