Ngồi trên ca nô phóng tầm mắt ra xa, đảo Bình Ba hiện lên với núi non trùng điệp, uốn quanh như “vành nôi” che chở cho thuyền bè ra vào vịnh Cam Ranh. Tuy nhiên, càng vào gần đến đảo, khung cảnh nhà cửa hiện lên trù phú, nhộn nhịp.
Anh Nguyễn Ngọc Huy, 52 tuổi, ở thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh xuất thân từ một thợ sửa chữa điện tử rồi trở thành “ông chủ” bằng số vốn khởi nghiệp vài chục triệu vay từ ngân hàng. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN
Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình chia sẻ, quê ông ở thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà, lớn lên đi bộ đội biên phòng ở đảo Bình Ba. Nhưng rồi vì “bén duyên” với cô gái trên đảo nên cả hai kết thành vợ chồng, rồi ông trở thành công dân trên đảo Bình Ba. Ngoài làm việc ở chính quyền xã, ông Ân cũng là một “nông dân” nuôi tôm hùm, đưa lại thu nhập khá ổn định.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Ân cho hay: đảo Bình Ba có 3 thôn là Bình Ba Đông, Bình Ba Tây và Bình An với hơn 1.000 hộ dân, 3.800 nhân khẩu. 85% dân số trên hai đảo đều làm nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.
Kinh tế chính của người dân xã đảo chính là nuôi tôm hùm. Nghề nuôi tôm hùm đã phát triển từ năm 1990, ban đầu chỉ có 5 lồng với lưới đơn giản bằng lưới sắt B40 nhưng đến nay đã phát triển lên 400 bè với hàng nghìn lồng nuôi tôm hùm các loại.
Dù vậy nghề nuôi tôm hùm cũng lắm lúc “thăng trầm”, nhưng có thể khẳng định nhờ tôm hùm một số người dân đã trở thành tỷ phú; trong đó có trên 20 hộ dân là tỷ phú, thu nhập vài tỷ đồng mỗi năm; nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm.
Ông Lê Văn Hoà - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Bình cho biết, trước những năm 2017, người dân xã Cam Bình ai nuôi tôm hùm cũng được mùa được giá, trở nên khấm khá. Nhiều gia đình trong vùng giàu lên từ tôm hùm, rồi sau đó nhiều người ở đây cũng phát triển nuôi tôm, số lồng bè ngày càng tăng. Hiện nay người dân sống chủ yếu vào nghề nuôi tôm chứ không phải nghề đi biển đánh bắt hải sản.
Hiện diện tích nuôi trồng thủy sản toàn xã đạt gần 90 ha; trong đó trên đảo Bình Ba 58 ha và đảo Bình Hưng 30 ha, với 469 bè nổi, gần 20.000 lồng chủ yếu nuôi tôm hùm xanh. Thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm bằng lồng trên địa bàn đã mang lại thu nhập cao cho kinh tế hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Buổi sáng trên bến cảng tập nập cảnh “trên bến dưới thuyền”, những chiếc thuyền nhỏ cập bến neo đậu gần tàu lớn nhận thức ăn của tôm hùm. Thức ăn bao gồm cá nhỏ, cua nhỏ, sò nhỏ đã được sơ chế. Những thanh niên miền biển khoẻ mạnh nhanh chóng theo thuyền ra bè nuôi tôm bắt đầu một ngày làm việc.
Trong không khí tấp nập của một ngày làm việc mới, anh Nguyễn Tấn Dũng, một người dân nuôi tôm hùm trên đảo Bình Ba cho biết, vài năm gần đây do phần lớn tôm hùm chỉ xuất đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, phụ thuộc vào thương lái, nên giá cả không ổn định. Giá tôm hùm bông từ 800.000 đồng/kg; loại tôm hùm xanh là 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/kg.
Theo ông Lê Văn Hoà, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Bình, những năm gần đây nghề nuôi tôm hùm đứng trước những rủi ro bởi nguồn nước biển bị ô nhiễm và thị trường tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào thương lái và chỉ bán qua đường tiểu ngạch đi Trung Quốc. Trước thực trạng đó, người dân đã nhiều lần tìm liên kết tiêu thụ tôm hùm, tuy nhiên đến nay chưa có doanh nghiệp nào tiêu thụ chính ngạch đi các nước. Giá cả không ổn định nên người dân không yên tâm đầu tư.
Để hòn đảo Bình Ba vang danh đi muôn nơi phải nhờ đến những con người chất phác, nhiệt tình, miệng nói tay làm. Những phẩm chất đó làm cho người dân trên đảo trở nên thân thương. Trong đó, anh Nguyễn Ngọc Huy, 52 tuổi ở thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh xuất thân từ một thợ sửa chữa điện tử rồi trở thành “ông chủ” bằng số vốn khởi nghiệp vài chục triệu vay từ ngân hàng.
Lồng bè nuôi tôm hùm trên đảo Bình Ba. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVNChúng tôi ngồi ca nô của anh Huy ra thăm lồng nuôi hùm, được anh giới thiệu nhiệt tình về lịch sử hòn đảo cũng như những thăng trầm nghề tôm hùm. Theo anh Huy, nếu không có tôm hùm thì sẽ không có đảo Bình Ba như ngày hôm nay. Nếu duy trì được nghề nuôi tôm hùm thì cuộc sống của người dân sẽ rất khấm khá.
Anh Huy cho biết, đằng sau sự thành công thì vẫn còn đó nhiều vấn đề rủi ro, bởi nghề nuôi tôm không được suôn sẻ như trước đây nữa. Và để duy trì, phát triển nghề nuôi tôm hùm cần giải quyết các vấn đề về môi trường biển, thức ăn, rác thải và thị trường tiêu thụ. Nguyên nhân do phát triển nhiều lồng nuôi nên đã tác động lớn đến môi trường, từ đó dịch bệnh sẽ phát triển nhiều hơn dẫn đến nguồn cung sẽ giảm.
Theo anh Nguyễn Ngọc Huy, để giải quyết vấn đề môi trường cần sự chung tay người dân và ý thức bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường rất cần sự đồng lòng chứ một người không thể làm được. Người dân phải thu gom rác thải thức ăn thừa trong quá trình nuôi tôm để đưa vào bờ xử lý. Nếu giải quyết được vấn đề đó sẽ tăng được năng suất tôm.
Bên cạnh đó, nhà nước có sự hỗ trợ người dân tìm được đầu ra tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo ổn định thị trường. Ngoài ra để phát triển lâu dài cần phải chú trọng đầu tư vào lồng bè công nghiệp có sức chịu tác động của mưa bão và thân thiện với môi trường.
Anh Đỗ Quang Minh, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Bình Ba Đông chia sẻ, cuộc sống trên đảo rất bình yên, thân thiện. Người dân trên đảo rất chăm chỉ, đoàn kết cùng giúp nhau làm ăn vươn lên làm giàu. Là người được sinh ra và lớn lên trên đảo nên anh Minh chia sẻ anh yêu đảo như máu thịt của mình...