Dân Việt

Báo cáo Thủ tướng, Bộ Công Thương "tố" Bộ Tài chính chậm có ý kiến sửa đổi chính sách với xăng dầu

An Linh 01/02/2023 17:48 GMT+7
Trong báo cáo gửi Thủ tướng ngày 18/1 về tiến trình sửa đổi chính sách kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương "tố" Bộ Tài chính chậm có ý kiến, dù cho Bộ này quản nhiều khâu quan trọng ảnh hưởng lớn đến thị trường xăng dầu.

Bộ Công Thương lại "tố" Bộ Tài chính chậm trễ góp ý sửa đổi kinh doanh xăng dầu

Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết ngày 18/1 mới chỉ có một số Bộ, cơ quan ngang Bộ có ý kiến, mới chỉ hơn một nửa số địa phương có góp ý gửi về Bộ. Đáng nói, Bộ Công Thương xin phép Thủ tướng cho thêm thời gian, tiếp tục hoàn thiện dự thảo.

Báo cáo Thủ tướng, Bộ Công Thương "tố" Bộ Tài chính chậm có ý kiến sửa đổi chính sách với xăng dầu - Ảnh 1.

Trước đó, tại Công văn số 4326/VPCP-KTTH ngày 1/12/2022 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng nghị định sửa đổi hai Nghị định 95 và 83 theo hướng rút gọn, trình Chính phủ trong tháng 1/2023.

Tuy nhiên, trong văn bản số 288 gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 18/1/2023, Bộ Công Thương trần tình về những khó khăn trong việc xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định số 95, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu theo đề nghị của Chính phủ.

Bộ Công Thương cho rằng, sau nhiều ngày ban hành văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành và cơ quan trung ương, địa phương, tính đến hết ngày 18/1/2023, mới chỉ có một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, cùng 37/63 Sở Công Thương địa phương có ý kiến gửi về.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cho hay: "Bộ Tài chính là cơ quan được giao quản lý và xây dựng nội dung dự thảo Nghị định đối với lĩnh vực về công thức giá và Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhưng tính đến hết ngày 18/1, Bộ này vẫn chưa có ý kiến góp ý, gửi nội dung xây dựng dự thảo Nghị định theo đề nghị của Bộ Công Thương tại Công văn 8525/BCT-TTTN ngày 30/12/2022", Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ.

Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng cho phép Bộ tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị định trên cơ sở tổng hợp thêm ý kiến góp ý từ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đặc biệt của Bộ Tài chính bởi liên quan đến việc hướng dẫn các nội dung về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, việc quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Bộ Công Thương đề nghị Thủ trướng có ý kiến chỉ đạo các Bộ, ngành, sớm có ý kiến góp ý đối với dự thảo sửa đổi hai Nghị định 95, Nghị định 83 để Bộ Công Thướng sớm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Tại Tờ trình lần thứ 2 gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án điều hành giá xăng dầu, trong đó phương án 1 tiếp tục điều hành giá theo quy định hiện nay, sửa công thức giá cơ sở theo hướng rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp chưa được tính trong giá cơ sở hiện hành, phương thức, tần suất xác định chi phí... để đảm bảo tính đúng, đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở do nhà nước công bố.

Phương án 2, là nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành, gồm giá thế giới, các loại thuế thu vào ngân sách, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu... để định hướng việc tính, quyết định giá bán lẻ xăng dầu. Trên cơ sở các chi phí thực tế (chi phí kinh doanh, vận chuyển, premium...) doanh nghiệp tự xác định, công bố giá bán lẻ của mình và kê khai, báo cáo thay đổi giá về liên Bộ Công Thương - Tài chính để giám sát.

Tuy nhiên, khác với lựa chọn đưa ra trước đây, Bộ Công Thương đề xuất cho doanh nghiệp xăng dầu được tự quyết giá bán, lần này Bộ Công Thương - một trong hai cơ quan điều hành xăng dầu, lại đề nghị chọn phương án 1, tức nhà nước tiếp tục điều hành giá, trong đó công thức giá cơ sở sẽ được sửa đổi theo hướng rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp chưa được tính, các quy định về phương thức xác định chi phí, tần suất xác định chi phí.

Ngoài ra, dự thảo lần thứ 2, Bộ Công Thương vẫn giữ đề xuất rút ngắn thời gian điều hành giá từ từ 10 ngày xuống 7 ngày và điều chỉnh khi giá biến động 5% như lần đầu.