Giới chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có lộ trình để doanh nghiệp xăng dầu tự làm giá bán lẻ, Nhà nước lui vào giám sát, hậu kiểm và nới lỏng gia nhập thị trường, có chính sách triệt tiêu độc quyền tự nhiên, độc quyền nhóm.
Mới đây, Tờ trình dự thảo lần 2, Nghị định sửa đổi Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ, Bộ Công Thương đưa ra phương án Nhà nước chỉ công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, các loại thuế, lợi nhuận định mức, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá để định hướng cho việc tính giá bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối. Các doanh nghiệp căn cứ để tự xác định, công bố giá bán lẻ của mình, thực hiện kê khai giá, và báo cáo về Bộ.
Ủng hộ lộ trình cho doanh nghiệp tự xây dựng giá bán lẻ
Tuy nhiên, sau khi phân tích Bộ Công Thương cho rằng, phương án này có nhược điểm, ở địa bàn không có nhiều doanh nghiệp cung ứng xăng dầu, sẽ không khuyến khích doanh nghiệp tiết giảm chi phí kinh doanh, giảm giá bán. Địa bàn vùng sâu, xa, mức độ cạnh tranh thấp có thể sẽ phải mua xăng dầu từ nơi khác.
Vì vậy, đã chọn phương án đề xuất nghiên cứu, bàn luận để trình Chính phủ vẫn như hiện nay, tức là Bộ Tài chính - Bộ Công Thương vẫn quyết định giá bán lẻ, doanh nghiệp tuân thủ.
Trong góp ý của mình, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu lộ trình để danh nghiệp tự quyết định giá. VCCI lo ngại cách tính hiện nay không đáp ứng được thực tiễn bởi "tính đúng, tính đủ" chi phí cho doanh nghiệp trên thực tế đã không làm được vì việc tính toán chi phí này rất phức tạp, nhiều thông số đầu vào không có cơ sở tham chiếu hoặc rất dễ bị báo cáo sai lệch.
Đối với phần chi phí mua xăng có giá tham chiếu trên sàn giao dịch thế giới thì tương đối rõ. Nhưng phần chi phí khác như premium hợp đồng với nước ngoài, chi phí vận chuyển, bảo hiểm, premium trong nước, chi phí bán hàng, chi phí lãi vay và các chi phí khác thì mỗi doanh nghiệp, mỗi lô hàng, mỗi kho xăng, mỗi cây xăng lại khác nhau.
"Nhà nước có thể yêu cầu doanh nghiệp báo cáo nhưng lại luôn phải đối mặt với nguy cơ doanh nghiệp kê khai cao lên nhằm có được giá bán cao hơn. Kể cả trường hợp có kiểm toán thì cũng chỉ xác thực được số liệu trên sổ sách, chứ rất khó phát hiện trường hợp doanh nghiệp "gửi giá" thông đồng với đối tác để đẩy chi phí lên. Hơn nữa, các chi phí này thường được ghi theo năm kế toán, tức là phải đợi hết năm mới có con số chính xác, trong khi chi phí thực có thể biến đổi mạnh vào bất kỳ thời điểm nào trong năm", VCCI cho hay.
Theo VCCI, trong Tờ trình của Bộ Công Thương, chi phí định mức này sẽ lấy theo mức bình quân gia quyền chi phí của các doanh nghiệp. Tức là sẽ có khoảng một nửa số doanh nghiệp (tính theo thị phần) có chi phí cao hơn mức trung bình sẽ không còn động lực kinh doanh khi chi phí cao hơn giá bán.
Vì vậy, nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng xăng dầu như giai đoạn vừa qua vẫn có thể diễn ra bất kỳ lúc nào. Để ngăn chặn tình trạng này thì buộc phải tăng lợi nhuận định mức cho các doanh nghiệp để bảo đảm doanh nghiệp có động lực kinh doanh. Nhưng như vậy sẽ khiến giá bán xăng dầu cao, tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội.
VCCI cho rằng, nếu chọn phương án 1 sẽ tiếp tục lặp lại tình trạng bất cập như đã diễn ra thời gian qua mà không có cách nào khắc phục được.
Đối với phương án Nhà nước không định giá xăng dầu mà sẽ do cung cầu của thị trường quyết định, phương án được Bộ Công Thương đưa ra, nhưng không ưu tiên chọn lựa, đề xuất, VCCI cho rằng: Giá bán do cung cầu quyết định thì sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường.
"Nếu thị trường có mức độ cạnh tranh cao thì giá bán sẽ rất sát với chi phí. Ngược lại, nếu thị trường có ít nhà cung cấp hoặc các nhà cung cấp bắt tay với nhau để nâng giá (thoả thuận hạn chế cạnh tranh) thì giá bán sẽ cao hơn chi phí", VCCI phân tích.
