Sau khi Lý Phật Tử quy hàng nhà Tùy ở Trung Quốc, chịu ách Bắc thuộc lần thứ 3, đất Giao Châu tiếp tục bị nhà Đường cai trị, đổi tên thành An Nam. Do chính sách cai trị hà khắc nên ở An Nam liên tục loạn lạc do chiến tranh. Có nhiều cuộc nổi dậy chống lại ách cai trị của nhà Đường (618-907), trong đó có cuộc nổi dậy của Mai Hắc Đế.
Mai Hắc Đế (?-722), tên thật là Mai Thúc Loan hay Mai Huyền Thành, Vua Mai, được biết đến là anh hùng dân tộc, người lãnh đạo nông dân khởi nghĩa vào đầu thế kỷ 8. Ông quê gốc ở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, sau chuyển ra Nghệ An sinh sống.
Theo một số tư liệu ghi chép lại, Mai Thúc Loan sinh vào cuối thế kỷ 7. Năm 10 tuổi ông đã mồ côi mẹ, ít lâu sau bố cũng mất. Ông được bạn của bố là Đinh Thế đem về nuôi, sau gả con gái cho. Sinh thời, Mai Thúc Loan rất khỏe mạnh, giỏi võ, học cũng giỏi, lại có chí lớn. Ông còn mở lò võ, lập phường săn, chiêu mộ trai tráng trong vùng mưu việc lớn.
Tên tuổi Mai Thúc Loan gắn liền với cuộc khởi nghĩa Hoan Châu nổ ra vào năm 713 tại rú Đụn, còn gọi Hùng Sơn (tỉnh Nghệ An). Tương truyền lúc đó ông cùng đoàn phu gánh vải nộp cho nhà Đường nên đã kêu gọi các phu gánh nổi dậy chống lại nhà Đường. Tuy nhiên, thông tin này gây nhiều tranh cãi, có ý kiến cho rằng Mai Thúc Loan không làm phu gánh vải bao giờ.
Đến nay các nhà nghiên cứu thống nhất do sưu cao, thuế nặng nên Mai Thúc Loan lãnh đạo nhân dân nổi dậy chống lại nhà Đường. Ngay lập tức, lời kêu gọi của ông đã được toàn thể đoàn phu nhất tề hưởng ứng. Dân khắp cõi cũng nồng nhiệt ủng hộ lực lượng nghĩa sĩ do Mai Thúc Loan vừa mới thành lập và lãnh đạo. Quan quân đô hộ nhà Đường phải thực sự đối đầu với một cuộc đấu tranh vũ trang rất mạnh mẽ.
Mai Thúc Loan gắn liền với cuộc khởi nghĩa Hoan Châu.
Địa bàn hoạt động đầu tiên cũng là địa bàn hoạt động chủ yếu và lâu dài nhất của nghĩa quân Mai Thúc Loan chính là vùng Châu Hoan, Châu Diễn và Châu Ái.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau ngày dựng cờ xướng nghĩa, theo ghi chép của các thư tịch cổ Trung Quốc thì Mai Thúc Loan đã nhanh chóng liên kết và tập hợp được dân chúng của 32 châu (Theo chúng tôi, con số 32 châu ở đây rất đáng ngờ, có lẽ là do bọn quan quân nhà Đường đi đàn áp Mai Thúc Loan vì muốn được định công to và được ban thưởng lớn nên đã nói phao lên như thế).
Hơn thế nữa, cũng theo ghi chép của các thư tịch cổ Trung Quốc thì Mai Thúc Loan còn nhận được sự hưởng ứng mãnh liệt của nhân dân một số nước chung quanh. Sử cũ chép rằng, Mai Thúc Loan đã “liên kết với dân các nước Lâm Ấp, Chân Lạp và Kim Lân, giữ vững Nam Hải, quân số lên đến 40 vạn người”.
Nhiều ý kiến nhận định Mai Thúc Loan chính là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có chủ trương và thực hiện thành công việc liên minh với các nước láng giềng trong cuộc chiến chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Điều này đã được các triều đại sau này kế thừa, học tập như trường hợp liên minh Đại Việt - Champa thời Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, hay liên minh giữa nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo với quân của nước Ai Lao (thuộc lãnh thổ Lào ngày nay).
Tháng 4/713, Mai Thúc Loan lên ngôi vua, sử gọi là Mai Hắc Đế, tức “vua đen” vì ông có nước da đen. Sau đó Mai Thúc Loan tiến binh đánh thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Sử chép, nhờ có lực lượng khá đông đảo lại còn được nhân dân các địa phương đồng lòng ủng hộ, nghĩa quân Mai Thúc Loan tiến đến đâu là chính quyền của giặc tan rã tới đó.
Khu di tích lịch sử Vua Mai Hắc Đế ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Viên quan đứng đầu cơ quan đô hộ của nhà Đường ở An Nam Đô hộ phủ lúc bấy giờ là Quang Sở Khách vì khiếp đảm trước những cuộc tấn công ồ ạt của nghĩa quân nên đã nhanh chân tháo chạy về nước.
Tuy nhiên, thay vì đóng đô ở thành Tống Bình thì Mai Hắc Đế lại quay về quê nhà và đóng đô tại thành Vạn An (thành này nay thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Thành Vạn An nằm giữa khu căn cứ Sa Nam.
