Các đơn đặt hàng đã được phân bổ cho 2 công ty Northrop Grumman Systems và Global Military Products.
Cần lưu ý rằng quyết định này được Mỹ đưa ra trong bối cảnh lo ngại rằng Ukraine đang nhanh chóng cạn kiệt nguồn dự trữ đạn pháo. Mỹ có kế hoạch bắt đầu giao loại đạn mới cho Ukraine vào tháng Ba.
Các hợp đồng được tài trợ bởi sáng kiến của Lầu Năm Góc nhằm hỗ trợ an ninh của Ukraine.
Vào tháng 1, tờ New York Times cho biết, Lầu Năm Góc có kế hoạch tăng 500% sản lượng đạn pháo, sản xuất 90.000 quả đạn mỗi tháng trong 2 năm.
Động thái của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh một chuyên gia nói với hãng tin Al Arabiya rằng, cuộc chiến Nga-Ukraine đã tạo ra nhu cầu lớn về vật tư và đạn dược khi các nước tăng tốc trang bị khí tài, gây ra sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu.
Phát biểu trên chương trình quốc phòng của Al Arabiya, ông Peter Singer, Giáo sư thực hành tại Trường Chính trị và Nghiên cứu Toàn cầu và Trung tâm Tương lai của Chiến tranh - một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về các vấn đề an ninh thế kỷ 21 nhấn mạnh rằng cuộc chiến ở Ukraine về cơ bản đã định hình lại lĩnh vực quốc phòng.
“Chiến tranh tạo ra nhu cầu lớn về vật tư và đạn dược của không chỉ quân đội tham chiến mà cả quân đội các quốc gia đang cung cấp chúng, như Mỹ, thậm chí ở Iran”, ông Singer nói.
“Người Nga thực sự đang cạn kiệt không chỉ tên lửa mà thậm chí cả đạn pháo", nhà phân tích này bình luận thêm.
Cuộc chiến cũng cho thấy một số công nghệ phòng thủ đã được chứng minh là có hiệu quả trong chiến tranh thông thường, chẳng hạn như máy bay không người lái.
Việc các hệ thống không người lái và máy bay không người lái tỏ ra hiệu quả trong chiến tranh thông thường đã khiến quân đội các nước phải xem xét lại việc sử dụng và phòng thủ để chống lại chúng. Kết quả là, sẽ có sự gia tăng đáng kể trong công nghệ chống máy bay không người lái.
Ông Singer cũng cho biết, xe tăng và tàu chiến đã được chứng minh là “kém hữu ích” bởi vì chúng “không hoạt động tốt trong những tuần đầu của cuộc xung đột”. Tuy nhiên, ông nói rằng điều này không có nghĩa là xe tăng sẽ không được sử dụng nữa.
“Chúng ta sẽ thấy xe tăng vẫn được bán, tàu chiến vẫn được bán. Mọi quốc gia đều coi cuộc chiến ở Ukraine gần giống như một lớp học hoặc phòng thí nghiệm đối với họ, nơi họ đang học những bài học về những vũ khí nào hiệu quả và không hiệu quả", ông Singer nói.