Đây là thông tin được thảo luận nhiều tại Hội nghị đánh giá hoạt động xuất khẩu gạo năm 2022 và bàn phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM, ngày 21/2.
Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn, với trị giá 3,45 tỷ USD; tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn, giảm 7,7% so với mức bình quân năm 2021.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2022, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 486,19 USD/tấn, giảm 40,47 USD/tấn.
Do đó, dù số lượng xuất khẩu tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước nhưng trị giá chỉ tăng 5,09%. Đây là mức bình quân năm thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Theo VFA, nguyên nhân do thị trường cước vận chuyển quốc tế hạ nhiệt và gần như về lại mức ổn định trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19.
Song song đó, trong năm vừa qua, hạn mức tín dụng dành cho ngành hàng lương thực bị hạn chế nên các thương nhân xuất khẩu gạo khó tiếp cận với nguồn cung vốn. Và khả năng tạm trữ chờ giá tốt theo đó cũng bị ảnh hưởng nhiều.
"Đây là nguyên nhân chính khiến giá bình quân xuất khẩu cả năm thấp hơn kỳ vọng", ông Nam nói.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 1/2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 359.310 tấn, mang lại 186,6 triệu USD. Giá xuất khẩu trung bình 519,3 USD/tấn.
So với tháng 1/2022, xuất khẩu gạo tháng đầu năm 2023 giảm 29% về số lượng, giảm 24,2% trị giá nhưng tăng 6,8% về giá xuất khẩu.
Hiện tại giá lúa gạo trong nước đang tăng. Nguyên nhân do vụ đông xuân 2022/2023 mới bắt đầu vào vụ, sản lượng chưa nhiều, gạo được thu mua ngay sau khi thu hoạch.
Nhu cầu tăng từ khi thông tin Trung Quốc giao thương bình thường trở lại sau Covid-19.
Indonesia cũng gia tăng nhập khẩu gạo. Trong đó, tháng 1/2023, nước này đã nhập khẩu 85.925 tấn gạo từ Việt Nam. Trong khi tháng 1/2022, Indonesia không nhập khẩu.
Tín hiệu thị trường thế giới tương đối khả quan khi nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng để gia tăng dự trữ trong bối cảnh lạm phát tăng, xung đột địa chính trị giữa các nước và giữa Nga - Ukraina vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Tính đến ngày 15/2/2023, giá lúa, gạo đã tăng 200 - 300 đồng/kg so với vụ hè thu; tăng 150 - 250 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2022.
Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 9.600-9.700 đồng/kg, gạo thành phẩm 10.600-10.700 đồng/kg, giá tấm ở mức 9.600 đồng/kg.
Hiện nay, các thương nhân xuất khẩu gạo đang chuẩn bị kho, phương tiện, thiết bị chế biến, nguồn vốn để tổ chức thu mua vụ đông xuân năm 2022/2023.
Ông Nguyễn Phúc Nam - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi tin tưởng, năm 2023 sẽ tiếp tục thuận lợi do giá gạo ngắn hạn vẫn ở mức tốt, cũng như nhu cầu dự trữ nhằm ứng phó các bất ổn trên thế giới.
Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu chưa bền vững, phụ thuộc vào một thị trường trọng điểm.
Trong nhiều năm, từ chỗ chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (luôn chiếm 50% tổng lượng xuất khẩu) thì nay chuyển sang phụ thuộc vào thị trường Philippines (chiếm 45%)
Xuất khẩu gạo Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Vì thế ông Nguyễn Phúc Nam đề nghị xuất khẩu gạo cần đa dạng hóa thị trường.
Đồng tình, ông Võ Công Thức, Giám đốc quản lý chất lượng của Tập đoàn Lộc Trời cho rằng xuất khẩu gạo cần có chiến lược riêng cho từng thị trường cụ thể. Bởi vì mỗi thị trường có các yêu cầu về tiêu chuẩn khác nhau.
"Nhất là với các thị trường tiềm năng, thị trường mới mở, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương", ông Thức đề nghị.
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA, cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất của xuất khẩu gạo năm 2022 là các doanh nghiệp gặp khó về tín dụng. Họ cần nguồn vốn lớn để thu mua và xuất khẩu nhưng khó vay vốn tín dụng.
"Vì thế, VFA đề nghị Bộ Công Thương có kiến nghị với ngân hàng nhà nước có chính sách làm sao cho ngân hàng hương mại hỗ trợ vốn tốt hơn cho doanh nghiệp", ông Nam đề nghị.
Cục Xuất Nhập khẩu dự báo hoạt động xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam được hỗ trợ bởi các yếu tố:
(i) ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt;
(ii) Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng;
(iii) Sự quay trở lại của các thị trường truyền thống như: Indonesia, Bangladesh;
(iv) Trung Quốc mở cửa thị trường sau dịch Covid-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo quay trở lại như các năm.
Cùng với đó, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, các nước đều có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam. Do vậy, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 khoảng 6,5 - 7 triệu tấn gạo.