Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán, những khó khăn lớn sẽ còn tiếp tục gây áp lực lên mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong những tháng tiếp theo. Và hiện cả 3 "khối động cơ" chính của nền kinh tế là doanh nghiệp Nhà nước, FDI và tư nhân đều đang ở trong thế khó, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.
Theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 826 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, trong đó 673 doanh nghiệp nhà nước và 153 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Tổng tài sản là hơn 3,7 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020. Vốn chủ sở hữu là 1.795.451 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020. Tổng doanh thu đạt 2.128.254 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020.
Hiện tổng nợ phải trả của doanh nghiệp Nhà nước là hơn 1,9 triệu tỷ đồng tỷ đồng, tương đương so với năm 2020. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 53% tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp Trung ương.
Theo Bộ Tài chính, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con có tổng tài sản là gần 3,4 triệu tỷ đồng, chiếm 90% tổng tài sản của các doanh nghiệp; tổng doanh thu từ báo cáo hợp nhất đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2020.
Các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con có số tổng doanh thu lớn tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp có quy mô lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (440.000 tỷ đồng); Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (380.000 tỷ đồng); Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (150.000 tỷ đồng); Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (114.000 tỷ đồng)…
Lãi phát sinh trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con đạt 186.371 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2020, chiếm 91% tổng lãi phát sinh trước thuế của các doanh nghiệp. Các đơn vị có lãi phát sinh trước thuế cao trên 5.000 tỷ đồng chủ yếu vẫn ở những tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, như: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (52.000 tỷ đồng); Tập đoàn Viễn thông quân đội (37.000 tỷ đồng); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (18.000 tỷ đồng)…
Trong năm 2021, nhiều doanh nghiệp bắt đầu vực dậy và phát triển trở lại, một số Công ty mẹ có tổng doanh thu tăng trên 30% so với năm 2020 như: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (tăng 156%); Tổng Công ty Hợp tác kinh tế (87%); Công ty TNHH MTV Ứng dụng kỹ thuật và sản xuất (77%); Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc tăng (66%)...
Một số doanh nghiệp lãi phát sinh trước thuế năm 2021 giảm sâu như: Công ty mẹ - Tổng Công ty Giấy Việt Nam có lãi phát sinh trước thuế là 1 tỷ đồng tương ứng giảm 90%; Công ty mẹ - Tổng Công ty vận tải Hà Nội có lãi phát sinh trước thuế là 1,5 tỷ đồng tương ứng giảm 90% (doanh thu giảm dẫn đến lãi phát sinh trước thuế giảm); Công ty mẹ - Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD) có lãi phát sinh trước thuế là 163 tỷ đồng tương ứng giảm 52%, doanh thu giảm 42% so với năm 2020…
Có 90/826 doanh nghiệp (chiếm 11% tổng số doanh nghiệp) có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh là 16.064 tỷ đồng. 184/826 doanh nghiệp (chiếm 22% tổng số doanh nghiệp) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 52.840 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ luỹ kế hơn 3.000 tỷ đồng; Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lỗ gần 2.000 tỷ đồng; Tổng Công ty Du lịch Hà Nội lỗ 69 tỷ đồng…
Trong báo cáo của Bộ Tài chính đánh giá về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp FDI năm 2021 vừa công bố ngày 28/12/2022, mặc dù có sự tăng trưởng nhưng khối doanh nghiệp này cũng chưa cho thấy sự lạc quan. Theo số liệu thống kê, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, doanh thu đều tăng trưởng hai con số so với năm 2020. Đặc biệt lợi nhuận sau thuế đạt 83.585 tỉ đồng, tăng 29,6% so với năm 2020.
Ngành có đóng góp lợi nhuận lớn nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động kinh doanh bất động sản; vận tải kho bãi; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí…
Tuy nhiên, số nợ phải trả của doanh nghiệp FDI năm 2021 cũng tăng tới 14,7% so với năm 2020, lên 5,261 triệu tỉ đồng. Một số lĩnh vực có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn như thông tin truyền thông là trên bốn lần; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 3,85 lần; sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí là 2,93 lần.
Đặc biệt, năm 2021, cả nước có hơn 14.200 doanh nghiệp FDI báo lỗ, chiếm 55% tổng số doanh nghiệp, tăng 11% so với năm 2020. Tổng giá trị lỗ lên tới hơn 168.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp lỗ lũy kế hơn 16.000 doanh nghiệp, chiếm 62% tổng số doanh nghiệp FDI, tăng 8% so với năm trước. Có hơn 4.400 doanh nghiệp lỗ mất vốn chủ sở hữu, tăng 15% so với năm 2020.
Theo Bộ Tài chính, dù quy mô tài sản tăng nhưng tốc độ tăng của nợ phải trả cao hơn tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu. Điều này cho thấy sự mở rộng của tài sản đến từ khoản nợ nhiều hơn từ nguồn vốn của nhà đầu tư. Tăng trưởng nguồn vốn của doanh nghiệp FDI phần lớn đến từ nguồn tài trợ bên ngoài. Chỉ tiêu sinh lời của một số lĩnh vực còn âm, chưa được cải thiện.
Số nộp ngân sách của doanh nghiệp FDI chưa tương xứng với tổng mức đầu tư. Số doanh nghiệp FDI báo lỗ, doanh nghiệp lỗ lũy kế, lỗ mất vốn có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và giá trị lỗ. Sản phẩm nhà đầu tư nước ngoài xuất khẩu chủ yếu hàng gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động, công nghệ chưa cao, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp.
Trong nhiều năm qua, bất chấp những khó khăn do Covid -19 gây ra, khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn đang cho thấy tốc độ phát triển rất đáng ghi nhận. Nhưng dù chiếm hơn 97% số lượng doanh nghiệp, đóng góp 45% GDP và 31% thu ngân sách, doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam vẫn chưa được đối xử bình đẳng với doanh nghiệp Nhà nước và khu vực FDI.
Trong nhiều diễn đàn kinh tế, các chuyên gia đã chỉ rõ, doanh nghiệp tư nhân rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để có đủ lực phát triển ổn định, dài hơi.
Mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, tổng hợp và báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Theo đó, trên cơ sở phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội từ nửa cuối tháng 10 tới nay, Ban IV đã gửi báo cáo Thủ tướng một số vấn đề rào cản, thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi và phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Hiện doanh nghiệp ở hầu hết ngành hàng đều nhận định, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong nửa cuối quý 4/2022 và đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Cơ hội thị trường, đơn hàng cho năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng... Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.
Chi phí đầu vào cho sản xuất xuất khẩu tại Việt Nam ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế. Tỉ giá USD/VNĐ tăng mạnh; lãi suất tăng làm chi phí vốn sản xuất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam tăng cao...
Để hỗ trợ nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong bối cảnh doanh nghiệp đối diện với khó khăn rất lớn về dòng tiền, Ban IV đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch như: chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng, chính sách giãn/hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP của Chính phủ; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ...