Dân Việt

Bình Dương áp chỉ tiêu các địa phương, đơn vị hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư công lớn nhất từ trước tới nay

Trần Khánh 13/02/2023 13:33 GMT+7
Cộng gộp cả nguồn vốn ngân sách trung ương năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Bình Dương là trên 21.800 tỷ đồng. Đây là số vốn đầu tư công được giao cao nhất từ trước đến nay.

Áp lực đầu tư công ở TP.Thuận An

Năm 2023, TP.Thuận An (Bình Dương) được bố trí hơn 2.200 tỷ đồng để thực hiện 98 dự án. Trong đó có 8 dự án của tỉnh thực hiện trên địa bàn thành phố, với nguồn vốn bố trí hơn 1.500 tỷ đồng.

Đây là nguồn vốn lớn. Để giải ngân đúng tiến độ, TP.Thuận An đã tập trung triển khai các giải pháp ngay từ đầu năm đối với các dự án trọng điểm của tỉnh và của chính thành phố.

Đối với dự án của tỉnh, 2 dự án được quan tâm nhất là dự án đền bù, giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương và Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú (TP.Thuận An) đến đường Lê Hồng Phong (TP.Thủ Dầu Một).

Đường Vành đai 3, đoạn đi qua 3 phường An Phú, Thuận Giao và Bình Chuẩn (TP.Thuận An) dài khoảng 7 km, trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Ảnh: Trần Khánh

Đường Vành đai 3, đoạn đi qua 3 phường An Phú, Thuận Giao và Bình Chuẩn (TP.Thuận An) dài khoảng 7 km, trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Ảnh: Trần Khánh

Hiện tại, TP.Thuận An đang ráo riết thực hiện các công đoạn trong công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3, đảm bảo khởi công dự án này vào dịp 30/4.

Với dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, UBND TP.Thuận An cho biết công tác giải phóng mặt bằng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đến đầu tháng 2/2023, 2 trong 3 phân đoạn dự án đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, phân đoạn từ ngã tư cầu Ông Bố đến nút giao Hữu Nghị đã giải ngân 470 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Đoạn từ nút giao Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong giá trị giải ngân 290 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.

Riêng đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú đến ngã tư cầu Ông Bố, TP.Thuận An đã thực hiện thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ về đất 2 đợt, đạt hơn 567 tỷ đồng.

TP.Thuận An đặt mục tiêu hoàn thành chi trả đền bù giải phóng mặt bằng phân đoạn này vào quý 3 năm nay. Bởi vì, hoàn thành việc này, TP.Thuận An sẽ giải ngân được khoảng 50% vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2023.

Quốc lộ 13, đoạn qua phường Thuận Giao, TP.Thuận An. Ảnh: Trần Khánh

Quốc lộ 13, đoạn qua phường Thuận Giao, TP.Thuận An. Ảnh: Trần Khánh

Ngoài ra, năm 2023, TP.Thuận An cũng sẽ triển khai rất nhiều dự án mang tính dân sinh như đầu tư trường học; cải tạo các tuyến đường nội ô; xây dựng nhà truyền thống thành phố; nâng cấp, mở rộng trung tâm y tế thành phố. Để hoàn thành đúng tiến độ đề ra, lãnh đạo thành phố đề nghị các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch giải ngân vốn của từng dự án cho cả năm.

Thành phố cũng chỉ đạo và hướng dẫn các xã, phường triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản ngay từ đầu năm, đồng thời phải quyết liệt thực hiện cải cách hành chính trong thực hiện thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Ông Nguyễn Thanh Tâm – Chủ tịch UBND TP.Thuận An cho biết: "Nhiệm vụ của năm 2023 rất nặng nề. Nếu thành phố không nỗ lực, không tập trung làm thì khó mà hoàn thành được".

Bình Dương áp chỉ tiêu đầu tư công

Theo kế hoạch, số vốn đầu tư công năm 2023 được trích từ nguồn ngân sách của tỉnh Bình Dương lên tới hơn 18.600 tỷ đồng; gấp 2,17 lần so với kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công cho tỉnh Bình Dương bố trí năm 2022.

Cộng gộp cả nguồn vốn ngân sách trung ương năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Bình Dương là trên 21.800 tỷ đồng. Đây là số vốn đầu tư công được giao cao nhất từ trước đến nay.

Thủ tướng Chính phủ khảo sát tiến độ thi công đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành tại Bình Dương cuối năm 2022. Ảnh: T.L

Thủ tướng Chính phủ khảo sát tiến độ thi công đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành tại Bình Dương cuối năm 2022. Ảnh: T.L

Để giải ngân đúng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong năm 2023, Bình Dương sẽ huy động nhiều nguồn lực; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng liên kết vùng như đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương, đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường ven sông Sài Gòn từ Thủ Dầu Một đến Thuận An, nút giao Sóng Thần.

Bên cạnh đó, sẽ có thêm 99 dự án giao thông lớn được Bình Dương góp vốn trong năm mới với tổng kinh phí lên tới hơn 12.800 tỷ đồng, chiếm 58,8% tổng kế hoạch vốn năm 2023.

Như vậy, trong năm 2023, Bình Dương sẽ phân bổ vốn cho 103 dự án hạ tầng giao thông trên tổng số 311 dự án đầu tư công.

Để tránh tình trạng giải ngân đầu tư công thấp như năm 2022, tỉnh Bình Dương đăt mục tiêu giải ngân được 25% mỗi quý của năm 2023.

Trước đó, báo cáo kết quả chiến dịch cao điểm 55 ngày đêm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 31/1/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của Bình Dương là 74,4%, không đạt như kỳ vọng.

Ngay từ đầu năm, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã đốc thúc các chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục cần thiết để thi công dự án, không để tập trung vào cuối năm, dẫn đến không kịp giải ngân vốn.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi (phải) khảo sát khu tái định cư Bình Đức (phường Lái Thiêu, TP.Thuận An). Ảnh: T.L

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi (phải) khảo sát khu tái định cư Bình Đức (phường Lái Thiêu, TP.Thuận An). Ảnh: T.L

Theo kế hoạch, khu tái định cư Bình Đức (phường Lái Thiêu, TP.Thuận An) là 1 trong các khu tái định cư phục vụ cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.

Khu tái định cư này có diện tích 1,2ha, với khoảng 85 nền tái định cư. Hiện nay, TP.Thuận An đang lập thủ tục để UBND tỉnh giao khu tái định cư này cho địa phương quản lý. Đồng thời, TP.Thuận An trình Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định chứng thương giá đất để giao đất cho các hộ dân tái định cư thuộc dự án trọng điểm này.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi lưu ý, đầu tư công là nhiệm vụ rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn hiện nay và những năm tới.

Để đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công ở các công trình trọng điểm của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các ngành, địa phương cũng phải quan tâm, ưu tiên quyền lợi của người dân trong quá trình giải phóng mặt bằng, và triển khai dự án. Điều này cũng giúp tránh được tình trạng khiếu kiện, cũng đội vốn dự án do chậm giải phóng mặt bằng.