Dân Việt

Chương trình OCOP, đây là tỉnh đi đầu quảng bá sản phẩm nông nghiệp đặc trưng ra thị trường nước ngoài

Bùi My 03/03/2023 18:49 GMT+7
Là tỉnh đi đầu với nhiều cách làm sáng tạo, chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh đã được Trung ương ghi nhận, lựa chọn triển khai nhân rộng khắp cả nước, trong đó có việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng ra thị trường nước ngoài.

Chương trình OCOP, thương hiệu riêng của Quảng Ninh

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, là một trong số các chương trình, đề án đặc thù trong xây dựng nông thôn mới, chương trình Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) được tỉnh Quảng Ninh triển khai từ năm 2013. Khi đó, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình này.

Chỉ trong 3 năm đầu triển khai, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 180 tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP với trên 210 sản phẩm. Doanh thu OCOP Quảng Ninh trong 3 năm (2013-2016) cũng đạt đến gần 700 tỷ đồng.

ocop - Ảnh 5.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký (trái) và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh (phải) cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ - sản phẩm OCOP 4 sao tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Bùi My.

Chương trình OCOP đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế của tỉnh và thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung.

Nói đến tấm gương làm giàu trên chính mảnh đất quê hương từ chương trình OCOP có thể nhắc đến ông Nịnh Văn Trắng ở xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh.

Ban đầu ông Trắng cũng như bao người dân Ba Chẽ khác, chỉ biết lên rừng kiếm thật nhiều trà hoa vàng rồi bán cho thương lái. Sau đó, nhận thấy lợi ích to lớn từ loại cây này, ông Trắng đã mang cây trà hoa vàng tự nhiên về trồng trong vườn nhà, nhân giống, mở rộng diện tích trồng.

ocop - Ảnh 7.

Ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh giới thiệu về sản phẩm trà hoa vàng. Ảnh: N.T

Từ khi tiếp cận chương trình OCOP, ông Trắng bắt đầu có ý thức xây dựng, phát triển và tạo dựng thương hiệu cho trà hoa vàng Ba Chẽ. Nhờ được hỗ trợ, tạo điều kiện, sản phẩm trà hoa vàng của ông đã nhanh chóng tạo được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, lan tỏa trong toàn tỉnh và nhiều tỉnh thành lân cận, nâng cao giá trị sản phẩm.

Ngoài trồng, sản xuất trà hoa vàng, hiện Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh của ông Trắng còn thu mua, bao tiêu toàn bộ trà cho bà con trên địa bàn, chế biến thành các sản phẩm trà hoa vàng đạt chuẩn OCOP.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh khẳng định, chương trình OCOP là hướng đi đúng đắn, là giải pháp cụ thể quan trọng phù hợp với điều kiện khu vực nông thôn. Chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh của các chủ thể.

Chương trình OCOP cũng góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân.

Nhiều cách làm sáng tạo để quảng bá sản phẩm OCOP

Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, chương trình OCOP đã có bước phát triển đột phá, trở thành một chương trình phát triển kinh tế quan trọng của Quảng Ninh, được Trung ương chọn, triển khai nhân rộng khắp cả nước.

ocop - Ảnh 4.

Chương trình OCOP đã thổi một làn gió mới, làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp của các doanh nghiệp, HTX và người dân. Ảnh: Bùi My

Đến nay, sau gần 10 năm triển khai chương trình, Quảng Ninh đã có 560 sản phẩm OCOP, trong đó có 334 sản phẩm đạt từ 3-5 sao gồm 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp Trung ương, 87 sản phẩm đạt 4 sao và có 244 sản phẩm đạt 3 sao. Bên cạnh đó, đến nay đã có trên 95% sản phẩm OCOP đã được dán tem điện tử, hoặc có mã số mã vạch.

Các sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh không chỉ ngày càng đa dạng về bao bì, mẫu mã, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, mà còn từng bước gia tăng giá trị, góp phần giúp người nông dân, HTX mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao doanh thu.

HTX sản xuất và kinh doanh Huy Hoàng (TX.Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) là một trong những doanh nghiệp phát triển các sản phẩm rượu tham gia chương trình OCOP. Thời gian qua, HTX đã luôn chú trọng đầu tư, đổi mới cho các sản phẩm của mình. Đặc biệt, mới đây trong đợt thi nâng hạng sao cho sản phẩm OCOP, HTX đã vinh dự có 2 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao là rượu trà hoa vàng và rượu dâu tằm. Ngoài ra, 2 sản phẩm khác là rượu sâm cau và rượu Huy Hoàng cũng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

ocop - Ảnh 6.

Sản phẩm rượu OCOP của HTX sản xuất và kinh doanh Huy Hoàng (TX.Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Bùi My

Anh Nguyễn Lê Huy Hoàng - Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh Huy Hoàng chia sẻ: "Khi tham gia OCOP Quảng Ninh, chúng tôi được hỗ trợ, tư vấn rất nhiều về mặt cơ chế chính sách, truyền thông, giúp những sản phẩm chất lượng được thị trường đón nhận. Chương trình OCOP đã giúp HTX Huy Hoàng nâng tầm sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, sản xuất sản phẩm theo chuỗi".

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2016-2022, tổng dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đạt 17.045 tỷ đồng.

Riêng vốn tín dụng của các tổ chức OCOP chiếm trên 30% tổng vốn tín dụng khoảng 5.133,5 tỷ đồng. Doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất thuộc Chương trình OCOP đến hết năm 2022 tăng 5 -7 lần so với năm 2016; doanh thu đến hết năm 2022 đạt trên 1.530 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 310 tỷ đồng. Tạo công ăn việc làm cho 3.600 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5-9 triệu đồng/người/tháng.

Nhằm quảng bá hình ảnh sản phẩm OCOP ra thị trường, giai đoạn 2016-2022, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 16 lượt hội chợ OCOP cấp tỉnh; 34 hội chợ OCOP kết hợp thương mại; 13 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; 22 tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP...

Tỉnh Quảng Ninh còn quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới các trung tâm và điểm bán sản phẩm OCOP tại các địa phương trong tỉnh. Đến nay toàn tỉnh đã hình thành 29 trung tâm, điểm bán hàng OCOP.

Bên cạnh đó, công tác quảng bá xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trên hệ thống thương mại điện tử cũng được quan tâm. Đến nay, tại các sàn giao dịch thương mại điện tử đang quảng bá, giới thiệu 383 sản phẩm OCOP Quảng Ninh, 210 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử Postmart, Voso...

Quảng Ninh còn tổ chức có hiệu quả trên 10 hội nghị gặp gỡ, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước đến với Quảng Ninh.

Để quảng bá sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế, Quảng Ninh mời các đối tác nước ngoài tham gia các Hội chợ OCOP như: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Campuchia; tích cực tham gia Hội chợ quốc tế Việt - Trung tại Đông Hưng (Trung Quốc) và Móng Cái (Việt Nam); tổ chức cho các doanh nghiệp OCOP của tỉnh tham dự Hội chợ thương mại quốc tế Festival Huế; tham gia Đoàn giao dịch xúc tiến thương mại tại CH Belarus và Liên bang Nga...

ocop - Ảnh 3.

Sản phẩm OCOP Quảng Ninh được giới thiệu tại các hội nghị, góp phần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Bùi My

Bằng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, đột phá và sát hợp với thực tế, chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2022 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Giai đoạn đến năm 2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu tiếp tục đưa chương trình OCOP trở thành chương trình kinh tế quan trọng của tỉnh; xây dựng và quản lý nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu mạnh của tỉnh Quảng Ninh trên phạm vi cả nước.