Nông thôn mới Ninh Bình, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu, từng bước áp dụng chuyển đổi số

Vũ Thượng Thứ bảy, ngày 11/02/2023 10:00 AM (GMT+7)
Mục tiêu năm 2023, tỉnh Ninh Bình phấn đấu đủ điều kiện để xét công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Ninh Bình thực hiện hiệu quả 6 chương trình chuyên đề, trong đó có áp dụng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới...
Bình luận 0

Năm 2022, tỉnh Ninh Bình có huyện Nho Quan được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Kim Sơn đủ điều kiện xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới…

Thu nhập bình quân đầu người đạt 57,9 triệu đồng/người/năm

Năm 2022, là năm đầu tiên thực hiện các cơ chế, chính sách và Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn mới 2021-2025. Mặc dù, gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng bằng nỗ lực, quyết tâm cao của các địa phương, sự chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành, Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt nhiều kết quả khả quan.

Ninh Bình: Phấn đấu đủ điều kiện để xét hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2023 - Ảnh 1.

Năm 2022, tỉnh Ninh Bình hoàn thành 100% các mục tiêu kế hoạch nông thôn mới đề ra. Năm 2023, tỉnh Ninh Bình thực hiện hiệu quả 6 chương trình chuyên đề, trong đó có chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Vũ Thượng

Cụ thể, tỉnh Ninh Bình thực hiện hiệu quả 6 chương trình chuyên đề: Mỗi xã một sản phẩm (Ocop); phát triển du lịch nông thôn; khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM; chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các tiêu chí an ninh trật tự.

Trong công tác quy hoạch, đến nay tỉnh Ninh Bình có 100% huyện, thành phố được phê duyệt quy hoạch theo quy định, 100% xã được phê duyệt và đang rà soát điều chỉnh, cập nhật quy hoạch phù hợp với quy định giai đoạn 2021-2025.

Ninh Bình: Phấn đấu đủ điều kiện để xét hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2023 - Ảnh 2.

Đường hoa NTM đẹp rực rỡ như phim Hàn ở xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Vũ Thượng

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông, cơ sở vật chất trường học, văn hóa, hạ tầng thương mại...trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình tiếp tục được đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp.

Trong năm 2022, các xã đã tiếp nhận 2.491 tấn xi măng, làm được 110 tuyến đường với tổng chiều dài 19 km. Công tác vệ sinh môi trường nông thôn có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ rác thải được thu gom, vận chuyển xử lý tập trung đạt 81%.

Ninh Bình: Phấn đấu đủ điều kiện để xét hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2023 - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Quý-Giáo xứ Hợp Thành (xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), chăn nuôi lợn thu lời 400 triệu đồng/năm. Ảnh: Vũ Thượng

Tính hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh Ninh Bình đạt 57,9 triệu đồng/người/năm, trong đó, khu vực nông thôn đạt 55,7 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 7 triệu đồng/người so với năm 2021).

Tỉnh Ninh Bình có thêm huyện Nho Quan được công nhận huyện đạt chuẩn NTM, thành phố Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện Kim Sơn đủ điều kiện xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Ninh Bình: Phấn đấu đủ điều kiện để xét hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2023 - Ảnh 4.

Xã Trường Yên (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2021. Ảnh: A T

Bên cạnh đó, toàn tỉnh Ninh Bình có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và trên 95 thôn, xóm đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Tổng số vốn huy động cho Chương trình là trên 2.874 tỷ đồng.

Ninh Bình mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2023

Tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu trong năm 2023, huyện Kim Sơn được công nhận huyện đạt chuẩn NTM, huyện Hoa Lư, Yên Khánh được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Ninh Bình: Phấn đấu đủ điều kiện để xét hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2023 - Ảnh 5.

Đến nay, huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) có 23/23 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu;...Huyện đã đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia. Ảnh: Vũ Thượng

Qua đó, toàn tỉnh có thêm ít nhất 18 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tỉnh Ninh Bình đủ điều kiện để xét công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đồng thời, tiếp tục phân hạng 40 sản phẩm đạt tiêu chuẩn Ocop từ 3 sao trở lên.

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định, năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, khó khăn về kinh tế nhưng công tác xây dựng NTM đã được cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ.

Ninh Bình: Phấn đấu đủ điều kiện xét hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2023 - Ảnh 6.

Mục tiêu năm 2023, huyện Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đạt chuẩn NTM nâng cao. Ảnh: Vũ Thượng

Đồng thời, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội phối hợp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất. Người dân thấy tin tưởng, coi xây dựng NTM là việc của mình. Nhờ vậy, 100% các mục tiêu kế hoạch đề ra của năm 2022 đã hoàn thành.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2023 là rất lớn. Trong đó, tỉnh xác định sẽ phải hoàn thành các tiêu chí của tỉnh NTM ngay trong năm nay, do vậy, đề nghị các sở, ban, ngành ngay trong quý I ban hành các quy định, văn bản, hướng dẫn về việc thực hiện từng tiêu chí cụ thể, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình.

Ninh Bình: Phấn đấu đủ điều kiện để xét hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2023 - Ảnh 7.

Huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình), đạt chuẩn NTM năm 2020. Ảnh: Vũ Thượng

Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình rà soát, đối chiếu, hướng dẫn các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn trước có lộ trình, bước đi phù hợp để đảm bảo được các tiêu chí của giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch chi tiết để xây dựng tỉnh NTM. Trên cơ sở đó, các sở, ngành xây dựng nhiệm vụ của mình. Cụ thể, 3 huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Hoa Lư tập trung hoàn thành xây dựng huyện NTM và huyện NTM nâng cao.

Ninh Bình: Phấn đấu đủ điều kiện để xét hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2023 - Ảnh 8.

Mục tiêu năm 2023, toàn tỉnh Ninh Bình phấn đấu trồng mới được trên 1,2 triệu cây xanh và trên 450 ha rừng. Ảnh: N B

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cũng đề nghị các địa phương đặc biệt lưu ý giữ vững 2 tiêu chí động trong xây dựng NTM đó là xây dựng hệ thống chính trị và tiêu chí an ninh trật tự. Cũng như quan tâm làm tốt đề án trồng cây xanh, cải tạo cảnh quan. Thực hiện quy hoạch, phân công, giao chỉ tiêu cho từng ngành, từng đơn vị, xác định các loại cây theo chủ đề, mang đặc trưng cho từng huyện, thành phố.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem