Để có thể tái hiện không khí của trận chiến quyết liệt bảo vệ Hà Nội trong 60 ngày đêm từ cuối 1946 đến đầu 1947, đoàn làm phim Đào, Phở, Piano đã dựng một khu phố cổ dài gần 100 m tại một khu đất thuộc doanh trại quân đội cũ ở Đại Lải, Phúc Yên. Sau hơn 3 tháng thi công, với đội ngũ thiết kế, sản xuất là những người dạn dày kinh nghiệm từng tham gia trong nhiều bộ lịch sử, chiến tranh, một phim trường khá quy mô đã hình thành.
Đó là những ngôi nhà phố cổ Hà Nội thập niên 1940 với những cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn… có cả xe tăng, toa tàu điện – mà người dân Hà Nội đã xây thành chiến lũy trong cuộc chiến bảo vệ Thủ đô yêu dấu năm xưa. Được biết, bối cảnh chiến lũy là bối cảnh chính của bộ phim. Trong vòng 1 tuần nữa, đoàn phim "Đào Phở, Piano" sẽ tiến hành bấm máy tại phim trường.
Bối cảnh "chiến lũy" mà các anh đang dựng sẽ đóng vai trò quan trọng để các nhân vật trong phim thể hiện tinh thần, ý chí và tình yêu mãnh liệt với Hà Nội trong những ngày họ quyết định sống mãi với Thủ Đô. Khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện là gì?
- Khó nhất ở đây là tôi không được sinh ra trong giai đoạn chiến tranh. Và như đa số các bạn trẻ khác, tôi nhìn chiến tranh theo cách riêng của mình, cùng với việc được tiếp cận với nhiều nguồn tư liệu khác nhau, nhất là trong thế giới phẳng với sự hỗ trợ đắc lực của internet nên để có thể làm được theo đúng yêu cầu, tôi phải tìm đọc, nghiên cứu rất nhiều nguồn tư liệu. Sau đó, tôi cùng với tất cả các anh em trong tổ thiết kế làm việc với đạo diễn thật chi tiết để vừa đáp ứng được yêu cầu nghệ thuật của bộ phim, vừa đáp ứng được các cảnh quay cho phù hợp với tình hình sản xuất phim ở Việt Nam hiện nay.
Điều quan trọng tôi nghĩ là phải làm sao đó để tất cả các tư liệu mình đưa ra đều phải sát với thực tế. Bởi ở Việt Nam, bối cảnh từ thời Pháp trở về trước đó hầu như là không còn nữa. Không kể các phố Hàng ở khu phố cổ Hà Nội đã thay đổi quá nhiều theo thời gian, những vật dụng, đồ dùng như xe cộ thời đó cũng hiếm. Ví dụ trong phim này cần có một chiếc xe tăng. Chúng tôi cũng tìm thông tin và liên hệ với đoàn phim Hà Nội mùa đông năm 1946 của đạo diễn Đặng Nhật Minh để hỏi xem họ dùng xe tăng gì.
Kết quả là lúc đó các cụ dùng xe tăng T34 của Nga để làm phim thay vì dùng xe tăng của đồng minh Mỹ cấp cho Pháp. Tiếp đó là phim Điện Biên Phủ mà Pháp sang bên ta sản xuất. Nhưng mà họ cũng không thể tìm được xe tăng M4A3 vốn được sử dụng ở thời điểm đó mà vận chuyển sang thì quá phức tạp. Cuối cùng, chúng tôi quyết định làm mô hình xe tăng đặt trên đường ray có thể di chuyển được để phục vụ công tác làm phim.
Ngoài những khó khăn về đạo cụ, diễn xuất thì đây là phim về chiến tranh trong phố Hà Nội, không thể quay tại nơi thật được, buộc phải dựng 100% nên cần rất nhiều thời gian. Chúng tôi phải tính toán sao cho vừa phù hợp với kinh tế vừa phù hợp với điều kiện làm phim. Tôi chính thức bắt tay vào dự án này từ 3 năm trước và quá trình thi công tái hiện "chiến lũy" phố cổ chính thức từ khoảng 3 tháng trước.
