Thanh khoản thị trường chứng khoán sụt giảm: Vì sao dòng tiền nội vẫn "đứng ngoài cuộc chơi"?

Quốc Hải Thứ hai, ngày 13/02/2023 09:52 AM (GMT+7)
Thanh khoản trên thị trường chứng khoán được dự báo sẽ vẫn thấp trong tuần này khi chỉ số VN-Index vẫn đang trong nhịp điều chỉnh quanh vùng hỗ trợ ngắn 1.055 - 1.060 điểm.
Bình luận 0
Thanh khoản thị trường chứng khoán sụt giảm: Vì sao dòng tiền nội vẫn "đứng ngoài cuộc chơi"? - Ảnh 1.

Môi trường lãi suất cao nên dòng tiền nội vẫn đứng ngoài cuộc chơi. Ảnh: SSI

Dòng tiền nội vẫn "đứng ngoài cuộc chơi"

Thị trường đã có 2 tuần điều chỉnh liên tiếp, chỉ số VN-Index trong phiên cuối tuần trước tiếp tục lùi bước và đóng cửa gần mức điểm thấp nhất phiên. Tín hiệu đáng chú ý là thanh khoản hiện đã xuống rất thấp, phiên cuối tuần qua là 1 trong 2 phiên kể từ đầu năm đến nay, tổng thanh khoản toàn thị trường ở dưới mức 10.000 tỷ đồng.

Về mặt kỹ thuật, VN-Index đang có vùng hỗ trợ 1.049-1.052 điểm, trong kịch bản vùng hỗ trợ này bị xuyên thủng sẽ kích hoạt lực bán từ hoạt động cắt lỗ. 

Theo các các chuyên gia phân tích chứng khoán, thanh khoản toàn thị trường xuống thấp cho thấy nhà đầu tư đang thận trọng, thị trường có thể chiết khấu rủi ro phía trước, trong bối cảnh không có thông tin hỗ trợ ở thời điểm hiện tại.

Dòng tiền nội đang thận trọng là nguyên nhân chính trong nhịp điều chỉnh giảm 2 tuần qua. Theo đó, sự lưỡng lự của khối nhà đầu tư nội chủ yếu tới từ các nguyên nhân đó là kết quả kinh doanh quý IV/2022 của các doanh nghiệp có sự phân hóa rõ nét và nghiêng nhiều về gam màu tối, do đó nhà đầu tư sẽ phải chọn lọc và thận trọng hơn trong các quyết định đầu tư.

Chưa kể, mặt bằng lãi suất hiện vẫn đang duy trì ở vùng cao, vì vậy dòng tiền sẽ có xu hướng tìm tới các kênh đầu tư có mức độ an toàn cao hơn. 

Trong khi đó, khối ngoại đã mua ròng với quy mô lớn, giá trị tới 30.000 tỷ đồng kể từ tháng 11/2022 đến tháng 1/2023, tương ứng bình quân mua ròng 500 - 600 tỷ đồng mỗi phiên, làm gia tăng áp lực chốt lời.

Ông Trần Bá Duy, Giám đốc Phòng Tư vấn Đầu tư chứng khoán (Công ty CP Chứng khoán VPS), nhận định, trong một môi trường mà lãi suất đang tăng cao như hiện nay thì dòng tiền cá nhân sẽ đứng ngoài, chỉ có dòng tiền tổ chức hoặc nước ngoài mới vào cuộc do họ đánh giá được thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn đang trong vùng định giá phù hợp.

"Điều này lý giải hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua gom thời gian gần đây", ông Duy nói.

Cũng theo Giám đốc Phòng Tư vấn Đầu tư chứng khoán VPS, nhìn lại quãng thời gian quá khứ 2-3 năm qua, dòng tiền cá nhân chiếm khoảng 85-90% các giao dịch mỗi phiên. Cho nên khi dòng tiền cá nhân nhận thấy mức lãi suất hiện tại đang cao nên hầu hết họ sẽ rút và đứng ngoài thị trường.

Thanh khoản thị trường chứng khoán sụt giảm: Vì sao dòng tiền nội vẫn "đứng ngoài cuộc chơi"? - Ảnh 2.

Dòng tiền nội đang bị rút khỏi thị trường nhiều do môi trường lãi suất đang rất cao. Ảnh: SSI

"Phải chấp nhận trong giai đoạn hiện tại này, dòng tiền sẽ bị thiếu hụt vì một lượng tiền lớn từ nhà đầu tư cá nhân đã rút khỏi thị trường để chuyển sang các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn như gửi tiết kiệm và chưa thể quay lại thì trường sớm như những năm trước được. Có thể nói, giai đoạn hiện tại thanh khoản thị trường đạt ở mức 8.000-15.000 tỷ đồng/phiên là tốt lắm rồi", ông Duy nói.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng lưu ý, những thông tin có thể bắt bớ thêm người này, người kia sắp tới thì cũng chỉ là thông tin để nhà đầu tư tham khảo và lưu ý thôi chứ không phải là thông tin chính khiến thị trường sụt giảm và dòng tiền bị rút mạnh khỏi thị trường.

Thị trường sẽ biến động mạnh theo cả 2 chiều? 

Trong báo cáo cập nhật về thị trường chứng khoán mới công bố, Chứng khoán SSI cũng đưa ra kịch bản cơ sở, rằng chỉ số VN-Index tăng 15% vào cuối năm 2023, cao hơn một chút so với ước tính tăng trưởng lợi nhuận là 13,8% cho năm nay (vùng điểm mục tiêu của VNIndex là 1.160 vào cuối năm 2023).

Mặc dù vậy, sẽ có những thời điểm trong năm chỉ số có thể vượt cao hơn so với ngưỡng mục tiêu nói trên.

"Với những động thái chủ động và quyết liệt của Chính phủ để đối phó với các thách thức vĩ mô, chúng tôi kỳ vọng TTCK trong năm 2023 sẽ khả quan hơn nếu so sánh với năm 2022, nhưng còn quá sớm để trở nên quá lạc quan về khả năng bứt phá mạnh của thị trường", chuyên gia phân tích của SSI Research, nhận định.

Theo đó, nhóm phân tích này đánh giá thị trường sẽ biến động mạnh theo cả 2 chiều do thanh khoản dự kiến duy trì ở mức thấp (chúng tôi giả định GTGD bình quân của thị trường sẽ giảm 25% trong năm 2023). Với thanh khoản ở mức thấp, khi có dòng tiền lớn xuất hiện như dòng tiền từ khối ngoại, thị trường có thể đảo chiều nhanh chóng.

Khối ngoại bắt đầu mua ròng mạnh kể từ tuần thứ 2 của tháng 11 và đây là động lực chính cho diễn biến tích cực của thị trường từ thời điểm đó cho đến nay.

"Tuy nhiên, có thể vẫn còn quá sớm để kết luận rằng TTCK Việt Nam có thể bứt phá mạnh trở lại trong cả năm nay trước khi suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu có tác động rõ rệt đến Việt Nam (và trước khi tất cả các thách thức vĩ mô dịu bớt).

Các đợt hồi phục ngắn hạn của thị trường có thể sẽ dựa trên kỳ vọng về khả năng "hạ cánh mềm" của các nền kinh tế trên thế giới cũng như các rủi ro vĩ mô trong nước hạ nhiệt, trong khi định giá thị trường trở nên hấp dẫn hơn cho tầm nhìn dài hạn", nhóm phân tích của SSI Research, dự báo.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem