Là khu vực giao nhau giữa ba xã của ba tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang (xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau; xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu; xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang), nhưng so sánh lại thì phía xã Tân Phú, huyện Thới Bình có bước chuyển mình sau nhất so với hai địa phương còn lại cả về điều kiện hạ tầng và kinh tế hộ.
Ông Trương Thanh Nhàn, ấp Tràm Thẻ Ðông, xã Tân Phú (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), hồi tưởng: “Tôi định cư ở đây đã hơn 45 năm, trước đây vùng đất này rất phèn, chỉ thích nghi trồng khóm, trúc, lợi nhuận không cao. Nhìn về phía vùng giáp ranh tỉnh bạn bằng các mô hình kênh thuỷ sản mà mơ ước quê hương có cuộc sống sung túc, có con đường giao thông nông thôn, có tuyến điện…
Bằng sự nỗ lực chung, từ hơn 20 năm nay vùng đất này bắt đầu vươn lên từ khi chuyển dịch sang nuôi tôm. Hiện nay, các điều kiện về hạ tầng và cuộc sống của bà con không còn chênh lệch nhiều so với vùng giáp ranh. Riêng gia đình tôi, sau khi trừ chi phí đầu tư nuôi tôm, cua, mỗi năm lãi trên 400 triệu đồng”.
Hạ tầng, nhà cửa khang trang khu vực “gà gáy ba tỉnh” ngày nay. Đó à khu vực ấp Tràm Thẻ Ðông, xã Tân Phú (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau).
Là xã thuần nông của huyện Thới Bình, phần lớn vùng đất canh tác ở Tân Phú là trũng, phèn kém hiệu quả. Nhưng từ những năm sau chuyển dịch, vùng đất này lại có bước vươn mình thích ứng với mô hình kinh tế mới: tôm - lúa, cá - lúa. Những ngôi nhà kiên cố, khang trang mọc lên minh chứng cho sự khấm khá của cả vùng quê.
Ông Lê Văn Quý, Phó bí thư Ðảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho hay: “Năm 2022, xã Tân Phú được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đó là thành quả lớn nhất mà Ðảng bộ và Nhân dân xã đạt được trong thời gian qua.
Riêng vùng giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang thuộc ấp Tràm Thẻ Ðông, xã đang triển khai hiệu quả nhiều mô hình kinh tế kết hợp đa cây, đa con. Cùng với đó là phát triển kết nối hệ thống giao thông nông thôn và lưới điện quốc gia. Giờ đây, đời sống người dân đã thay đổi tích cực, thu nhập bình quân của người dân ở Tân Phú đã đạt 57 triệu đồng/người/năm”.
Các tuyến đường giao thông đã thông suốt giữa các địa phương, góp phần lớn thúc đẩy giao thương, mua bán.
Anh Trần Thanh Vũ, hộ mua bán tôm, cua ở các vùng lân cận Tràm Thẻ Ðông, cho biết: “Mỗi ngày tôi đều lái xe đi quãng đường khoảng 70 km ở cả ba địa phương để thu mua tôm, cua. Nhờ đường bộ hoàn thiện nên chi phí vận chuyển, thu mua cũng giảm hẳn so với trước phải đi bằng vỏ lãi. Việc sản xuất và đời sống của người dân ở khu vực này cũng phát triển hẳn, nhất là trong năm 2022 vừa qua”.
Tuyến đò ngang kết nối xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau với xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Đây là Đtuyến đi tắt từ huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang sang huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu về tỉnh Cà Mau và ngược lại.
“Nhiều dự án đường giao thông kết nối giữa các địa phương đã và đang hoàn thiện, cùng với đó là sự trợ lực của các hội đoàn thể, từ đó hầu hết bà con chí thú làm ăn và đạt hiệu quả kinh tế. Những năm tiếp theo, xã cũng đã có định hướng mời gọi đầu tư vào khu vực Tràm Thẻ Ðông cũng như các vùng đồng bào dân tộc ở xã. Quyết tâm giữ vững và nâng cao chuẩn nông thôn mới hướng đến nông thôn mới nâng cao trong tương lai không xa”, ông Lê Văn Quý cho biết thêm.
Sự vươn lên của vùng đất khó Tràm Thẻ Ðông là minh chứng thuyết phục. Mùa xuân mới đang về, cùng với những dự tính và mục tiêu phát triển trong tương lai, hy vọng rằng vùng quê giáp ranh của Cà Mau sẽ có những bứt phá mới.