Ngành công nghiệp hàng không quân sự của Trung Quốc đã tiết lộ ngày càng nhiều bản vẽ ý tưởng cho một máy bay chiến đấu tàng hình trong tương lai trên phương tiện truyền thông xã hội. Mặc dù các thiết kế trên máy tính có vẻ vẫn chưa được hoàn thiện, nhưng rõ ràng là: máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ sáu của Trung Quốc trong tương lai sẽ không đuôi - na ná như tiêm kích tàng hình NGAD của Mỹ.
Tiêm kích tàng hình NGAD thuộc thế hệ thứ sáu của không quân Hoa Kỳ. NGAD được coi là một nhóm hệ thống tích hợp với mục đích giành ưu thế trên không của quân đội Mỹ và dự kiến là chiến đấu cơ đắt đỏ nhất từng được chế tạo. Đến nay, không quân Mỹ vẫn giữ bí mật hoàn toàn về mẫu máy bay tương lai do lo ngại sự cạnh tranh từ các đối thủ.
Vào ngày 31 tháng 1 năm 2023, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) đã đăng một video sử dụng công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (CGI) về máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ sáu. Các máy bay chiến đấu phản lực hai động cơ này được miêu tả có đôi cánh hình thoi và phần thân dưới có thiết kế như "nhện độc Mỹ II" YF-23 Black Widow (có hình dáng giống như dưới bụng của nhện quả phụ đen) của Northrop-Grumman và không có đuôi. Một video khác cũng được AVIC chia sẻ trên Weibo cho thấy khung máy bay không đuôi được tối ưu hóa cho khả năng tàng hình đang được thử nghiệm trong đường hầm gió tốc độ cao FL-3.
Trước đó, ý tưởng của Lockheed-Martin về thử nghiệm máy bay chiến đấu có người lái không đuôi được gọi là X-44 MANTA chưa bao giờ được thực hiện, ngoại trừ có lẽ ở dạng trình diễn máy bay không người lái không đuôi còn được gọi là X-44. Đây là một chiếc máy bay trông giống tiêm kích tàng hình F-22 Raptor nhưng phần đuôi bị cắt bỏ. Nó có phần cánh tam giác kéo dài nhưng không có bất cứ bề mặt đuôi nào. Thiết kế này đôi lúc được ví von là thiết kế hình "kim cương", được đánh giá là một thiết kế tuyệt vời với những tính năng tích cực được NASA và Không quân Hoa Kỳ nghiên cứu nhưng rồi lại bỏ lỡ nó.
Rick Joe, người viết nhiều bài viết chuyên sâu về công nghệ quân sự và cấu trúc lực lượng của Trung Quốc cho rằng thế hệ máy bay chiến đấu thứ sáu sắp tới dự kiến sẽ một lần nữa nhấn mạnh vào khung máy bay tàng hình như thế hệ thứ năm, nhưng được chế tạo để có tầm hoạt động và trọng tải lớn hơn, phản ánh thực tế địa lý cũng như gia tăng ảnh hưởng tại Châu Á-Thái Bình Dương. Các khả năng mới được mong đợi bao gồm hỗ trợ phi công Trí tuệ Nhân tạo (AI) cũng như được nâng cấp toàn diện về tốc độ, khả năng cơ động, công nghệ tàng hình và xử lý dữ liệu. Động cơ chu trình kết hợp linh hoạt có khả năng duy trì hành trình siêu thanh trong khi tạo ra đủ năng lượng gây nhiễu mạnh mẽ hệ thống phòng thủ hoặc vũ khí năng lượng định hướng như laze.
Máy bay chiến đấu NGAD sắp ra mắt của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã tồn tại dưới dạng bay trình diễn, nhưng vẫn chưa được tiết lộ cho công chúng. Tuy nhiên, ý tưởng thiết kế được công bố gần đây cho thấy nó sở hữu cánh bay hình tam giác lớn, không đuôi và phần mềm điều khiển bay trang bị sẽ được thiết kế riêng biệt với phần mềm quản lý hệ thống nhiệm vụ của nó, cũng như không hề lặp lại phương pháp ứng dụng cho bất cứ chiến đấu cơ nào trước đây. Việc tách phần mềm điều khiển bay với phần mềm điều khiển hệ thống nhiệm vụ được cho là sẽ cho phép Không quân Mỹ tích hợp được các công nghệ mới nhất đang phát triển, miễn sao chúng phù hợp với máy bay và đáp ứng các yêu cầu về trọng lượng, sức mạnh và làm mát.
