Tìm về xóm 17, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN hỏi nhà ông Đoàn Văn Thành, hầu như ai cũng biết và nhiệt tình dẫn đến tận nhà. Ông Thành được người dân địa phương hết lời ngợi khen, một giáo dân chịu thương chịu khó, làm giàu tại quê hương.
Clip: Ông Đoàn Văn Thành (xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), một giáo dân gương mẫu, nông dân làm kinh tế giỏi
Trò chuyện với phóng viên, ông Đoàn Văn Thành vẫn đang mặc trên người bộ quần áo lội nước, ông Thành nói: "Hôm nay, tôi dậy từ lúc 4 giờ sáng để ra đồng thu hoạch con cá, tép, cua…trong các cái lú. Bình quân ngày tôi cũng bỏ túi từ 300.000-500.000 đồng từ việc bán con cá, tép các loại".
"Cả cuộc đời tôi gắn với đồng ruộng, với nghề nông. Trước đây chỉ cấy cày mấy sào ruộng, vợ chồng tích góp cũng đủ để nuôi các con ăn học. Năm 2021, tôi thuê lại một số diện tích đất ruộng bỏ hoang của người dân và tiến hành cải tạo thả giống cua đồng", ông Thành kể.
Ông Thành nói: "Giống cua đồng rất dễ nuôi, chi phí đầu tư ban đầu thấp, lại tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên và ít tốn công chăm sóc. Lứa đầu tôi thả 10 vạn cua giống, sau 4 tháng chăm sóc, gia đình bán được hơn 1 tấn cua, với giá bình quân 100 nghìn đồng/kg".
Để nuôi giống cua đồng đạt hiệu quả, ông Thành "mách nước" phải đảm bảo nguồn nước nuôi không bị ô nhiễm, không có thuốc bảo vệ thực vật... Đồng thời, phải có biện pháp để diệt chuột nhằm giảm số lượng con cua bị hao hụt.
Ngoài nuôi con cua đồng, ông Thành còn có gần 1 mẫu ruộng để nuôi con ốc bươu đen. Với sự ham học hỏi và hỗ trợ kỹ thuật từ cán bộ Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Kim Sơn, đến nay ông đã làm chủ kỹ thuật nuôi và ương ốc giống. Từ số lượng ốc giống được hỗ trợ đã phát triển thành hàng chục nghìn ốc bố mẹ.
Ông Đoàn Văn Thành bật mí: "Để ươm ốc giống cần cho trứng ốc vào thùng xốp, che bằng tấm vải mỏng và phun nước hai ngày một lần để giữ độ ẩm. Sau từ 15-30 ngày là trứng nở. Khi ốc còn nhỏ nên cho ốc tập ăn bèo trước khi thả ra ao nuôi".
Với mô hình nuôi con cua, ốc…hiệu quả đang mang lại thu nhập cho gia đình ông Thành hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Thành cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi con cua, nuôi ốc để người dân địa phương phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Bà Đoàn Thị Thu Trang-Bí thư Đảng ủy xã Đồng Hướng cho biết: "Ông Đoàn Văn Thành là một giáo dân năng động, mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế. Đây là tấm gương làm kinh tế tiêu biểu để người dân địa phương noi theo…".
"Ngoài ra, ông Thành còn là công dân gương mẫu, luôn chấp hành nghiêm mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương". bà Trang cho biết thêm.
Theo bà Trang, toàn xã Đồng Hướng có 16 xóm với 2.887 hộ, 8773 khẩu. Tỷ lệ giáo dân trên địa bàn chiếm 29,1%. Năm 2016, xã Đồng Hướng đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2018, xã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Trong những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của người dân xã Đồng Hướng được nâng cao, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, diện mạo nông thôn mới có nhiều đổi thay...
Sau khi xã chuẩn nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền xã Đồng Hướng xác định đây mới chỉ là bước đầu để phát triển kinh tế-xã hội. Mục tiêu duy trì các tiêu chí đã đạt, đồng thời phát huy cao hơn nữa mục tiêu giảm nghèo, tăng hộ khá…Để tiến tới xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã Đồng Hướng luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình; và Huyện ủy, UBND huyện Kim Sơn đã định hướng, hỗ trợ kinh phí thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu…
Ngoài ra, xây dựng nông thôn mới ở xã Đồng Hướng, nhất là từ khi thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu luôn có sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của mọi người dân trên toàn xã.
Từ những cách làm hay, nhiều sáng tạo xã Đồng Hướng được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021, tại Quyết định số 72/QĐ-UBND ngày 17/1/2022 của UBND tỉnh Ninh Bình.