Tâm điểm của thị trường phiên giao dịch hôm nay xoay quanh mã cổ phiếu NVL của "ông lớn" Novaland. Cụ thể, cổ phiếu NVL mở phiên giao dịch hôm nay đã giảm sàn về mốc 12.800 đồng/CP và đứng im ở mức giá này cho đến hết phiên.
Đóng cửa phiên giao dịch, cổ phiếu NVL có đến gần 20 triệu cổ phiếu được sang tay, và vẫn còn hơn 9 triệu cổ phiếu dư bán ở mức giá sàn.
Đà giảm của cổ phiếu NVL hôm nay xuất hiện sớm khi nhiều thông tin xuất hiện trên các diễn đàn chứng khoán và cả truyền thông, về việc Tập đoàn này đang cân nhắc bán bớt tài sản để trả nợ.
Cụ thể, tại báo cáo phân tích của CTCK Bản Việt (VCSC) sau buổi gặp gỡ nhà đầu tư của CTCP Đầu tư Tập đoàn Địa ốc No Va (Novaland) diễn ra vào ngày 10/2, nêu: "Novaland đang làm việc với các đơn vị tư vấn tài chính để tiến hành kế hoạch tái cơ cấu toàn diện bao gồm (1) đàm phán với chủ nợ và trái chủ để cơ cấu lại lịch trả nợ, (2) tập trung phát triển các dự án trọng điểm và (3) cân nhắc khả năng bán bớt tài sản".
VCSC cũng nhận xét, tính đến cuối năm 2022, tổng nợ vay của Novaland là 64,6 nghìn tỷ đồng – giảm 10% so với thời điểm cuối quý 3, nhưng tăng 7% so với cùng kỳ. Và gần 40% số nợ đó sẽ đáo hạn trong 12 tháng tới với phần lớn là trái phiếu.
Nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của Novaland vào cuối năm 2022 đã tăng lên 123,9% so với 111,0% tại cuối quý 3/2022 và 103,1% tại cuối năm 2021 do giải ngân tiền mặt cho chủ nợ.
Ngoài ra, một thông tin đáng chú ý khác cũng liên quan đến cổ phiếu NVL, là việc Công ty Cổ phần NovaReal (thành viên Novaland) đã có thư thông báo gặp khó khăn về dòng tiền, thay đổi hình thức tài trợ ưu đãi lãi suất, đề nghị khách mua nhà tự thanh toán lãi vay ngân hàng.
Cụ thể, đơn vị này đưa ra 2 trường hợp để khách hàng đăng ký lựa chọn.
Trường hợp 1, khách hàng tự thanh toán lãi vay Ngân hàng các đợt còn lại bằng vốn tự có trong thời gian hỗ trợ lãi suất. Theo đó, công ty sẽ thanh toán lại toàn bộ số tiền lãi vay mà khách hàng đã thanh toán và chi trả thêm tiền lãi theo lãi suất 12%/năm với tổng số tiền lãi mà khách hàng tự thanh toán của từng đợt.
Trường hợp 2, khách hàng dùng vốn tự có để tất toán khoản vay với Ngân hàng. Công ty sẽ hỗ trợ phí tất toán khoản vay và chi trả thêm tiền lãi 12%/năm trên khoản tiền khách hàng đã tất toán với Ngân hàng.
Không chỉ NVL, nhóm cổ phiếu bất động sản trong phiên hôm nay cũng lao dốc mạnh với các cổ phiếu PDR, HPX, KHG, DRH... giảm kịch sàn đã gây áp lực lên VN-Index. Nhìn chung, nhóm này đã tác động ảnh hưởng giảm gần 3,6 điểm của chỉ số VN-Index.
Cũng là tâm điểm trong phiên hôm nay là mã cổ phiếu VNZ (CTCP VNG) khi mã này lập kỷ lục về thị giá cao nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, đà tăng của VNZ tiếp tục nối dài sang phiên thứ chín liên tiếp. Ngay giờ mở cửa, cổ phiếu này đã có lệnh đặt giá trần, khiến VNZ được kéo tăng kịch trần 15% (134.000 đồng) lên 1,027 triệu đồng/cổ phiếu.
Với đà tăng này, vốn hóa VNG tiếp tục leo lên ngưỡng 29.500 tỷ đồng, tương đương hơn 1,25 tỷ USD, gấp gần 4,3 lần thời điểm chào sàn.
Nhóm cổ phiếu vua cũng là một trong hai tác nhân chính khiến thị trường giảm mạnh trong phiên hôm nay. Trong đó, ngoài "ông lớn" VCB giảm 1,06%, EIB và OCB giảm kịch sàn, tính đến hết phiên vẫn có tới 22/27 mã đóng cửa dưới ngưỡng tham chiếu.
Trong suốt phiên giao dịch hôm nay, áp lực xả hàng trên diện rộng khiến thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ từ lúc mở cửa đến khi hết phiên. VN-Index có thời điểm mất gần 25 điểm, sau đó hồi phục nhờ dòng tiền giải ngân ở vùng giá thấp.
Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index giảm 11,6 điểm (1,1%) về 1.043,7 điểm, HNX-Index giảm 4,01 điểm (1,92%) về 204,49 điểm, UPCoM-Index giảm 0,14 điểm (0,18%) về 77,2 điểm.
Thanh khoản thị trường hôm nay xấp xỉ 10.500 tỷ đồng, tăng khoảng 2.000 tỷ đồng so với cuối tuần trước.