Khu căn cứ này từng được một số nhà nghiên cứu khảo sát và mô tả khá chi tiết như sau: “Đấy là vùng núi rừng rậm rạp nằm cạnh sông Lam ở khúc hiểm sâu. Ông lấy Vệ Sơn làm trung tâm, đóng đại bản doanh của nghĩa quân.
Dọc bờ sông Lam, nghĩa quân đắp một chiến lũy dài hơn nghìn mét. Thành Vạn An có núi Đụn (Hùng Sơn) làm chỗ dựa; phía trong núi là dải thung lũng rộng vài chục mẫu, dùng làm nơi trữ lương thực, vũ khí; phía ngoài núi, có nhiều đồn trại đóng ở cạnh sườn; chung quanh núi, sông Lam vây bọc như con hào tự nhiên.
Bao quanh trung tâm (Vệ Sơn), nghĩa quân xây dựng một hệ thống đồn trại nương tựa lẫn nhau: Biều Sơn (hình quả bầu) bảo vệ cánh tả, Liêu Sơn bảo vệ mặt trước, Ngọc Đái Sơn (hình đai ngọc) cạnh thành Vạn An, là đồn tổng chỉ huy, thống lĩnh cả hai đạo quân thuỷ bộ”.
Đến mùa thu năm 722, Vua Đường huy động 10 vạn quân ồ ạt chia thành nhiều đường đánh ập vào thành Vạn. Sau nhiều trận đánh khốc liệt từ lưu vực sông Hồng đến lưu vực sông Lam, cuối cùng Mai Hắc Đế thất trận, thành Vạn An thất thủ, nghĩa quân tan vỡ. Mai Hắc Đế phải rút vào rừng sâu, sau đó ốm bệnh rồi mất.
Bộ chính sử đầu tiên của nước ta có đề cập tới nhân vật Mai Thúc Loan là Đại Việt sử ký toàn thư nhưng tất cả cũng chỉ vỏn vẹn chừng độ ba bốn chục chữ và tất nhiên là số lượng những thông tin quan trọng hầu như không có gì đáng kể.
Mấy thế kỷ sau, các sử gia trong Quốc Sử Quán Triều Nguyễn với việc biên soạn bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” đã sưu tầm thêm tư liệu và ghi chép về nhân vật Mai Thúc Loan tương đối dài hơn, song mức độ cũng chỉ rất giản lược.
Ở Trung Quốc, từ góc độ chủ yếu là ghi nhận hoạt động của đội ngũ quan lại trực tiếp nắm quyền đô hộ tại nước ta, một vài tác phẩm sử học cũng có viết về Mai Thúc Loan. Tất nhiên là bức chân dung Mai Thúc Loan trong sử sách của Trung Quốc luôn luôn bị bóp méo, hành trạng của Mai Thúc Loan trở nên xa lạ với chính ông và bối cảnh lịch sử của thời đại ông.
Chung quy lại, thông tin về Mai Thúc Loan trong kho thư tịch cổ là rất rời rạc và nghèo nàn. Mặc dù vậy, nếu cẩn trọng tổng kết những ghi chép tản mạn trong các bộ sử cũ của ta và của Trung Quốc, đồng thời, cố gắng đối chiếu thật tỉ mỉ với nội dung các thần tích và lời kể của truyền thuyết dân gian (nhất là thần tích và truyền thuyết dân gian ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh), chúng ta cũng có thể bước đầu phác hoạ được vài nét về lý lịch cuộc đời và sự nghiệp của Mai Thúc Loan.
Năm 2008, tại ĐH Vinh (Nghệ An) diễn ra Hội thảo quốc gia “Mai Thúc Loan và khởi nghĩa Hoan Châu”. Nhiều ý kiến cho rằng Mai Thúc Loan từ khi lên ngôi giải phóng đất nước và giữ vững nền độc lập dân tộc trong 10 năm (713-722), chứ không phải cuộc khởi nghĩa của ông bùng nổ và bị dập tắt trong cùng một năm 722 như nhiều tài liệu phổ biến.
Cũng liên quan đến đế hiệu Mai Hắc Đế, một số ý kiến cho rằng tên gọi này không phả dựa vào màu da của Mai Thúc Loan. Vì thế, Mai Hắc Đế không phải là ông vua Đen họ Mai. Thứ nhất, khi triều đình suy tôn một vị vua thì phải chọn những danh hiệu đẹp (mỹ tự), không bao giờ lại lấy những nhược điểm về hình thức bề ngoài của ông vua mà đặt đế hiệu.
Thứ hai, tên gọi Mai Hắc Đế là đặt theo quan niệm âm dương về ngũ hành bởi Mai Hắc Đế mang mệnh thủy, tức là nước, mà nước được tượng trưng bằng màu đen. Vì vậy, ông lấy hiệu Hắc Đế để hợp với mệnh của mình (theo Việt điện u linh). Như vậy, hắc là tượng trưng cho mệnh thủy của ông chứ chẳng liên quan đến màu da cả.
Đời sau nhờ ơn Mai Hắc Đế, lập đền thờ ông trên núi Vệ Sơn và trong thung lũng Hùng Sơn. Ngày nay tại địa phận xã Vân Diên, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) có khu di tích tưởng niệm ông...
(Còn nữa)