Dân Việt

Vườn Quốc gia Phước Bình ở Ninh Thuận (Kỳ 2): “Vương quốc” một loại quả ngon của người Raglai

Đức Cường 23/03/2023 05:20 GMT+7
Điều kiện đất đai, khí hậu ôn hòa; sự tận tình hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, cán bộ Vườn Quốc gia Phước Bình, hỗ trợ của chính quyền địa phương, người Raglai ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) đã từng bước làm giàu nhờ nông nghiệp, trong đó có trồng bưởi da xanh-một loại quả ngon của Việt Nam.

Nhiều mô hình kinh tế vườn - rừng, đưa cây bưởi da xanh bén rễ và nhiều nông dân Raglai đã vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Bưởi da xanh của đồng bào Raglai ngon - đắt hàng

Trong chuyến khám phá Vườn Quốc gia Phước Bình, đi đâu chúng tôi cũng nghe bà con nông dân bàn luận và cùng nhau hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây bưởi da xanh và sầu riêng ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái tỉnh Ninh Thuận.

Khám phá vườn Quốc gia Phước Bình ở Ninh Thuận (Kỳ 2): Khám phá “Vương quốc” bưởi da xanh của đồng bào Raglai - Ảnh 1.

Bưởi da xanh bén duyên và trở thành cây xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào Raglai ở Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Đức Cường)

Dừng chân ngắm cảnh bình minh và hít thở khí trời trong xanh, chúng tôi cảm nhận được "sự thay da đổi thịt" từng ngày, từ đời sống vật chất, đến tinh thần của bà con miền núi so với trước đây.

Giờ đây, khắp đường làng ngõ nhỏ đều được bê tông hóa khang trang, láng mượt. Hai bên đường được các hộ dân trồng nhiều loại hoa đang tranh nhau khoe sắc…

Theo anh Katơ Chinh, cán bộ nông nghiệp xã Phước Bình, nhờ điều kiện đất đai và khí hậu ôn hòa, đồng bào Raglai ở xã Phước Bình đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển nông nghiệp theo mô hình kinh tế vườn-rừng.

Đưa cây bưởi da xanh bén rễ và trở thành cây xóa đói giảm nghèo, từ vài hộ trồng bưởi ban đầu thì đến nay đã có hàng trăm hộ theo nghiệp trồng bưởi.

"Nhờ cây bưởi mà nhiều gia đình nông dân Raglai đã vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương…", Katơ Anh Chinh chia sẻ.

Đứng dưới tán bưởi trĩu quả, xanh mát trải dài tầng tầng lớp lớp trên sườn đồi, ít ai biết được rằng cách đây gần chục năm về trước vùng đất này của gia đình lão nông Katơ Quỳnh ở thông Hành Rạc 2 chỉ toàn một màu vàng của ngô, khoai và cây đậu.

Là một trong những người tiên phong trồng bưởi da xanh ở địa phương Phước Bình, lão nông Katơ Quỳnh cho biết, bắt đầu trồng bưởi da xanh theo chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc do Vườn Quốc gia Phước Bình triển khai và hỗ trợ cây giống từ năm 2010.

Đến năm 2015 ông bắt đầu thu hoạch những lưới bưởi đầu tiên từ 1,5 – 2kg mỗi trái, với giá bán 30.000 - 35.000 đồng/kg gia đình ông thu về gần 20 triệu mỗi tháng.

Khám phá vườn Quốc gia Phước Bình ở Ninh Thuận (Kỳ 2): Khám phá “Vương quốc” bưởi da xanh của đồng bào Raglai - Ảnh 3.

Ông Katơ Quỳnh cười tươi bên góc bưởi trĩu quả. (Ảnh: Đức Cường)

Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ cây bưởi da xanh, năm 2016 ông bắt đầu nhân rộng diện tích trồng bưởi da xanh lên 1,2ha như hiện nay. "Thời điểm giá bưởi cao nhất 40.000 đồng/kg vào cuối năm 2021, mỗi tháng gia đình ông thu về gần 30 triệu đồng.

"Nhờ tiền bán bưởi mà gia đình tôi đã vươn lên làm giàu, xây dựng nhà mới khang trang trên 500 triệu đồng để đón Tết Quý Mão - 2023 vừa qua đó anh nhà báo..." ông Quỳnh vui giọng.