Lỗi giả bối cảnh vốn là căn bệnh trầm kha của phim Việt. Khi bắt tay vào thực hiện dự án này anh có chịu áp lực đó không?
- Có, vì thế tôi luôn cùng với đạo diễn tính toán suy nghĩ rất nhiều. Lo đến mất ngủ. Tuy nhiên, tôi nghĩ là ngay cả những bộ phim lớn của nước ngoài, được giải Oscar vẫn có sạn, huống chi là trong điều kiện điện ảnh Việt Nam hiện tại, để tìm ra được bộ phim "tròn trịa" hơi khó, cho nên lỗi cũng là điều không thể tránh khỏi.
Bất kỳ phim nào hoàn thành chắc chắn cũng không thể tránh được sạn. Nhưng theo tôi việc lỗi hay không còn phụ thuộc vào góc nhìn của khán giả. Lỗi là không thể tránh, quan trọng là cách xử lý câu chuyện như thế nào, có thuyết phục được người xem hay không, nếu họ bị hút vào câu chuyện, tình tiết của phim họ có thể sẽ quên đi những chi tiết nhỏ nhặt, mặc dù phần thiết kế sẽ bổ trợ thêm cho việc đó rất nhiều. Nhưng tôi tin rằng, với Đào, Phở, Piano, tôi và đạo diễn Phi Tiến Sơn cùng toàn thể ê-kíp sẽ cố gắng hết sức để đem đến một bộ phim chất lượng tốt về mặt bối cảnh.
Trải nghiệm của anh sau những năm gắn bó với công việc của một họa sĩ thiết kế bối cảnh là gì?
- Tôi tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội năm 2005 và gắn bó với công việc này từ đó đến nay. Ở Hãng I, tôi đã làm các phim Trên đỉnh bình yên, Lính chiến, Phượng cháy, và bây giờ là Đào, Phở, Piano. Ngoài các phim của Hãng, tôi tham gia trong các dự án phim tư nhân gồm 578 – Phát đạn của kẻ điên, Kiều, Sám hối…
Tôi được đào tạo, được học chuyên ngành này, tuổi thì tuy trẻ so với các bậc cha chú, nhưng cũng đã thuộc hàng trung niên nên lựa chọn làm việc khác bây giờ cũng khó. Tóm lại, tôi thường nửa đùa nửa thật là: Không biết làm gì khác đành phải làm họa sĩ thiết kế phim truyện. Tuy nhiên, tôi rất yêu công việc của mình vì tôi nghĩ, thế hệ cha chú làm nghề đều đã có tuổi, còn lại anh em trẻ thôi nên phải cố gắng làm, tự kết nối, tìm cho mình ê-kíp riêng. Sau đó, ngoài việc làm phim cho đơn vị thì cố gắng xây dựng thương hiệu để làm cho các phim khác bên ngoài.
Hiện tại, tôi nhận làm TVC, phim cho các doanh nghiệp, phim truyền hình… Các anh em khác cũng thế. Bạn làm mô hình chiếc xe tăng trong phim này xuất thân là họa sĩ điêu khắc, tốt nghiệp tại Mỹ thuật Yết Kiêu, cũng gắn bó với điện ảnh 20 năm rồi. Còn người phụ trách các đạo cụ cho phim cũng đã gắn bó với điện ảnh 25 năm. Anh ấy làm giả mọi thứ y như thật, ngoài làm phim thì công việc chính của anh là phục chế xe cổ. Nói chung, ai cũng có việc chính việc phụ và đều gắn bó với nhau, gắn bó với điện ảnh khá lâu rồi.
Cảm ơn họa sĩ Viết Hưng đã chia sẻ thông tin!