Một lễ hội mùa xuân ở Vĩnh Phúc có các "pha" đấu dê gay cấn, hấp dẫn, đó là lễ hội gì?
Một lễ hội mùa xuân ở Vĩnh Phúc có các "pha" chọi dê gay cấn, hấp dẫn, đó là lễ hội gì?
Thứ bảy, ngày 04/02/2023 07:09 AM (GMT+7)
Mùa Xuân là mùa của nhiều lễ hội. Với bà con người dân tộc Cao Lan ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) thì Lễ hội Xuống đồng (theo tiếng dân tộc gọi là Lễ hội Lồng Tồng) từ bao đời nay đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc, trong đó có chơi chọi dê...
Lễ hội được tổ chức đầu Xuân không chỉ là thời gian bà con nghỉ ngơi, vui chơi, mà còn là thời khắc quan trọng để người dân cầu mong cho một năm mưa thuận, gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, mọi nhà ấm no, hạnh phúc.
Phần hội của Lễ hội Xuống đồng hằng năm thu hút đông đảo du khách thập phương nhờ duy trì những trò chơi dân gian độc đáo như chọi dê
Nét đẹp Lễ hội Xuống đồng
Theo tục lệ, ngay từ tối hôm trước lễ hội, các thôn đã tổ chức giao lưu văn nghệ, trình diễn các bài hát, điệu múa mang đậm nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Cao Lan. Đến buổi sáng sớm ngày hội chính, các gia đình đều chuẩn bị lễ vật để mang ra đình góp lễ. Lễ vật thường là thủ lợn, xôi gà, bánh mứt, hoa quả…
Phần lễ được diễn ra tại các đình làng, trong không khí tưng bừng, phấn khởi của những ngày đầu Xuân, bà con trong xã cùng vào đình để làm lễ cầu mong trời đất, tổ tiên cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, no ấm đến mọi nhà. Thông thường, lễ hội mở đầu bằng những âm thanh vang rền của dàn trống như thúc giục người xem nhanh chân về vui hội.
Tại lễ hội năm nay, bên cạnh phần lễ được chuẩn bị chu đáo từ rất sớm, Ban Tổ chức lễ hội đã đưa nhiều hoạt động văn hóa-văn nghệ, trò chơi dân gian vào phần hội nhằm thu hút du khách đến tham dự, thưởng thức.
"Lần đầu được tham dự Lễ hội Xuống đồng tại xã Quang Yên, tôi thấy rất thú vị. Đây là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Cao Lan. Cá nhân tôi cho rằng Lễ hội Xuống đồng còn là tín ngưỡng phồn thực mang nhiều giá trị về dân tộc học, nhân văn, nghệ thuật…
Đến với lễ hội năm nay, tôi thực sự ấn tượng với những trò chơi dân gian được tổ chức tại lễ hội, đặc biệt là trò chọi dê. Nhất định tôi sẽ còn quay lại trong thời gian tới để thưởng thức những cảm xúc đặc biệt này” - chị Nguyễn Thanh Hương đến từ huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội chia sẻ.
Không chỉ gây ấn tượng tốt với du khách, Lễ hội Xuống đồng thực sự trở thành sân chơi lành mạnh của người dân địa phương và nhân dân các vùng lân cận nhờ phần hội được diễn ra với các trò chơi dân gian đặc sắc như ném còn, đi cà kheo, kéo co, bắn nỏ, chọi dê và một số môn thể thao khác.
Trong lễ hội, bà con trong xã cùng nhau xuống đồng để cày bừa và gieo cấy lúa Xuân. Thông qua những hoạt động trong Lễ hội Xuống đồng, bà con trong xã sẽ có được những giây phút thư giãn, thoải mái, tạo sự hứng khởi trước khi bước vào vụ sản xuất mới. Đồng thời, cùng nhau tích cực đưa những giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Có mặt tại Lễ hội Xuống đồng năm nay trong tâm thế háo hức của những ngày đầu Xuân, chị Nguyễn Thu Phương, xã Đồng Quế, huyện Sông Lô chia sẻ: "Đến tham gia lễ hội, sau nghi thức lễ cúng trang nghiêm chúng tôi thực sự ấn tượng và thích thú khi được được tham gia các trò diễn như cấy lúa, ném còn, mê mẩn với các màn dân ca, dân vũ nhịp nhàng, uyển chuyển, say mê của các đôi nam, nữ các bản đua tài mang nét đẹp tín ngưỡng và nhiều giá trị về văn hóa, đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Cao Lan.