Trước hiệu quả kinh tế của cây bưởi da xanh cao hơn hẳn những cây trồng khác, lại phù hợp thổ nhưỡng địa phương nên nhiều hộ nông dân Raglai đã mạnh dạn đầu tư trồng nhân rộng, đồng thời áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng quả bưởi.

Khám phá vườn Quốc gia Phước Bình ở Ninh Thuận (Kỳ 2): Khám phá “Vương quốc” bưởi da xanh của đồng bào Raglai - Ảnh 4.

Chị Katơ Thị Sín áp dụng kỹ thuật bao trái để nâng cao chất lượng quả bưởi da xanh. (Ảnh: Đức Cường)

Háo hức khoe thành quả là những quả bưởi da xanh láng mượt được bao bọc bài bản, chị Katơ Thị Sín ở thôn Gia É cho biết, từ vài chục góc bưởi ban đầu, đến nay gia đình đã phát triển lên 0,5 ha trồng bưởi sau vườn nhà. Mỗi tháng cắt bán 2 lần cho thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng.

"Nhờ làm đúng kỹ thuật của cán bộ nên quả bưởi của gia đình tôi không bị sâu rầy gây hại. Quả bưởi to tròn, da xanh láng mượt nên thương lái và thị trường rất ưa chuộng. Từ đó, gia đình có thêm thu nhập đầu tư cho con cái học hành...", chị Katơ Thị Sín vui vẻ nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi, giờ đây hầu như mỗi gia đình Raglai ở Phước Bình đều trồng bưởi da xanh. Hộ trồng ít trong vườn nhà thì cũng vài chục gốc bưởi, hộ trồng nhiều thì cũng lên tới vài hecta hay thậm chí có hộ gần 20 hecta trồng bưởi da xanh trên các sườn đồi.

Từ vài hecta ban đầu, đến nay xã Phước Bình được ví các nhà chuyên môn và doanh nghiệp xem như "Vương quốc" bưởi da xanh tại Ninh Thuận.

Khám phá vườn Quốc gia Phước Bình ở Ninh Thuận (Kỳ 2): Khám phá “Vương quốc” bưởi da xanh của đồng bào Raglai - Ảnh 5.

Ông Katơ Quỳnh dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi trên sườn đồi của gia đình. (Ảnh: Đức Cường)

Theo UBND xã Phước Bình, vì là vùng trồng bưởi tập trung lớn nhất của tỉnh và được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng bởi sản phẩm sạch, chất lượng cao. Đến nay, bưởi da xanh Phước Bình đã được nhân rộng với diện tích gần 200 ha, năng suất 2 tấn/ha/tháng và giá trị bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm. Qua đó từng bước giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống để vươn lên thoát nghèo.

Nhiều thương lái thu mua bưởi có kinh nghiệm lâu năm ở Ninh Thuận cho biết, bưởi da xanh Phước Bình có vị ngon, vị ngọt thanh, có tí chua chua, rất ít hạt. Tép bưởi giòn khi nhai, không bị khô ở hai đầu múi bưởi.

Ngoài ra, bưởi vùng này có hương vị đặc trưng khác hẳn so với bưởi trồng ở các địa phương khác nên rất được thị trường ưa chuộng.

Clip vườn bưởi da xanh của đồng bào Raglai xã Phước Bình. Thưc hiện: Đức Cường.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên viên Phòng hợp tác Quốc tế Vườn Quốc gia Phước Bình cho biết, hơn chục năm trước, Vườn đã đưa cây bưởi da danh từ các nơi khác về trồng thử nghiệm.

Thời gian trồng thử nghiệm cho thấy, bưởi da xanh rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng xã Phước Bình. Loại cây này dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít dịch bệnh. Khoảng năm 2010, bưởi cho quả đầu tiên và khi ăn xong các chuyên gia của vườn ai cũng khẳng định, đây là cây trồng phù hợp trên vùng đất triền núi như Phước Bình.

Sau nhiều lần thử nghiệm thành công, năm 2012 Ban giám đốc Vườn Quốc gia Phước Bình quyết định áp dụng nhân giống cho bà con trồng đại trà.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, suốt mấy mấy năm qua đã phối hợp UBND xã Phước Bình thực hiện chương trình nâng cao giá trị uy tín, chất lượng sản phẩm bưởi da xanh Phước Bình trên thị trường.