Liên đoàn Thương mại và doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, để khắc phục tình trạng này, cần thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường bằng nhiều biện pháp như cho phép mở các cây xăng gần nhau, cho phép các cây xăng nhập hàng từ nhiều nguồn, hạ rào cản gia nhập thị trường xăng dầu (các vấn đề này sẽ được phân tích ở phần sau) và điều tra hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh khi có dấu hiệu.
VCCI đề nghị Bộ Công Thương cân nhắc lựa chọn phương án cho doanh nghiệp tự quyết định giá bán bởi có biện pháp khắc phục nhược điểm về độc quyền nhóm bằng cách cho phép mở các cây xăng gần nhau, cây xăng được nhập từ nhiều nguồn khác nhau, khắc phục nhược điểm như hiện nay.
VCCI cho rằng, nếu Bộ Công Thương vẫn chọn lựa phương án Nhà nước vẫn tiếp tục định giá xăng dầu, thì cần có lộ trình để sớm sửa đổi theo phương án 2. Bởi "nếu cơ chế quản lý giá này kéo dài thì an ninh năng lượng luôn bấp bênh và hạ tầng năng lượng sẽ không được đầu tư, phát triển, nhanh chóng xuống cấp", VCCI khẳng định.
Trong khi đó, Bộ Tài chính khẳng định, phương án lựa chọn cho phép doanh nghiệp được tự định giá bán cần cẩn trọng bởi xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu đối với kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, việc thay đổi ngay và căn bản cơ chế cần phải có đánh giá cụ thể để xác định thời điểm, lộ trình phù hợp.
"Trong bối cảnh quy mô của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không đồng đều, và khi được giao quyền chủ động trong quyết định giá bán lẻ của doanh nghiệp thì cần có các phương án cụ thể về kiểm soát và chế tài để hạn chế tình trạng tăng giá bất hợp lý", Bộ Tài chính cho biết.
Bộ này cho rằng, hiện chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, người dân tại vùng sâu vùng xa nơi ít cây xăng, thị trường cạnh tranh thấp, chi phí kinh doanh tăng. Chính vì vậy, phương án này cần xem xét kỹ, thấu đáo.
Bộ Tài chính khẳng định, trong phương án cho doanh nghiệp tự định giá xăng dầu, Bộ Công Thương vẫn để quan điểm "cơ quan nhà nước cho phép doanh nghiệp được tự xác định chi phí trong giá bán nhưng lại khống chế lợi nhuận định mức; đồng thời khống chế các loại thuế. Đề nghị Bộ Công Thương đánh giá kỹ vấn đề này để đề xuất phương án cho phù hợp.
Petrolimex và PVOil chiếm 70% thị phần xăng dầu: Nguy cơ độc quyền nhóm khi thả cửa?
Hiện Việt Nam có 33 doanh nghiệp đầu mối chịu trách nhiệm phân giao, nhập khẩu xăng dầu "chia bài" xăng dầu, Trong khi đó, Petrolimex đang chiếm 50% thị phần, PV Oil đang chiếm khoảng 20% thị phần, còn lại là của các đầu mối khác. Hai doanh nghiệp này cũng có khoảng gần 9.000 đại lý bán lẻ xăng dầu trực tiếp hoặc gián tiếp qua nhượng quyền trong tổng số 17.000 đại lý bán lẻ.
Theo chuyên gia hiệp hội xăng dầu, xăng dầu bị coi mặt hàng thiết yếu, thậm chí an ninh năng lượng nên luôn bị quản lý theo cách thức chặt chẽ, nhiều ràng buộc. Trong khi đó, thực tế xăng dầu chỉ là hàng hoá và hiện nay và tương lai có thể bị thay thế bởi năng lượng điện. Như sản phẩm gas, trước đây quản lý giá chặt chẽ nhưng hiện nay giá gas cho doanh nghiệp tự định giá, Nhà nước chỉ hậu kiểm và thị trường phát triển theo cung cầu.
Đối với xăng dầu, cần cơ chế mở, thị trường tự do theo hướng doanh nghiệp có thể đưa ra phương án giá bán xăng dầu dựa trên định mức và chi phí. Để ngăn chặn độc quyền, cần đơn giản hoá thủ tục gia nhập thị trường, để có nhiều hơn doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi phân phối.
Theo một chuyên gia về xăng dầu, rõ ràng thị phần của PVoil và Petrolimex rất lớn, nếu việc cho phép họ tự định giá sẽ cần có biện pháp chống độc quyền hoặc chống nhóm thao túng giá.
"Chắc chắn sẽ có biện pháp giám sát và hậu kiểm giá doanh nghiệp lớn khi cho họ được tự định đoạt gái bán. Tuy nhiên, để thị trường phát triển, tốt nhất nên nới lỏng việc gia nhập thị trường, chống độc quyền tự nhiên do sự chiếm lĩnh thi phần của Petrolimex và PVoil đang là 70%, quá lớn và tác động gần như quyết định đến giá bán toàn thị trường", vị chuyên gia về xăng dầu cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.