Dân Việt

TS Nguyễn Đình Cung nói thẳng lý do khiến "đứt gãy xăng dầu, trái phiếu", gọi tên các Bộ trưởng

An Linh 14/02/2023 12:40 GMT+7
Cho rằng việc đứt gãy thị trường xăng dầu, trái phiếu là do sự yếu kém trong quản lý, TS Nguyễn Đình Cung thẳng thắn nói khi xăng dầu, trái phiếu đang lúc nước sôi, lửa bỏng, các Bộ trưởng cần lắng nghe doanh nghiệp, tư vấn chuyên môn chứ đừng tuyên bố "làm này, làm kia".

Đứt gãy thị trường xăng dầu do yếu kém quản lý

Tại Hội thảo Hội thảo Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ - CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu tổ chức sáng nay 14/2 tại Hà Nội, nhiều đại biểu là doanh nghiệp bán lẻ, phân phối, đầu mối, chuyên gia, học giả tham dự và phân tích, mổ xẻ những vấn đề của ngành xăng dầu thời gian qua và việc sửa đổi chính sách sao cho những dị biệt, sự biến động xăng dầu không tái diễn năm 2023.

TS Nguyễn Đình Cung: Đứt gãy xăng dầu, trái phiếu… thể hiện sự yếu kém của quản lý Nhà nước! - Ảnh 1.

TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, nguyên thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện CIEM (Ảnh CTV).

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong thời gian vừa qua để đứt gãy thị trường quan trọng như xăng dầu, trái phiếu thể hiện yếu kém trong quản lý nhà nước.

Ông Cung cho rằng, có nhiều người nói thị trường xăng dầu, trái phiếu đứt gãy, lỗi là do năm 2022 có dị biệt, có phát sinh tình huống. Nhưng chúng ta đã qua nhiều chiến tranh rồi, chúng ta ứng phó trước nhiều tình huống nên đừng đổ lỗi cho ngoại cảnh.

"Trước kia, có những lúc dầu thô lên 140 USD chứ không phải năm 2022 mới cao. Nhưng trước đây, Chính phủ xử lý khác, cách điều hành cũng khác, thông tin không ra ngoài công chúng, các bộ không "đá bóng lẫn nhau" như vừa rồi. Tôi cho rằng thời gian vừa rồi, việc các bộ đổ lỗ lẫn nhau rất thiếu trách nhiệm", TS Nguyễn Đình Cung nói.

Phân tích thêm, ông Cung cho biết: Trước đây, Chính phủ có nhiều Tổ chuyên trách, tư vấn như tổ điều hành giá, hội đồng điều hành tiền tệ quốc gia, tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng… lắng nghe lẫn nhau, tư vấn cho các cơ quan điều hành và ra quyết định. Chính vì vậy, nếu có sự cố đứt gãy cũng chỉ mấy ngày thôi, sau đó quay trở lại xử lý được vấn đề.

Ông Cung cho rằng các chính sách dù xây dựng mới xong chưa áp dụng bao lâu hoặc chưa "ngấm" đã sửa đổi, trong đó có Nghị định 65/2022 về trái phiếu DN, Nghị định 95/2021 về xăng dầu khiến ảnh hưởng rất lớn đến thị trường, doanh nghiệp và cho thấy rõ tầm nhìn chính sách hạn hẹp. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: Trong những lúc nước sôi, lửa bỏng của thị trường xăng dầu, thị trường trái phiếu, các Bộ trưởng, trưởng ngành cần lắng nghe doanh nghiệp, lắng nghe chuyên gia, không nên tuyên bố xử phạt, dùng mệnh lệnh.

"Đừng nên nhảy vào tuyên bố sẽ làm thế này, làm thế kia. Các Bộ trưởng, trưởng ngành cần rút kinh nghiệm và cần thay đổi lại", ông Cung nói.

Về vấn đề của ngành xăng dầu, TS Cung nói, tư duy điều hành giá là lấy Nhà nước quyết định giá bán cuối cùng. Mấu chốt điều hành là lấy quá khứ méo mó để làm khung điều hành cho hiện tại và tương lai. Ngay cả quá khứ không méo mó thì cũng không hợp lý để điều hành. 

"Những chi phí cuối cùng đẩy vào giá trong nước, cho nên nói nếu không quản thì giá lạm phát, đây là lập luận phi lý vì chi phí đẩy đẩy vào hết giá thành nên nếu quản lý thêm chi phí nữa như lưu thông bắt buộc, quỹ bình ổn giá, bộ máy điều hành, chi phí về thuế… Nếu lo lạm phát thì giảm thuế đi, cái này tác dụng hơn nhiều so với những thứ chúng ta đang làm", ông Cung phân tích.

Tại dự thảo lần 2, Nghị định sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương không chọn đề xuất cho doanh nghiệp tự định giá bán, theo TS Nguyễn Đình Cung: Bộ Công Thương cần giải thích tại sao không để thị trường quyết định giá, tự do hóa giá cả đầu tiên là mặt hàng gạo – đây là mặt hàng chúng ta lo lắm.

Lần này giá xăng dầu tự do hóa thì tôi tin rằng thị trường thông minh hơn chúng ta nhiều. Nếu có lo thì lo nhóm đói nghèo, giá trên đó cao thì cấp trực tiếp cho người mua, đó là cách không làm méo mó thị trường, để Nhà nước quản giá lại bắt doanh nghiệp chịu, đó là vô lý. 

Ông Cung đề nghị cần bỏ Quỹ bình ổn giá, bỏ tư duy điều hành giá trong vòng 15 ngày hay 7 ngày để cho thị trường tự quyết định.

Đối với quyền và trách nhiệm của phân phối, theo TS Nguyễn Đình Cung, cái cốt lõi là đảm bảo cung cấp đủ hàng trong mọi điều kiện, đây là trách nhiệm Nhà nước, chứ không được đẩy sang vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp.  

Theo TS Cung để thị trường xăng dầu ổn định và thị trường hoá tự do thì những gì hạn chế cạnh tranh phải loại bỏ ngay. Ông Cung cho rằng những cải cách cần phải trao đổi nhiều, chứ không chỉ "cơi nới" trong Nghị định hiện nay mà phải thay đổi tư duy của quản lý Nhà nước.