Đây là thông tin được quy định trong Nghị định 23/2021/NĐ- CP. Theo đó khi lao động mất việc, thất nghiệp được giới thiệu đến trung tâm dịch vụ việc làm để tìm việc, trong quá trình lao động thất nghiệp, không thấy thông tin phản hồi gì từ trung tâm, trung tâm không nắm rõ tình trạng việc làm của người lao động thì trung tâm có thể bị xử phạt.
Cụ thể, Điều 12 Nghị định 23/2021/NĐ-CP quy định, trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận, lập hồ sơ các cơ quan, tổ chức và cá nhân đến đăng ký dịch vụ việc làm. Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện theo dõi tình trạng việc làm cho người lao động được giới thiệu hoặc cung ứng tối thiểu 3 tháng hoặc trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động đối với những trường hợp thực hiện hợp đồng lao động dưới 3 tháng theo quy định tại Nghị định này.
Đồng thời, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức cung cấp các dịch vụ và quản lý hoạt động dịch vụ việc làm tại trung tâm dịch vụ việc làm đảm bảo theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ LĐTBXH.
Theo quy định đó, trung tâm dịch vụ việc làm phải theo dõi tình trạng việc làm cho người lao động được giới thiệu. Việc trung tâm dịch vụ việc làm trả lời không rõ tình trạng việc làm của người lao động là không đúng quy định pháp luật.
Khoản 1 Điều 7 Nghị định 12/2022/NĐ-CP vi phạm quy định về dịch vụ việc làm như sau:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có một trong các hành vi sau đây:
Thông báo hoạt động dịch vụ việc làm không theo quy định của pháp luật.
Không niêm yết công khai bản sao được chứng thực từ bản chính giấy phép, quyết định thu hồi giấy phép tại trụ sở chính của doanh nghiệp.
Không theo dõi tình trạng việc làm của người lao động do doanh nghiệp giới thiệu hoặc cung ứng tối thiểu 3 tháng hoặc trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động đối với những trường hợp thực hiện hợp đồng lao động dưới 3 tháng.
Khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định khi trung tâm dịch vụ việc làm không theo dõi tình trạng việc làm cho người lao động sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Điều 46 Luật việc làm 2013 quy định về hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
Trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; trường hợp không đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp thì phải trả lời bằng văn bản cho người lao động.
Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo đó, người lao động có thể nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Điều 50. Luật Việc làm năm 2013 quy định về mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.