Tiên Yên là huyện miền núi nằm ở trung tâm miền Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, địa hình có nhiều đồi núi, thung lũng và sông suối. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 50%, đất canh tác trồng trọt chỉ chiếm 6% trong tổng diện tích tự nhiên.
Bước vào xây dựng nông thôn mới, Tiên Yên chỉ đạt 2/19 tiêu chí, 10/39 chỉ tiêu của huyện đạt chuẩn NTM. Huyện còn 4 xã, 18 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Đứng trước những thách thức, Tiên Yên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thống nhất các chương trình hành động, đề ra kế hoạch sát với thực tế, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của cấp trên, khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh, tạo sự phát triển vượt bậc về mọi mặt.
Từ chỗ độc canh cây lúa, cây ngô, hiện nay bà con Tiên Yên đã biết chủ động nâng cao thu nhập bằng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn. Hàng loạt công trình thủy lợi do nhà nước đầu tư trên địa bàn huyện đã giúp chủ động nước tưới, phủ xanh cho hàng ngàn hecta đất canh tác thiếu nước.
Đặc biệt, từ Đề án "2 con, 1 cây", nhiều dự án, mô hình chăn nuôi, trồng trọt ra đời, góp phần giúp bà con đồng bào các dân tộc nơi đây thay đổi tư duy, cách làm, tự tin vươn lên phát triển kinh tế.
Bà Đinh Thị Mai (thôn Hà Dong Nam, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên) cho biết: "Trước đây, gia đình tôi chỉ sản xuất được 1 năm 2 vụ do vào mùa hạn thường xuyên bị thiếu nước trồng cây màu. Kể từ khi công trình thủy lợi Hồ Khe Cát được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, người dân chúng tôi không còn phải lo lắng nhiều về nước tưới tiêu cho cây cối, hoa màu. Vì thế gia đình đã tăng sản xuất mùa vụ trong 1 năm lên 4 lần, đem lại thu nhập ổn định hơn".
Từ một địa phương có xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, đến năm 2019, Tiên Yên đã trở thành huyện miền núi đầu tiên của khu vực phía Bắc được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng NTM, về đích trước 1 năm so với lộ trình đề ra.
Xác định xây dựng NTM là lộ trình không có điểm kết thúc, ngay sau khi đạt chuẩn huyện NTM, Tiên Yên tiếp tục huy động, thu hút các nguồn lực trong toàn xã hội cùng tham gia duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí huyện NTM, xã NTM sau đạt chuẩn.
Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên Hoàng Văn Sinh cho biết: "Trên cơ sở chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn và phòng chức năng xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể để duy trì, nâng cao chất lượng từng tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đến thời điểm này, Tiên Yên đã cơ bản hoàn thành 9/9 tiêu chí, 38/38 chỉ tiêu huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Huyện đang hoàn thiện hồ sơ minh chứng để trình cấp có thẩm quyền công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2022."
Diện mạo đổi thay nhờ nông thôn mới
Có dịp về xã Hà Lâu, một trong những xã vùng cao thuộc diện khó khăn nhất của huyện Tiên Yên mới cảm nhận được những đổi thay của địa phương này.
Từ một xã thuộc diện 135 trong nhiều năm liền, chỉ trong 3 năm trở lại đây, Hà Lâu đã vươn lên là xã đạt chuẩn NTM và đang hoàn thiện các tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Ở Hà Lâu hiện nay, đâu đâu cũng là những tuyến đường được đổ bê tông rộng và sạch đẹp; các công trình phúc lợi, nhà văn hóa thôn được xây dựng kiên cố; người dân hăng say thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa...
Trong quá trình xây dựng NTM, Hà Lâu tập trung vào phát triển lợi thế kinh tế rừng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy có hiệu quả tổ hợp tác, HTX chăn nuôi, đa dạng hóa mô hình kinh tế... Từ đó, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 64 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,55%.
Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Hà Lâu cho biết, Hà Lâu xuất phát điểm là một xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng hết sức yếu kém, ý thức người dân còn nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Do đó, việc xây dựng NTM lúc đó tưởng chừng không thể thực hiện được.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị cùng với việc người dân dần thay đổi nhận thức, Hà Lâu đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM trước 1 năm so với kế hoạch đề ra.
"Không dừng lại ở đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hà Lâu vẫn đang tiếp tục bắt tay vào việc củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt và triển khai hoàn thiện các tiêu chí xã NTM nâng cao. Đến thời điểm này, địa phương đã cơ bản hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn xã NTM nâng cao và hoàn thiện hồ sơ để tỉnh thẩm định" - ông Phạm Tiến Dũng cho hay.
Trong năm 2022, huyện Tiên Yên đã đầu tư xây dựng và nâng cấp 11,9km đường giao thông, 80,8% kênh mương được kiên cố hóa, 100% số hộ dân sử dụng điện an toàn.
Đồng thời, huyện còn đầu tư xây mới 21 nhà văn hóa thôn, 5 nhà văn hóa xã và cải tạo sửa chữa 63 nhà văn hóa, đảm bảo 100% thôn có nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn.
Đến nay, toàn huyện đã có 10/10 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 70 triệu đồng /năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,2%...
Bà Đỗ Thị Duyên, Phó Trưởng Phòng NNPTNT huyện Tiên Yên cho biết: "Địa phương đang chú trọng hướng dẫn các xã hoàn thiện, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Trung ương và của tỉnh. Thường xuyên rà soát, đánh giá các tiêu chí, nhất là những tiêu chí có khả năng biến động như cơ sở hạ tầng giao thông, thu nhập bình quân đầu người, môi trường, giáo dục… Ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn. Đồng thời, thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm phát triển sản phẩm đặc trưng trên địa bàn."
Vui lòng nhập nội dung bình luận.