Dân Việt

Mỗi thành phố hình thành bên một đòng sông, vậy thành phố trẻ Tân An của Long An soi bóng xuống con kênh nào?

Quế Lâm 22/02/2023 13:37 GMT+7
Mỗi thành phố đều được hình thành bên cạnh một dòng sông. Thành phố trẻ Tân An (tỉnh Long An) cũng vậy, kênh Bảo Định là một phần không thể thiếu trong cuộc sống người Tân An

Dòng kênh Bảo Định tồn tại hàng trăm năm như một sự hiển nhiên và công ơn người khai mở vẫn được giữ gìn, ghi nhớ.

Thành phố trẻ bên dòng kênh Bảo Định

Tân An là thành phố duy nhất của tỉnh. Với vị thế của mình, Tân An đang từng bước hoàn thiện, đặt mục tiêu phấn đấu trở thành đô thị loại I vào năm 2025.

Tân An những năm trở lại đây có nhiều đổi thay rõ nét. Cầu Tân An 4 vừa khánh thành giúp việc lưu thông qua thành phố được thuận tiện hơn. 

Công viên phường 2 xây dựng hoàn tất biến một khu vực lụp xụp trở thành điểm đến lý tưởng cho người dân ngày 2 buổi sáng, chiều. 

Nhiều tuyến đường được nâng cấp, những khu dân cư hiện đại lần lượt mọc lên. Dịch vụ, thương mại ngày càng phát triển. Tân An đang khẳng định vị thế của mình.

Mỗi thành phố hình thành bên một đòng sông, vậy thành phố trẻ Tân An của Long An soi bóng xuống con kênh nào? - Ảnh 1.

Đường Nguyễn Cửu Vân chạy dọc theo bờ kênh Bảo Định như một lời tri ân, tôn vinh về bậc tiền nhân có công gầy dựng nên vùng đất Vũng Gù đông đúc để về sau trở thành TP Tân An (tỉnh Long An) như hiện nay. Ảnh: Ngọc Thạch


Cũng như bao nhiêu thành phố khác, Tân An hình thành và phát triển bên cạnh những dòng sông. Ngoài việc nằm bên cạnh dòng Vàm Cỏ Tây, Tân An còn “ấp ôm” trong lòng thành phố một dòng chảy khác - kênh Bảo Định. 

Dọc theo tuyến kênh Bảo Định là con đường dài mang tên Nguyễn Cửu Vân. Không phải ngẫu nhiên mà đường Nguyễn Cửu Vân lại nằm dọc theo bờ kênh Bảo Định. Đó là sự ghi nhớ công lao to lớn của thế hệ sau dành cho người mở đất, đặt nền tảng cho sự phát triển sau này của vùng đất thủ phủ của Long An ngày nay.

Người khai kênh, tạo nên thành phố

Theo sách sử ghi chép lại, Nguyễn Cửu Vân chính là vị quan có công khai mở dòng kênh Bảo Định, giúp việc thông thương đi lại từ Vàm Cỏ Tây tới Tiền Giang được thuận lợi hơn. 

Trên dòng kênh đó có đoạn giáp nước, lênh đênh lơ lửng, nước không thể chảy mạnh, thuận tiện cho thuyền, ghe khách thương hồ nghỉ lại. Dựa trên lợi thế đó, khu vực Vũng Gù (Tân An xưa) dần phát triển.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Quốc, tỉnh ta có một số điểm giáp nước nổi tiếng, trở nên sầm uất, đến ngày nay vẫn còn lưu dấu, đó là: Chợ Thủ Thừa (nơi giáp nước trên kênh Thủ Thừa), chợ Kinh Nước Mặn (nơi giáp nước Kinh Nước Mặn với sông Rạch Cát), Vũng Gù (nơi giáp nước kênh Bảo Định với sông Vàm Cỏ Tây),...

Theo nghiên cứu của tác giả Bách Nhân, Nguyễn Cửu Vân là con của quan Chưởng Doanh - Nguyễn Cửu Dực (làm quan dưới triều Nguyễn, sau khi ông mất được tặng phong chức Trấn phủ). 

Trong Danh tướng Nguyễn Cửu Vân: Gia thế và sự nghiệp có ghi: “Ông (Nguyễn Cửu Vân) là vị tướng lừng danh ở đất Gia Định xưa, thoạt đầu làm Chánh Thống Cai Cơ rồi đến năm 1711 được Chúa Nguyễn Phúc Chu thăng làm Phó Tướng Dinh Trấn Biên, lĩnh trọng trách trông giữ bờ cõi phía Nam và do lập nhiều chiến công nên ông được phong tước Hầu, tục thường gọi là Chính Thống Vân Trường Hầu”.

Gia Định thành thông chí chép rằng, năm 1705, Chính Thống Vân Trường Hầu đi đánh Cao Miên, để ngăn quân địch quấy rối, ông cho đắp lũy, đào chỗ đầu cùng của hai khúc rạch Vũng Gù và Mỹ Tho cho thông nhau. 

Sau, ông lại cho đào sâu thêm thành đường ghe, thuyền đi lại. Trong Tân An xưa có ghi: “Sông Bảo Định hà nối liền Vàm Cỏ Tây qua Tiền Giang tại tỉnh lị Mỹ Tho. Thời xưa, sông này là 2 khúc rạch nhỏ nhờ Vân Trường Hầu là Nguyễn Cửu Vân nối liền cả hai làm một, thông thương từ Vũng Gù qua sông Mỹ Tho. 

Đến năm 1819, vua sai đào thêm và nới rộng, đặt tên là Bảo Định hà, ghe, tàu đi lại thuận tiện từ Tân An qua Mỹ Tho và các tỉnh miền Hậu Giang”.

Kênh Bảo Định được hình thành, thời điểm đó được khen là lợi lớn cho mọi người vì không chỉ giữ vị trí thông thương quan trọng giữa Gia Định với các tỉnh miền Tây mà còn có ý nghĩa về mặt quân sự khi mục đích ban đầu lúc đào kênh chính là “làm hào ngăn ở ngoài cho chắc việc phòng bị”. 

Vân Trường Hầu - Nguyễn Cửu Vân sau này không rõ ngày mất, nhưng công lao của ông luôn được đời sau ghi nhớ. Đường Nguyễn Cửu Vân chạy dọc theo bờ kênh Bảo Định như một lời tri ân về bậc tiền nhân có công gầy dựng nên vùng đất Vũng Gù đông đúc để về sau trở thành TP.Tân An như hiện nay.

Dòng Bảo Định vẫn cứ lững lờ trôi, nhịp sống của thành phố cứ đều đặn diễn ra. Người dân Tân An mỗi chiều về lại thư thả ngồi ngắm dòng kênh trôi lặng lẽ. TP.Tân An đang lớn dần bên dòng sông Bảo Định.