Khánh Nguyên
Thứ hai, ngày 16/01/2023 19:02 PM (GMT+7)
Năm 2022, ngành chế biến, xuất khẩu gạo Việt Nam lập nhiều kỷ lục: Sản lượng xuất khẩu 7 triệu tấn, trị giá 3,5 tỷ USD; gạo Việt có mặt trên kệ siêu thị EU, vào bữa ăn Nội các Nhật Bản... Nhưng phía sau những con số ấy, câu chuyện về sự liên kết trong nội ngành cũng đáng phải suy ngẫm.
Sau 10 năm kỳ tích của xuất khẩu gạo năm 2012 đã lặp lại khi kết thúc năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 7 triệu tấn với trị giá 3,5 tỷ USD. Đây là một kết quả đầy ấn tượng trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.
Về giá, theo ước tính, giá xuất khẩu bình quân gạo của Việt Nam trong tháng 11/2022 đạt 493 USD/tấn, tính chung 11 tháng năm 2022, giá xuất khẩu bình quân đạt 485 USD/tấn.
"Năm 2022 là một năm có rất nhiều biến động trên thị trường, khi đầu năm giá gạo đi xuống và phải đến quý III giá gạo mới tăng lên. Tuy nhiên, có thể khẳng định năm 2022 vẫn tiếp tục là một năm khá thành công của ngành gạo. Theo đó, đến hết năm 2022 Việt Nam xuất khẩu được trên 7 triệu tấn", đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đánh giá.
Đại diện VFA nhận định, năm 2023 xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo sẽ thuận lợi bởi giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu thu mua lương thực tăng lên.
Theo VFA, trong năm 2022 có thời điểm giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và đứng đầu thế giới. Đơn cử, trong tháng 11/2022, trong khi giá chào bán gạo 5% tấm của Thái Lan chỉ ở mức 440 USD/tấn còn gạo Việt Nam ghi nhận mức 447 USD/tấn.
Không chỉ có gạo trắng mà các loại gạo thơm, gạo Japonica... của Việt Nam đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu với giá tốt. Đơn cử như giá gạo thơm xuất khẩu cho thị trường Trung Đông, châu Âu của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) trong năm 2022 đạt mức bình quân 650 USD/tấn, riêng loại gạo ST24, ST25 có giá trên 1.000 USD/tấn.
Nhìn nhận kết quả xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng: "Kết quả trên không phải là may rủi mà là một quá trình. Chúng ta chọn tạo bộ giống lúa, đáp ứng yêu cầu các thị trường từ thấp cấp đến cao cấp. Về canh tác, công tác khuyến nông đã nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật; đồng thời doanh nghiệp liên kết với nông dân, HTX sản xuất gạo để đáp ứng các tiêu chí của các nước có yêu cầu xuất khẩu cao như Mỹ, EU.
Điều này cho thấy muốn xuất khẩu vào các thị trường khó, có giá trị cao thì phải tư duy theo kiểu cùng nhau; doanh nghiệp phải bỏ tư duy buôn chuyến. Khi Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn, riêng gạo thơm có giá trị cao là 30.000 tấn. Tới tháng 10/2022, doanh nghiệp xuất khẩu đã gần như hết".
Chú ý những sản phẩm chế biến cao cấp từ gạo
Thị trường gạo còn một số sản phẩm chế biến cao cấp mà chúng ta ít chú ý, như mì gạo, bún khô… Đây là những sản phẩm mà khách châu Âu rất thích, do bảo quản được lâu. Nhưng quan trọng là các sản phẩm này không được có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Có lẽ đây cũng là một hướng đi mà chúng ta sẽ góp phần tăng giá trị hạt gạo".
PGS -TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam
Khẳng định được thương hiệu với thế giới
"Trước đây chúng ta thường xuất khẩu thô, nên trên các bao gạo đều in tên thương hiệu, nhãn hàng của đơn vị nhập khẩu. Nhưng bây giờ đã có gạo Lộc Trời vào siêu thị châu Âu. Tuy lượng chưa lớn, nhưng đây là tín hiệu gạo Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường cao cấp. Thương hiệu gạo đó không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn mang giá trị văn hoá, tinh thần của người Việt Nam".
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT)
Đồng tình với nhận định của ông Nguyễn Như Cường, PGS -TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: Chúng ta đang hưởng lợi những kết quả từ chính sách tái cơ cấu nông nghiệp thực hiện từ gần 10 năm nay, chứ không phải mở cửa thị trường mà đáp ứng được ngay.
Đó là chúng ta đã chuyển dần từ sản xuất gạo chất lượng thấp sang sản xuất lúa gạo chất lượng cao, với những bộ giống gạo rất thơm ngon. Đặc biệt, trải qua dịch Covid-19, rất nhiều nước bày tỏ sự ngưỡng mộ chiến lược đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam và đã có nhiều đơn vị nước ngoài sang Việt Nam học tập.
"Tôi đã gặp một số người tiêu dùng châu Âu và họ đánh giá rất cao chất lượng gạo của Việt Nam. Chúng ta đã đặt được "một chân" vào thị trường châu Âu và chúng tôi cho rằng, cần phải liên kết chặt chẽ hơn để duy trì thị trường này", PGS.TS Đào Thế Anh khẳng định.
Triển vọng và những thách thức trong liên kết
Đúng là năm 2022 xuất khẩu gạo đã xác lập những kỷ lục mới nhưng trong câu chuyện liên kết, xây dựng thương hiệu thì còn nhiều điều phải suy ngẫm.
Tại Cuộc thi gạo ngon thế giới năm 2022, gạo Campuchia được xướng tên. Dù gạo Campuchia có quá trình tham gia thị trường xuất khẩu thế giới ngắn hơn Việt Nam, nhưng chiến lược xây dựng thương hiệu bài bản, thống nhất đã giúp gạo Campuchia chiếm được thị phần ở những thị trường khó tính. Trong cuộc thi đó, gạo ST25 của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí được lọt vào tốp 4 gạo ngon thế giới (sản phẩm gạo ST25 đi dự thi với tư cách cá nhân doanh nghiệp).
Việc gạo ST25 được ghi nhận ở cuộc thi gạo ngon thế giới tất nhiên là rất quan trọng, thể hiện uy tín, chất lượng của hạt gạo Việt Nam, nhưng ở cuộc thi mang tầm cỡ thế giới, việc này vô tình lại thể hiện sự thiếu thống nhất, liên kết trong cách doanh nghiệp ngành gạo.
Thực tế, năm 2023, ngành gạo vẫn đứng trước nhiều cơ hội lớn. Đại diện VFA nhận định, xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo sẽ thuận lợi bởi giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu thu mua lương thực tăng lên.
Thị trường năm 2023 có nhiều triển vọng tích cực khi nhiều quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Trung Quốc giảm sản lượng do ảnh hưởng thiên tai (lũ lụt, hạn hán). Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia cũng tranh thủ thu mua nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Gạo Việt đang đứng trước dư địa xuất khẩu lớn, điều quan trọng là các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết, vì thương hiệu chung của gạo Việt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.