Ngày 2/2, UBND tỉnh Bình Định cho biết, Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng vừa ký công văn gửi Bộ GTVT, Ban quản lý dự án 2, kiến nghị xử lý cao độ nền đường của tuyến quốc lộ 19 thuộc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, đoạn qua địa bàn xã Tây Giang, huyện Tây Sơn.
Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên được Bộ GTVT phê duyệt và Ban quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư, đang được triển khai thi công xây dựng.
Tuy nhiên, theo thực tế thi công tại hiện trường có những bất cập gây ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực dự án.
UBND tỉnh Bình Định cho rằng, hiện nay, đoạn tuyến từ Km50+200-Km51+500 (từ cầu Bầu Sen đến cầu Ba La), đặc biệt là phạm vi cầu Ba La (từ Km50+961,9-Km51+338,7) qua địa bàn xã Tây Giang, huyện Tây Sơn có cao trình thiết kế mặt cầu và đường đầu cầu cao hơn nhà dân hai bên tuyến khoảng từ 1,22 - 4,1m, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của khoảng 36 hộ dân trong đoạn tuyến.
Cử tri trên địa bàn huyện Tây Sơn cũng đã có kiến nghị về những bất cập nêu trên đến Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan báo chí đã phản ánh những bức xúc của người dân trong khu vực dự án.
Do vậy, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương có giải pháp xử lý phù hợp để đảm bảo đời sống, sinh hoạt của các hộ dân trong khu vực dự án.
Quốc lộ 19 dài 243 km, là tuyến nối các tỉnh Tây Nguyên, song nhỏ hẹp, nhiều đoạn xuống cấp, xe chạy khó khăn. Giữa năm 2021, Bộ GTVT triển khai dự án nâng cấp, sửa chữa gần 150 km qua hai tỉnh Gia Lai, Bình Định, tổng vốn hơn 3.600 tỷ đồng. Thời gian thi công từ cuối 2021 đến 2023. Trong đó, đoạn quốc lộ 19 qua huyện Tây Sơn dài 17 km.
Khi quốc lộ 19 qua xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) được cải tạo từ cuối năm 2021, người dân sống hai bên quốc lộ chưa kịp vui thì phải khốn khổ "kêu trời", vì nhà biến thành hầm do thấp hơn nền đường hơn 1m.
Chưa dừng lại, từ ngày thi công mở rộng, nâng cấp quốc lộ 19 đến nay, nhiều gia đình khốn khổ vì phải sống chung với bụi bặm, tiếng ồn.
Theo ông Lê Thành Long (63 tuổi, xã Tây Giang), trước đây nền nhà ông cao ngang so với mặt đường nhưng hiện mặt đường cao hơn nền nhà trên 1m, điều này khiến cuộc sống của gia đình bị đảo lộn, thậm chí nguy hiểm rình rập.
"Trời mưa đi xe cứ té lên té xuống. Hôm rồi cả người và xe tôi té nhào đầu xuống đường may không bị thương. Nghe nói xây cầu xong, mặt đường còn nâng cao thêm nữa, khi đó nhà tôi không biết đi bằng cách nào", ông Long bức xúc.
Việc đường và mương cao hơn nền nhà ảnh hưởng rất lớn đến người dân, đặc biệt là mùa mưa. Chị Đoàn Thị Thanh Liên cho biết mùa mưa nước chảy từ đường vào nhà, ngập lênh láng, đồ đạc hư hỏng. "Không phải ai cũng có điều kiện để nâng nền nhà, mong nhà nước xem xét giải quyết giúp chúng tôi", chị Liên than vãn.
Còn bà Nguyễn Thị Nghiêm (77 tuổi, xã Tây Giang) thì bức xúc: "Mưa lớn hay nhỏ là nước chảy ào vào nhà, phải quét dọn mệt người. Tôi phải mua xi măng, gạch về để xây bờ chắn không cho nước, bùn đất chảy vào nhà. Đoạn này chỉ mới đổ đất mở rộng mà đã vậy rồi, còn đổ đường cao lên 2m nữa thì nhà tôi hết chỗ đi. Đường mới làm mà đi lại bất tiện, bị ngã mấy bận rồi, rất nguy hiểm".
Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng cho biết, có khoảng hơn một km từ cầu Bầu Sen đến cầu Ba La, sau khi cải tạo đường cao hơn nhà dân 1-4 m, ảnh hưởng 36 hộ với khoảng 150 người dân.
"Nhiều lần nhận được phản ánh, chính quyền huyện đã đề nghị chủ đầu tư xem xét hạ độ cao nền đường, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân", ông Hùng nói.