Vây đuôi, hoặc bộ ổn định ngang và dọc, mang lại cả sự ổn định và các tùy chọn khả năng cơ động mở rộng cho máy bay. Theo truyền thống, điều đó rất quan trọng đối với máy bay chiến đấu được thiết kế để vượt qua đối thủ trong chiến đấu tầm xa. Bộ ổn định dọc hoặc bánh lái cho phép chuyển động nghiêng sang một bên (và giúp chống lại chuyển động đó từ các luồng gió ngược) trong khi bộ ổn định ngang giúp nâng máy bay lên hoặc xuống.
Nhưng các bề mặt phản chiếu trên bộ ổn định cũng làm phức tạp và hạn chế nỗ lực giảm tiết diện radar của máy bay chiến đấu, đặc biệt khi được quét từ phía sau hoặc bên cạnh. Vì lý do này, "cánh bay" không có bộ ổn định là tính năng của máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Mỹ và các máy bay không người lái tàng hình như RQ-170. Loại bỏ các bộ ổn định cũng làm giảm trọng lượng và lực cản, tăng phạm vi và tốc độ hành trình bền vững.
Máy bay không đuôi thường dựa vào hệ thống điều khiển bằng dây có sự hỗ trợ của máy tính để điều khiển các cánh tà (Cánh tà là một phần cánh nằm mép trong phía sau cánh, sát thân máy bay. Cánh tà có thể được mở rộng để tăng diện tích bề mặt cho cánh, giúp tăng lực nâng trong giai đoạn cất cánh hoặc hạ cánh) để điều động và bù đắp cho sự giảm độ ổn định. Một bài báo trên Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngụ ý rằng cánh tà phanh tách đôi và động cơ vectơ lực đẩy (có vòi xả di động) cũng có thể được khai thác để cung cấp cơ chế điều động bổ sung. Trung Quốc đã nỗ lực phát triển và thử nghiệm động cơ sử dụng hệ thống đẩy vector (TVC) trên các máy bay chiến đấu J-10 một động cơ và J-20 hai động cơ, mặc dù nó dường như chưa phải là một tính năng được tiêu chuẩn hóa trong các máy bay chiến đấu sản xuất trong nước.
Mặc dù các phương pháp này có thể không khôi phục hoàn toàn tính tối ưu của khả năng cơ động do các bộ ổn định cung cấp, nhưng Không quân Hoa Kỳ và Trung Quốc dường như đều đồng ý rằng cuộc chiến trên không trong tương lai sẽ phụ thuộc vao BVR (Tên lửa có tầm nhìn xa hơn là tên lửa không đối không có khả năng tác chiến ở phạm vi 20 nmi hoặc xa hơn. Phạm vi này đã đạt được bằng cách sử dụng động cơ tên lửa xung kép hoặc động cơ tên lửa tăng cường và động cơ duy trì ramjet). Theo tiền đề đó, lợi ích của việc tàng hình nhiều hơn sẽ lớn hơn việc mất khả năng cơ động.
Khi nói đến chiến đấu không đối không, Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu về công nghệ tàng hình và khả năng sản xuất động cơ hoàn thiện hơn rất nhiều. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, Trung Quốc có lợi thế hơn nhờ trang bị tên lửa tầm xa PL-15 và PL-21, trong khi việc sản xuất tên lửa 'sát thủ trên không' AIM-260 tầm xa hơn của Mỹ phải đến năm 2026 mới trình làng. Máy bay chiến đấu hiện đại của Trung Quốc, không giống như của Nga , sở hữu các radar AESA chống nhiễu và tàng hình, mặc dù mức độ khả năng của chúng so với các radar AESA hoàn thiện hơn trong các máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ là không rõ ràng. AESA được biết tới là dòng radar thế hệ mới với nhiều khác biệt so với thế hệ radar thụ động PESA truyền thống. Radar AESA có tầm quét, khả năng theo dõi mục tiêu và hoạt động cùng lúc ở cả chế độ đối không và đối đất ưu thế hơn hẳn radar quét thụ động cũ.
Lực lượng Không quân Hoa Kỳ muốn NGAD có tầm hoạt động mở rộng (hơn 1.000 hải lý) cần thiết để hộ tống các máy bay ném bom, tối ưu hóa sức mạnh của lực lượng Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hoạt động từ các căn cứ nằm ngoài tầm bắn của phần lớn các tên lửa đạn đạo mạnh mẽ của Trung Quốc. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi cả hai lực lượng không quân dường như đang theo đuổi các khái niệm máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu tương tự nhau.