Dân Việt

Gạo Việt Nam đã lập được kỳ tích gì ở EU?

K.Nguyên 03/02/2023 11:00 GMT+7
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường EU trong năm 2022 đạt 94.510 tấn, trị giá gần 65 triệu USD, con số này đã vượt hạn ngạch 80.000 tấn/năm mà EU dành cho Việt Nam theo cam kết từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Xuất khẩu gạo lập kỷ lục

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 7,11 triệu tấn, tương đương trên 3,45 tỷ USD, tăng 13,8% về khối lượng, tăng 5,1% về kim ngạch so với năm 2021, giá trung bình đạt 486,2 USD/tấn.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 45,2% trong tổng lượng và chiếm 43,2% trong tổng kim ngạch gạo XK của cả nước, đạt gần 3,22 triệu tấn, tương đương 1,49 tỷ USD, giá trung bình 464 USD/tấn, tăng 30,7% về lượng, tăng 19% về kim ngạch nhưng giảm 8,9% về giá so với đầu năm 2021.

Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm trên 12% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 850.949 tấn, tương đương 432,32 triệu USD, giá trung bình 508 USD/tấn, giảm 19,6% về lượng và giảm 17,3% kim ngạch; giá tăng nhẹ 2,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 656.361 tấn, tương đương 294,6 triệu USD, giá 448,8 USD/tấn, tăng mạnh 53,3% về lượng và tăng 34,9% kim ngạch nhưng giảm 12% về giá so với cùng kỳ, chiếm trên 9,2% tổng lượng và chiếm 8,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Kỳ tích hạt gạo Việt ở EU - Ảnh 1.

Đóng gói gạo tại Vinaseed. Ảnh: Vinaseed

Việt Nam đứng thứ 9 về xuất khẩu gạo vào EU, tăng 1 bậc so với năm 2021. Lượng gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU đạt 94.714 tấn, chiếm 4,1% thị phần nhập khẩu của khu vực, tăng so với mức 3% của cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu gạo sang EU vượt hạn ngạch của EVFTA

Đáng chú ý, bên cạnh việc duy trì đà tăng trưởng ở các thị trường truyền thống gạo Việt còn mở rộng thị phần tại những thị trường khó tính, đòi hỏi cao về chất lượng.

Điển hình là thị trường EU, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2022 đạt 94.510 tấn, trị giá gần 65 triệu USD, tăng 48% về lượng và tăng 45,5% về trị giá so với năm 2021. Con số này đã vượt hạn ngạch 80.000 tấn/năm mà EU dành cho Việt Nam theo cam kết từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đồng thời đây cũng là khối lượng xuất khẩu cao nhất của ngành gạo Việt Nam vào EU trong nhiều năm qua.

Theo cam kết của EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm, gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, giúp Việt Nam có thể XK khoảng 100.000 tấn vào thị trường này mỗi năm. Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, gạo là một trong những mặt hàng tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan.

Cùng với ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu gạo sang EU còn được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng cao từ khu vực trong bối cảnh hạn hán đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa gạo của châu Âu khiến nhiều nước phải tìm kiếm nguồn cung từ bên ngoài. Mặt khác, một số quốc gia trong khu vực EU cũng có xu hướng nhập khẩu gạo nhiều hơn nhằm thay thế cho nguồn cung lúa mì bị sụt giảm do cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU tăng cao trong thời gian qua cũng phần nào cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng được cải thiện và đáp ứng được các yêu cầu khắt khe từ thị trường.

Với đa phần là các loại gạo có giá trị gia tăng cao, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường EU trong năm 2022 đạt bình quân 688 USD/tấn, cao hơn 41,4% so với mức giá xuất khẩu chung là 486 USD/tấn của cả nước. Đáng chú ý, theo tiết lộ của ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, có những loại gạo của công ty xuất khẩu sang EU giá lên đến 1.000 USD/tấn.

Trong báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo của EU trong niên vụ 2022-2023 dự báo giảm hơn 25% so với niên vụ trước và là mức thấp nhất trong 38 năm kể từ vụ 1984-1985. Các nhà sản xuất gạo chính trong khu vực là Italy và Tây Ban Nha, chiếm 80% tổng sản lượng, đều trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, nhập khẩu gạo của EU dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục 2,7 triệu tấn trong năm 2023. Hầu hết gạo nhập khẩu vào EU là loại gạo hạt dài, nhưng trong những năm gần đây nhu cầu gạo hạt trung bình cũng đang tăng lên.

Bộ Công Thương nhận định với nhu cầu ổn định, đặc biệt đối với các loại gạo đặc sản từ châu Á, trong thời gian tới, EU sẽ tiếp tục là thị trường nhiều tiềm năng với doanh nghiệp XK gạo Việt Nam.