Dân Việt

Trồng thứ cây ra quả đặc sản này, nông dân Sóc Trăng cứ hái xuống là có người mua

Thúy Liễu 02/02/2023 12:40 GMT+7
Trong vài năm trở lại đây, cây dừa dứa đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân tỉnh Sóc Trăng, bởi đây là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc và trái dừa có giá trị kinh tế cao, thị trường ưa chuộng.

Chính vì giá trị trái dừa dứa đem lại tốt cho nhà vườn, trong năm 2018, Trạm Khuyến nông huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã triển khai mô hình hỗ trợ giống dừa dứa đến nhiều hộ dân trên địa bàn xã Song Phụng và thị trấn Đại Ngãi, góp phần tăng thu nhập cho bà con.

Một trong những hộ dân điển hình được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ trồng dừa dứa đem về nguồn thu nhập tốt là ông Phạm Văn Dới, ấp Ngãi Phước, thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú.

Trồng thứ cây ra quả đặc sản này, nông dân Sóc Trăng cứ hái xuống là có người mua - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Dới, ấp Ngãi Phước, thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (Sóc Trăng) bên dừa dứa của gia đình. Ảnh: THÚY LIỄU

Đến tham quan vườn dừa dứa của ông Phạm Văn Dới đúng lúc vườn dừa đang độ thu hoạch trái. Từng buồng dừa nặng trĩu oằn xuống gần tới mặt đất, mỗi cây dừa có từ 5 - 10 buồng. Ngoài số buồng dừa bao quanh thân cây, trên ngọn dừa còn có nhiều hoa dừa, nằm gọn trong những chiếc nang, chuẩn bị cho đợt trái tiếp theo.

Để giới thiệu với khách về trái dừa dứa thơm mát, ông Dới nhanh chân đi về phía những cây dừa nhiều trái, ngắm nghía lựa chọn trái dừa vừa già chuẩn bị thu hoạch mời khách dùng thử. 

Ông Dới tâm tình: “Để uống trái dừa vừa ngọt, vừa thơm mùi lá dứa phải chọn trái dừa đã có thịt bên trong trái (dừa nạo) thì người dùng mới cảm nhận hết hương thơm của lá dứa trong nước dừa. Do đó, ngoài kỹ thuật trồng dừa cho cây đạt năng suất trái cao, nhà vườn cũng phải am hiểu đặc tính sinh trưởng của cây dừa, đặc biệt nhất là trái dừa, bởi trái dừa đạt chất lượng là nước phải có nhiều hương thơm của lá dứa.

 Chính vì nắm bắt được đặc tính của dừa nên khi triển khai trồng dừa tôi tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, theo hướng dẫn của ngành chuyên môn về khoảng cách xuống giống cây cách cây, hàng cách hàng, thời điểm tưới nước, bón phân, nhằm đảm bảo cây tăng trưởng tốt và cho trái đạt chất lượng tốt nhất”.

Cũng theo lời ông Dới, diện tích vườn dừa dứa được ông chuyển đổi từ đất lúa sang từ năm 2018, với diện tích đất là 8.000mvà toàn bộ số dừa giống do Trạm Khuyến nông huyện Long Phú hỗ trợ, kể cả hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc trong suốt quá trình mới xuống giống cho đến thời điểm hiện nay. 

Theo đó, dừa trồng khoảng 20 tháng đã thu hoạch đợt trái đầu tiên và tới 26 tháng thì dừa sẽ cho trái nhiều hơn. Hiện tại, vườn dừa đã cho trái nhiều hơn sau hơn 3 năm xuống giống, khoảng 25 ngày thu hoạch trái một lần, thu về hơn 1.000 trái dừa/đợt, lợi nhuận hơn 6 triệu đồng/đợt.

Ngoài trồng dừa dứa, ông Dới còn trồng xen canh thêm cây chanh tàu chùm trong vườn, với giống chanh trên, khoảng 15 tháng xuống giống đã thu hoạch trái. Tính đến nay, chanh đã thu hoạch nhiều đợt trái, vì trồng cùng thời gian với cây dừa. 

Cây chanh tương tự dừa cho trái quanh năm, bình quân khoảng 25 ngày thu hoạch trái 1 lần, sản lượng hơn 1 tấn trái, giá bán dao động 5.000 - 17.000 đồng (tùy thời điểm), thu về lợi nhuận hơn 5 triệu đồng/tháng.

“Để dừa đạt số lượng trái nhiều, phải đến năm thứ tư trở về sau, chẳng hạn như vườn dừa của tôi trong đợt thu hoạch tới đây, sẽ tăng sản lượng lên 1.500 trái/đợt/25 ngày. Trồng dừa nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế lâu dài, bởi dừa cho thu hoạch trái lên đến vài chục năm. 

Hiện tại, ngoài bán dừa tươi phục vụ thị trường, tôi còn bán giống dừa dứa cho bà con có nhu cầu mua giống, giá bán dừa khô là 20.000 đồng/trái và ươm dừa lên mọng là 40.000 đồng/trái. Nguồn giống dừa đảm bảo cung cấp số lượng lớn cho bà con có nhu cầu” - ông Dới chia sẻ thêm.

Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Long Phú Nguyễn Văn Quân cho biết: “Mô hình trồng dừa dứa tại hộ ông Phạm Văn Dới là mô hình khuyến nông triển khai rất thành công, thông qua việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, sang trồng cây ăn trái. 

Bên cạnh trồng dừa, ông Dới còn kết hợp trồng xen cây chanh và dưới ao nuôi thêm nhiều loại cá nhằm tăng nguồn thu nhập. Từ thành công mô hình trồng dừa dứa, kết hợp trồng chanh và nuôi cá, đã được huyện chọn là mô hình điển hình. Do đó, trong thời gian tới, huyện sẽ nhân rộng mô hình đến người dân trên địa bàn huyện”.