Bộ Tài chính cho rằng, xăng cần tiêu dùng tiết kiệm, thu thuế tiêu thụ đặc biệt là hợp lý. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính khẳng định việc thu thuế TTĐB là nhằm hiện thực hoá cam kết của Chính phủ về giảm mức phát thải về 0 vào năm 2050 của Chính phủ.
Bộ Tài chính vừa có công văn trả lời kiến nghị cử tri về nội dung liên quan đến đề xuất bỏ, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với mặt hàng xăng.
Theo đó, Bộ Tài chính khẳng định: Thu thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng hiện nay là phù hợp, góp phần giảm phát thải. Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay thuế TTĐB chỉ đánh lên mặt hàng xăng, không đánh lên dầu các loại. Mức thuế suất hiện tại là 10% đối với xăng khoáng, xăng E5 là 8%, xăng E10 là 7%.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội phương án giảm thuế TTĐB và thuế VAT đối với xăng, dầu. Tuy nhiên, ngày 11/12/2022, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến:
Các dự báo xu thế giá dầu thô thế giới năm 2023 là thấp hơn so với giá dầu năm 2022, bên cạnh đó cùng với các chỉ số tích cực về kinh tế vĩ mô trong nước hiện nay, việc thiết kế cơ chế "dự phòng" trong điều hành giá xăng dầu trong nước thông qua thuế TTĐB và thuế VAT là chưa thực sự cần thiết.
Ngoài ra, năm 2023, bên cạnh các biện pháp điều hành thị trường xăng dầu trong nước, vẫn có dư địa sử dụng công cụ thuế bảo vệ môi trường như đã thực hiện năm 2022. Do đó, UBVTVQH xin Quốc hội cho phép không bổ sung nội dung nhà nước năm 2023.
Bộ Tài chính khẳng định, thuế TTĐB là loại thuế thu vào hàng hoá, dịch vụ mà nhà nước không khuyến khích tiêu dùng (thuốc lá, rượu bia…) cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hoá thạch…) và những nhóm hàng hoá, dịch vụ được bộ phận người thu nhập cao tiêu dùng cần phải điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi golf…)
Bộ này khẳng định: Xăng là nhiên liệu gốc hoá thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên hầu hết các nước đều thu thuế TTĐB đối với mặt hàng này như Pháp, Đức, Ý, Anh, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Campuchia, Lào…
Bộ Tài chính nhấn mạnh, Việt Nam thu thuế TTĐB với xăng 28 năm (từ năm 1995), quy định này phù hợp với mục tiêu của thuế TTĐB và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đáng chú ý, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường là vấn đề toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP 26 về mức phát thải về 0 vào năm 2050. Vì vậy, việc thu thuế TTĐB đối với xăng là phù hợp, góp phần giảm phát thải.
Về ổn định nguồn cung, trong báo cáo, Bộ Tài chính trích quy định tại Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 nêu rõ: Bộ Công Thương có trách nhiệm xác định nhu cầu định hướng về tổng nguồn cung xăng dầu của năm tiếp theo; giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu phục vụ tiêu thụ nội địa cả năm theo cơ cấu chủng loại cho từng thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; chịu trách nhiệm kiểm tra đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng xã hội.
"Vì vậy, đối với việc ổn định nguồn cung xăng dầu, đề nghị Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì, quản lý nhà nước về xăng dầu", Bộ Tài chính cho hay.