Lai Châu đang trồng thứ sâm gì mà thuộc hàng quý nhất thế giới, bán củ sâm này tới 80-100 triệu/kg?

Thứ ba, ngày 15/03/2022 06:00 AM (GMT+7)
Các nhà khoa học Viện Dược liệu, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam qua kết quả nghiên cứu khoa học và thực tiễn đã kết luận sâm Lai Châu thuộc sâm Panax Vietnamensis fodicus var cùng dòng với sâm Ngọc Linh với 52 loại saponin (saponin là chất chống ung thư).
Bình luận 0

Yếu tố này đã đưa sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu thành loại sâm có hàm lượng saponin lớn và quý nhất thế giới. 

Với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu của tỉnh ta, sâm Lai Châu có trong tự nhiên thuộc các dải núi Pu Ta Leng kéo dài đến dải núi Pu Si Lung với độ cao thích hợp từ 1.500-3.000m so với mực nước biển, thuộc các huyện: Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, có hàng trăm nghìn héc-ta được các nhà khoa học đánh giá phù hợp phát triển sâm Lai Châu.

Lai Châu đang trồng thứ sâm gì mà thuộc hàng quý nhất thế giới, bán củ sâm này tới 80-100 triệu/kg? - Ảnh 1.

Vườn sâm Lai Châu được trồng tại xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ảnh tư liệu.

Huyện Mường Tè có diện tích tự nhiên gần 267.500ha, trong đó, tỷ lệ che phủ rừng chiếm gần 66%, là huyện có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh; có vị trí địa lý, thổ nhưỡng khí hậu phù hợp với nhiều loại dược liệu quý hiếm, đặc biệt là sâm Lai Châu.

Trên cơ sở những chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện Mường Tè đã vận dụng linh hoạt những chính sách tạo điều kiện cho các tổ chức doanh nghiệp và người dân trồng sâm Lai Châu.

Đồng chí Đao Văn Khánh - Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: Trên địa bàn huyện, cây sâm Lai Châu được xác định phù hợp ở các xã biên giới với diện tích lên đến hàng chục nghìn héc-ta. Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế dưới tán rừng của Trung ương và của tỉnh, huyện Mường Tè sẽ thu hút các nhà đầu tư và tạo điều kiện cho người dân phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là sâm Lai Châu.

Huyện luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư và người dân giải quyết khó khăn, vướng mắc. Tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư, người dân tham gia trồng sâm Lai Châu được tiếp cận các chính sách của địa phương về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện nhất quán chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuê đất, đầu tư kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng. 

Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc thực hiện các nghị quyết, chính sách, Đề án Phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban; Tổ công tác hỗ trợ giải phóng mặt bằng do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách. Hàng năm, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tiềm năng phát triển cây sâm Lai Châu trên địa bàn huyện Mường Tè bước đầu được các nhà đầu tư, cấp ủy, chính quyền, nhân dân các xã phát huy. 

Ông Ngô Tân Hưng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sâm Pu Si Lung cho biết: Hiện, công ty đang triển khai dự án trồng rừng gỗ lớn và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn xã Pa Vệ Sủ. 

Qua tư vấn của các nhà khoa học cùng định hướng của tỉnh Lai Châu và huyện Mường Tè, công ty đã triển khai phát triển cây sâm Lai Châu. 

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học và thực tiễn cho thấy, trung bình 1ha sẽ trồng được khoảng 25.000 cây sâm Lai Châu, sau 5 năm sẽ thu hoạch khoảng 800kg sâm tươi. Hiện nay, trên thị trường, củ sâm từ 5-6 năm tuổi có trọng lượng khoảng 20 củ/kg có giá bán từ 80-100 triệu đồng/kg.

Qua thực tế triển khai trên địa bàn xã Pa Vệ Sủ cho thấy cây sâm Lai Châu rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; với đặc tính của sâm Lai Châu chỉ phát triển dưới tán rừng sẽ hạn chế tình trạng phá rừng và nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng. 

Loại cây quý này không còn là cây nông nghiệp xóa đói giảm nghèo mà là cây làm giàu cho nông dân các dân tộc vùng trồng sâm của huyện. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng và tổ chức nghiên cứu, xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm liên quan đến sâm Lai Châu. 

Trong quá trình triển khai dự án trên địa bàn công ty sẽ tạo công ăn, việc làm cho bà con; đồng thời chuyển giao giống, kỹ thuật để người dân có thể tham gia trồng sâm phát triển kinh tế.

Bà Lò Phù Mé - Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ cho biết: Trước kia trên địa bàn xã tại dãy núi Pu Si Lung, cây sâm Lai Châu có rất nhiều, nhưng do người dân khai thác không hợp lý nên giờ rất hiếm. Tại một số bản như: Sín Chải B, Chà Gá... người dân đã trồng sâm dưới tán rừng. 

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế của tỉnh và huyện, xã khuyến khích người dân và doanh nghiệp thực hiện phát triển kinh tế dưới tán rừng. Hiện đã có một nhà đầu tư triển khai trồng sâm Lai Châu và một số cây dược liệu khác trên địa bàn. 

Tuy nhiên, việc trồng sâm Lai Châu đòi hỏi đầu tư lớn, kỹ thuật cao, cấp ủy, chính quyền xã đã đề nghị các nhà đầu tư phải thực hiện tốt công tác liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân. Đồng thời có phương án, lộ trình chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống để người dân trong xã có thể tham gia trồng sâm Lai Châu phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.

Huyện Mường Tè đã có 5 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 36 hộ nông dân đang liên kết, tổ chức trồng cây dược liệu, trong đó diện tích vườn sâm Lai Châu đã phát triển được trên 5,6ha tại các xã: Pa Vệ Sủ, Tá Bạ, Thu Lũm, Pa Ủ, Ka Lăng. 

Với những điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện tự nhiên phù hợp và chủ trương của tỉnh, huyện Mường Tè sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân và thu hút các nhà đầu tư thực hiện liên kết trồng sâm Lai Châu tại các xã có tiềm năng, lợi thế.

Cây sâm Lai Châu trở thành một trong những cây nông nghiệp chủ lực của huyện, với mục tiêu hướng đến là sản phâm hàng hóa quý, được chế biến sâu có giá trị kinh tế cao để xuất khẩu, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng vùng biên giới giàu mạnh.

Hà Dũng (Báo Lai Châu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem