Thông tin tại buổi họp mặt, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Lê Hồng Sơn cho biết, dưới sự chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Thường trực Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy, hoạt động báo chí thành phố năm 2022 có nhiều khởi sắc.
Báo chí thành phố tiếp tục thông tin đậm nét, đầy đủ, kịp thời các hoạt động, chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thành phố cũng như ghi nhận nỗ lực của các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Nhiều tin bài tuyên truyền, thông tin về sự cần thiết, quá trình chuẩn bị dự án đường Vành đai 3 TPHCM, về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố...
Báo chí thành phố tiếp tục xây dựng các tuyến bài tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đồng thời, tổ chức nhiều loạt bài tuyên truyền việc tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị.
"Trong đó, báo chí nêu rõ vai trò của chính quyền thành phố quyết tâm đổi mới phương pháp làm việc của cơ quan hành chính nhà nước theo tinh thần phục vụ, góp phần tham gia sâu hơn vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách cho thành phố", ông Sơn nhấn mạnh.
Các cơ quan báo chí tổ chức tuyến tin, bài, diễn đàn tham gia đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Trung ương dành cho TP.HCM; làm rõ các cơ sở để thành phố tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trong thời gian tới để phát triển TP.HCM "vì cả nước, cùng cả nước". Đồng thời, nhanh chóng tổ chức các tuyến tin, bài về thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, ông Lê Hồng Sơn cho rằng, số bài viết về thành tựu trong công tác xây dựng Đảng trên báo chí thành phố còn ít. Vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí có biểu hiện "chạy" theo mạng xã hội, khai thác quá đà thông tin, đặt tít câu view, sử dụng thông tin và hình ảnh chưa phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Một số cơ quan báo chí chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo, định hướng về thông tin của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí gây tác động tiêu cực trong dư luận.
Tại buổi họp mặt, chuyển đổi số báo chí là chủ đề được đại diện nhiều cơ quan báo chí nêu lên. Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) Cao Anh Minh mong muốn có hành lang pháp lý về chuyển đổi số. Cho phép các cơ quan báo chí thúc đẩy xã hội hóa, hợp tác liên danh liên kết để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào chuyển đổi số, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn và đảm bảo cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí.
Trong khi đó, Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp TP.HCM Đinh Thị Thanh Thủy cho rằng, trong bối cảnh sách điện tử đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và nhiều công ty chuyên kinh doanh sản phẩm này hoạt động tốt thì các nhà xuất bản lại vướng về nhân lực, về công nghệ thông tin và bị lạc hậu hạ tầng công nghệ; nguyên do là các NXB thiếu vốn để đầu tư nhân lực và nền tảng công nghệ hiện đại.
Liên quan vấn đề truyền thông chính sách, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM Cao Anh Minh đề nghị các cơ quan chức năng có hành lang pháp lý để các cơ quan báo chí tiếp cận các nguồn dữ liệu chung của thành phố. Việc này nhằm kịp thời nắm bắt các chủ trương chính sách, chỉ đạo điều hành của Thành ủy, HĐND, UBND, sở ngành, quận huyện… để từ đó có kế hoạch truyền thông chính sách chiến lược cho thành phố và các đơn vị.