Theo thông tin mà PV Dân Việt được cung cấp, sau 12 năm kể từ khi được cấp chứng nhận đầu tư, đến thời điểm này dự án đã thực hiện được 75% khối lượng.
Cụ thể đền bù GPMB khoảng 95%; thi công thiết kế khoảng 95%; mua sắm 75%; bảo dưỡng sửa chữa khoảng 80%; xây dựng và xây lắp đạt 70-85%.
Đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, dự kiến đến cuối quý IV năm 2024, công trình sẽ đi vào hoạt động, với dự kiến tiêu thụ 1,4 triệu tấn dăm gỗ/năm, bằng khoảng 55% - 60% lượng gỗ dăm đang xuất khẩu qua cảng Dung Quất.
Theo đó góp phần giảm việc xuất thô dăm gỗ, gia tăng giá trị rừng trồng sản xuất, tạo sự ổn định, ít phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nguyên liệu dặm thô, khi giá dăm biến động; góp phần giảm nhập khẩu bột giấy và giá thành nguyên liệu, tăng tính cạnh tranh cho các mặt hàng sản xuất trong nước.
Cũng theo đại diện chủ đầu tư nhà máy bột giấy VNT19, dự kiến khi đi vào hoạt động, sẽ thu hút từ 800 - 1.000 người, chủ yếu là người địa phương tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thông qua các thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp… dự tính nhà máy bột giấy VNT19, đóng góp vào ngân sách địa phương từ 800 - 1.000 tỷ đồng/năm.
Được biết dự án nhà máy bột giấy VNT19, được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp chứng nhận đầu tư vào tháng 3/2011, công suất 250.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất xây dựng gần 69ha tại thôn Giao Thủy, xã Bình Thới, huyện Bình Sơn. Sau đó dự án được chuyển đến địa điểm mới là thôn Phú Long, xã Bình Phước, cùng huyện.
Qua 3 lần điều chỉnh, hiện DA được nâng công suất giai đoạn 1 là 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất sử dụng (giai đoạn 1) là 117ha, tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai (khởi công vào năm 2015), dự án đã gây nhiều tranh cãi, dư luận trái chiều về nước xả thải và môi trường, khi nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động.