Hướng đến xuất khẩu bưởi da xanh ra nước ngoài

Đầu năm 2023, tin vui đã đến "Vương quốc" bưởi da xanh của bà con Raglai xã Phước Bình khi ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đã và đang triển khai đánh giá thực địa để đề nghị Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cấp mã số vùng trồng cho 23ha bưởi da xanh đầu tiên của ở xã Phước Bình. Việc này nhằm đưa thương hiệu bưởi da xanh Phước Bình vươn tới những thị trường tiềm năng hơn ở nước ngoài.

Khám phá vườn Quốc gia Phước Bình ở Ninh Thuận (Kỳ 2): Khám phá “Vương quốc” bưởi da xanh của đồng bào Raglai - Ảnh 6.

Ông Đà Rót Hà Phước, chủ tịch Hội nông dân xã Phước Bình cùng hội viên nông dân tại vườn bưởi da xanh. (Ảnh: Đức Cường)

Trước tin vui đó, người trồng bưởi da xanh ở Phước Bình đã không thể dấu diếm nổi niềm vui. Đối với bà con, việc cấp mã số vùng trồng cho cây bưởi sẽ tạo đầu ra ổn định cho quả bưởi, giúp nông dân trồng bưởi thoát cảnh giá cả bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.

Ông Katơ Quỳnh, thôn Hành Rạc 2 phấn khởi cho biết, nếu được cấp mã vùng trồng nông dân chúng tôi rất hoan nghênh. Khi đó sản phẩm bưởi da xanh Phước Bình sẽ được nhiều người biết đến, có nguồn gốc rõ ràng để xây dựng thương hiệu riêng, từ đó tạo đầu ra ổn định để nông dân chúng tôi có điều kiện nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Theo UBND xã Phước Bình, trong khi chờ đợi ngành chức năng cấp mã vùng trồng cho bưởi da xanh, chính quyền địa phương sẽ tập trung hướng dẫn cho người dân thực hiện sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch.

Đồng thời, mong muốn các ngành liên quan kết nối để đưa các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất chuyên về cây bưởi nhằm kết nối với nông dân địa phương đưa sản phẩm bưởi ra thị trường xa hơn.

Khám phá vườn Quốc gia Phước Bình ở Ninh Thuận (Kỳ 2): Khám phá “Vương quốc” bưởi da xanh của đồng bào Raglai - Ảnh 8.

Những vườn bưởi da xanh phủ xanh khắp đường làng ngõ xóm và trải dài đến tận chân đồi. (Ảnh: Đức Cường)

Theo chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận, qua kiểm tra thực địa 23ha bưởi da xanh ban đầu trong mô hình đáp ứng đủ cả 7 tiêu chí để được cấp mã số vùng trồng, đặc biệt là tiêu chí số 4 về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ chặt theo nguyên tắc "4 đúng" và hiện đang chờ Cục trồng trọt cấp mã số vùng trồng để hướng đến xuất khẩu nước ngoài theo chính ngạch, mở ra hướng đi mới không chỉ cho bưởi da xanh Phước Bình mà cho cả gần 400ha bưởi của toàn tỉnh Ninh Thuận.

Xã Phước Bình nằm ở phía Tây Bắc huyện Bác Ái và là xã miền núi cực Bắc của tỉnh Ninh Thuận giáp với tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa.

Địa hình xã Phước Bình chủ yếu là đồi núi với dân số chủ yếu là người dân tộc Raglai, sinh sống và canh tác trên các sườn đồi.

Những năm gần đây, địa phương này đã tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu. Qua đó, đã phát triển vùng cây lâu năm có giá trị kinh tế cao lên đến 1.838 ha với các loại cây trồng như: Điều, bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt... Trong đó, có gần 200ha trồng bưởi xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xã Phước Bình được đánh giá là một trong những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi Bác Ái, đến cuối năm 2022 vừa qua, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 19 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,42%; 6/6 thôn được công nhận thôn văn hóa.

Trên 90% các tuyến đường nội thôn được bê tông sạch sẽ, rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Còn tiếp