Chị Phạm Thị Nụ - Giám đốc Công ty TNHH Chè Shan Trúc Thanh là một trong những điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Lai Châu. Hiện chị Nụ đang đầu tư phân xưởng chế biến chè rộng hơn 5.000m2 với nhiều máy móc hiện đại và liên kết với bà con trồng chè hơn 150ha tại xã vùng cao Sùng Phài, huyện Tam Đường.
Chị Nụ phấn khởi cho biết: "Đến nay, công ty đã đầu tư hiện đại hóa toàn bộ công nghệ chế biến chè từ thu hái đến sao chè, lên hương thay thế cho cách làm truyền thống. Nhờ đó năng suất và chất lượng chè tăng lên rõ rệt, được các bạn hàng trong nước và quốc tế ưa chuộng. Bình quân mỗi năm, công ty sản xuất hơn 1.500 tấn chè khô, tương đương 8.500 tấn chè tươi/năm, chủ yếu xuất khẩu sang 2 thị trường Pakistan và Đài Loan (Trung Quốc)".
"Đến thời điểm này, Hội ND tỉnh Lai Châu có trên 5.500 hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Các hộ này đã giúp đỡ rất nhiều hộ gia đình khác thoát nghèo bằng kinh nghiệm, vốn, thuê lao động. Số hộ sản xuất kinh doanh giỏi tăng theo từng năm".
Ông Mùa A Trừ - Chủ tịch Hội ND tỉnh Lai Châu
Đồng hành cùng với người trồng chè, chị Nụ đứng ra cung ứng phân bón trả chậm (khi nào thu hoạch chè bà con mới phải trả tiền phân bón cho công ty), hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm chè cho hàng trăm bà con nông dân tham gia mô hình liên kết.
Còn chị Hoàng Thị Liên (ở phường Đoàn Kết, TP.Lai Châu) lại mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi thỏ, nuôi gà, cá, trồng bưởi, chanh leo và trồng chè. Hiện, gia đình chị Liên đang duy trì mô hình nuôi thỏ với gần 3.000 con phát triển mạnh và được tiêu thụ rất nhanh, gần 2ha chanh leo, 5.000m2 ao cá, 7.000m2 chè và hàng trăm gốc bưởi xen chè. Từ những mô hình tổng hợp, mỗi năm gia đình chị Liên có thu nhập trên 1 tỷ đồng.
Từ kinh nghiệm thành công của gia đình, chị Liên không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm hay, những cách làm có hiệu quả trong sản xuất với bà con trong thôn, trong xã để họ tích cực tham gia thực hiện các mô hình do địa phương xây dựng.
Đến tháng 1/2023, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu có 106 cơ sở hội, 972 chi hội với 69.013 hội viên. Bám sát các nghị quyết, chương trình, đề án về phát triển kinh tế, xã hội của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tích cực chỉ đạo, vận động cán bộ, hội viên đẩy mạnh thực hiện phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ đó, tạo sự lan tỏa và thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia.
Đặc biệt, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi mạnh dạn đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả cao; đồng thời phát huy tinh thần tương thân tương ái, tích cực giúp đỡ hộ hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.
Ông Mùa A Trừ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu cho hay, đến thời điểm này, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu có trên 5.500 hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Các hộ này đã giúp đỡ rất nhiều hộ gia đình khác thoát nghèo bằng kinh nghiệm, vốn, thuê lao động. Số hộ sản xuất kinh doanh giỏi tăng theo từng năm.
Cụ thể: Năm 2021, toàn tỉnh có 5.129 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Năm 2022, số lượng đã tăng lên 5.567 hộ. Nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hội viên, nông dân. Đặc biệt, trong số 158 sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu, đa số là của hội viên nông dân. Kết quả này đã góp phần khẳng định vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội Nông dân các cấp và hội viên trong phát triển kinh tế - xã hội của Lai Châu.
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phối hợp với chính quyền các cấp đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Hội tuyên truyền nhân rộng gương điển hình nông dân làm kinh tế giỏi, khích lệ, động viên nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm quyết tâm vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế.
Cùng đó, Hội tiếp tục hướng dẫn nông dân phát triển các mô hình kinh tế phù hợp gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phối hợp đào tạo nghề, giúp nông dân tiếp cận và khai thác có hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.