Đó là lý do để năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, tôi lại tạm gác tháng ngày mải miết với cuộc mưu sinh tất bật. Chậm lại một chút những ưu tư, hoài bão còn vướng víu. Tết, là nhất định phải về với gia đình, phải du Xuân qua miền Lễ hội Xuống đồng, để đắm mình vào cái hồn của lễ hội đã lắng đọng từ muôn năm cũ và vẫn vẹn nguyên giá trị đến ngàn Xuân sau”.
Nỗ lực gìn giữ, phát triển
Lễ hội Xuống đồng là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện khát vọng của người dân trong sự hòa hợp trời đất, âm dương, cầu mong cho cuộc sống khỏe mạnh, no đủ, vạn vật sinh sôi...
Những trò chơi trong lễ hội thể hiện nét đẹp tâm hồn phong phú, gắn với thiên nhiên, gắn với những tập tục văn hóa lâu đời của cư dân lúa nước. Việc phục dựng Lễ hội Xuống đồng không chỉ góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa mà qua đó còn nâng cao ý thức của người dân trong việc tự gìn giữ, bảo vệ những di sản văn hóa của dân tộc mình.
Trao đổi với phóng viên, ông Vi Đình Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Yên, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Xuống đồng năm 2023 cho biết: "Lễ hội Xuống đồng của bà con người dân tộc Cao Lan, xã Quang Yên đã có từ hàng trăm năm nay, tuy nhiên, do nhiều lý do mà lễ hội ngày càng bị mai một, một thời gian dài lễ hội đã không được tổ chức.
Đến năm 2007, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) đã quyết định phục dựng lễ hội và giao Sở VH-TT&DL phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành các nghi thức phục dựng lễ hội. Từ đó đến nay, hằng năm, lễ hội đã được người dân trong xã tổ chức đều đặn”.
Có mặt tại nhà văn hóa thôn Đồng Dong, nơi diễn ra Lễ hội Xuống đồng năm 2023, ngay từ sáng sớm, trên khắp các ngả đường đã đông kín người dân và du khách tập nập trẩy hội.
Anh Đặng Quang Thủy, người dân thôn Xóm Mới, xã Quang Yên vui mừng cho biết: "Bản thân tôi cũng như tất cả mọi người đến lễ hội với tâm trạng vui tươi, phấn khởi, náo nức và có rất nhiều hy vọng, hy vọng một năm mới an khang, thịnh vượng, một năm mới đầy đủ, ấm no, hạnh phúc, nhiều sức khỏe và mọi nhà được bình an".
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức, đặc biệt là vấn đề kinh phí, tuy nhiên trong những năm qua, chính quyền và nhân dân địa phương luôn nỗ lực để duy trì, bảo tồn hoạt động lễ hội và những trò chơi dân gian.
Bí thư Đảng ủy xã Quang Yên Nguyễn Tiến Toàn chia sẻ: "Năm nay, lễ hội được tổ chức trong thời tiết thuận lợi, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến tham dự. Chúng tôi đã triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho mọi người đến dự lễ hội.
Bên cạnh đó, xã cũng đã tổ chức các gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, văn hóa, ẩm thực và du lịch. Địa phương rất mong muốn được hỗ trợ kinh phí để những năm tới sẽ xây dựng Lễ hội Xuống đồng trở thành thương hiệu và là điểm đến của du khách gần xa gắn với phát triển du lịch văn hóa dân gian trên địa bàn".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.