Dân Việt

Lãnh đạo UBND các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang tha thiết kêu gọi ngư dân đánh bắt đúng luật

Minh Ngọc 21/02/2023 08:00 GMT+7
Để góp phần gỡ "thẻ vàng" cho ngành thủy sản Việt Nam, ngày 20/2, lãnh đạo UBND các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang kêu gọi ngư dân đánh bắt đúng luật, không đưa tàu đi khai thác trái phép vùng biển nước ngoài.

Kêu gọi ngư dân đánh bắt đúng luật

Ngày 20/2, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, vừa thay mặt Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành thư kêu gọi ngư dân tích cực hưởng ứng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Theo ông Cảnh, hơn 5 năm qua, ngư dân trên địa bàn tỉnh cùng với các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực để khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu (EC) về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Qua đó, hầu hết ngư dân đã thực hiện tốt quy định của nhà nước trong khai thác thủy sản như: Lắp đặt và duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình trên tàu, thực hiện thủ tục đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, ghi chép nhật ký khai thác, đưa tàu về cảng lên cá…

Tuy nhiên, vẫn còn một số cá nhân khai thác thủy sản bất hợp pháp, nhất là khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài, tắt thiết bị giám sát hành trình…, không tuân thủ quy định pháp luật và cảnh báo từ chính quyền, các lực lượng chức năng. Do vậy, UBND tỉnh Bến Tre ban hành thư kêu gọi ngư dân tích cực hưởng ứng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Lãnh đạo UBND các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang tha thiết kêu gọi ngư dân đánh bắt đúng luật - Ảnh 1.

Ngư dân Quảng Trị đang vận chuyển cá vừa đánh bắt được tại cảng cá Cửa Việt. Ảnh: Ngọc Vũ

Theo báo cáo của Sở NNPTNN Bến Tre, từ năm 2022 đến nay, không có trường hợp tàu cá Bến Tre khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng ngư dân không có bằng thuyền trưởng hoặc văn bằng chứng chỉ theo quy định, không mang theo giấy tờ phương tiện, không làm hồ sơ cấp giấy phép khai thác, không có giấy chứng nhân an toàn vệ sinh thực phẩm… còn diễn ra; nhiều trường hợp đã bị xử phạt.

Tỉnh Bến Tre là một trong những địa phương có lượng tàu cá khai thác trên biển lớn nhất trong cả nước, với gần 4.000 tàu, hàng ngàn ngư dân bám biển, loại hình khai thác chủ yếu là lưới cào. Nhiều năm qua, tỉnh không cấp giấy phép đóng mới tàu lưới cào và đã xóa đăng ký 402 tàu vì không còn hoạt động khai thác thủy sản; trong đó, vùng khơi 67 tàu, vùng lộng 45 tàu, vùng ven bờ 290 tàu…

Cũng trong ngày 20/2, tỉnh Kiên Giang tổ chức đối thoại, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho ngư dân. Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, sau đợt kiểm tra hồi tháng 10/2022, phía EC tiếp tục khẳng định nếu Việt Nam vẫn còn vi phạm vùng biển nước ngoài, dù chỉ 1 tàu vẫn không được rút "thẻ vàng".

"Nếu như tàu cá và ngư dân Việt Nam tiếp tục khai thác trái phép vùng biển nước ngoài, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, nguy cơ bị EC áp cảnh báo thẻ đỏ là rất lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của ngành thuỷ sản Việt Nam, làm thiệt hại lớn đến kinh tế quốc gia. Các sản phẩm khác của Việt Nam dù không phải là thủy sản cũng sẽ bị ảnh hưởng, khó tiếp cận thị trường EU", ông Lê Quốc Anh nói tại buổi đối thoại.

Lãnh đạo UBND các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang kêu gọi ngư dân đánh bắt đúng luật - Ảnh 1.

Một số tàu cá của ngư dân miền Trung neo đậu ở Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) hồi tháng 6/2022. Ảnh: Diệu Bình

Đại diện ngư dân, ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá TP. Rạch Giá (Kiên Giang) kiến nghị nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ giãn nợ, khoanh nợ cho ngư dân. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 42/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, tăng chế tài xử phạt đối với các tàu cố tình đưa tàu đi khai thác IUU.

Còn bà Trần Thị Lý, ngụ phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá cho biết, bà làm nghề khai thác thủy sản được 30 năm, chưa bao giờ lại gặp khó như bây giờ. Không riêng xăng dầu, tất cả các chi phí khác, ngư lưới cụ đều tăng từ 25-30%. "Vì yêu nghề, tôi không thể đậu tàu. Nếu đậu tàu, tất cả đồ nghề đi biển sẽ hư hỏng, rỉ sét", bà Lý nói. 

Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh tha thiết kêu gọi các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân từ nay tới hết tháng 5/2023 không đưa tàu đi khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. 

Sau đó, tỉnh cam kết sẽ có những giải pháp mang tính đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn cho ngư dân như: Kiến nghị Chính phủ có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ cho các chủ tàu chấp hành chủ trương, đồng thời xử lý nghiêm các chủ tàu cố tình vi phạm, công bố danh sách chủ tàu vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tại Hội nghị công bố "Kế hoạch hành động chống IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4", ngày 20/2, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Kế hoạch đặt ra nhiệm vụ từ nay đến tháng 5/2023, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra, xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngày 1/12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng với 28 tỉnh, thành phố ven biển về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động trong 180 ngày tới để thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ thẻ vàng IUU, đồng thời xây dựng chiến lược lâu dài trong việc chống IUU.

Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu, cơ cấu lại các khoản vay của ngư dân để xử lý; tiếp tục thực hiện các biện pháp xử lý hành chính đối với các hành vi IUU, nếu vi phạm pháp luật hình sự phải cương quyết xử lý...