Dân Việt

Nông dân có sức khỏe phi thường ở Hưng Yên, làm tướng nhà Trần đánh giặc Nguyên-Mông, ông là ai?

Nguyễn Huy Khuyến 24/02/2023 05:07 GMT+7
Đến nay thì câu chuyện về tướng quân Phạm Ngũ Lão vẫn được người dân làng Phù Ủng (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) kể lại như một tích chuyện kỳ lạ về một vị tướng anh hùng có lòng yêu nước dưới trướng Trần Hưng Đạo, căm thù giặc Nguyên Mông sâu sắc, có sức khỏe phi thường, gan dạ.

Đền Phù Ủng ở tại làng Phù Ủng (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) là đền thờ danh tướng đời Trần tướng quân Phạm Ngũ Lão. 

Toàn khu di tích được xây dựng vào thế kỷ XIV và được trùng tu vào thời Nguyễn. Khu chính thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão danh tướng đời Trần, bên tả thờ cha và bên hữu thờ mẹ. Khu trong là nơi thờ Tĩnh Tuệ công chúa và Lăng Vũ Hồng Lương.

Đền thờ chính được khắc 4 chữ Hán đại tự là “Đông A điện soái” tức là điện thờ tướng nhà Trần, bởi chữ “Đông” kết hợp với chữ “A” thành chữ Trần. Khu đền thờ có nhiều cây cổ thụ tạo nên vẻ trầm mặc u tịch khi vắng khách viếng thăm.

Phạm Ngũ Lão sinh ra lớn lên tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Phủ Thượng Hồng (nay là xã Phù Ủng, huyện Ân Thi) từ nhỏ ông đã bộc lộ  chí khí phi thường, tính tình cương trực. 

Đến nay thì câu chuyện về tướng quân Phạm Ngũ Lão vẫn được người dân kể lại như một tích chuyện kỳ lạ về một vị tướng anh hùng có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, có sức khỏe phi thường, gan dạ.

Nông dân có sức khỏe phi thường ở Hưng Yên, làm tướng nhà Trần đánh giặc Nguyên-Mông, ông là ai? - Ảnh 2.

Khai hội đền Phù Ủng, làng Phù Ủng (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Ngôi đền cổ thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão, con rể của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, một anh hùng có công lớn trong đánh thắng giặc Nguyên Mông thời nhà Trần...

Tương truyền năm ông 13 tuổi, trong làng có người đỗ đạt làm quan, mở tiệc thiết đãi dân làng, cả làng kéo đến tham dự chỉ có  ông là không. 

Người mẹ hỏi sao con không đến, ông đáp rằng chí làm trai phải làm lên công danh sự nghiệp vẻ vang cho xóm làng, còn mình chưa làm  được gì nên cảm thấy hổ thẹn với lòng. 

Hằng ngày Phạm Ngũ Lão vẫn ngồi bên đường chẻ tre, vót nan, đan sọt. Một hôm Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp (Chí Linh) lên kinh đô Thăng Long. 

Quân sĩ hộ vệ Trần Hưng Đạo đi trước dẹp đường, thấy Phạm Ngũ Lão, quát đuổi ông vẫn cứ ngồi yên thanh thản đan vót như không nghe thấy gì, quân lính lấy giáo đâm vào đùi, máu chảy đầm đìa, ông vẫn không nhúc nhích. 

Trần Hưng Đạo thấy làm lạ bèn tiến đến hỏi đầu đuôi sự việc. Khi biết chuyện Phạm Ngũ Lão vì mải nghĩ việc nước mà quên cả nỗi đau thân xác, Hưng Đạo Vượng nhận thấy đây là một nhân tài của đất nước, bèn triệu hồi trọng dụng. 

Với tài năng bẩm sinh cùng với sự rèn cặp của Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão mau chóng  trở thành một vị tướng xuất sắc đã 2 lần góp công đánh tan giặc xâm lược Nguyên – Mông.

Nông dân có sức khỏe phi thường ở Hưng Yên, làm tướng nhà Trần đánh giặc Nguyên-Mông, ông là ai? - Ảnh 4.

Lễ hội đền Phù Ủng diễn ra trong khuôn viên khu di tích thờ Tướng quân Phạm Ngũ Lão khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN

Với những công lao mà Phạm Ngũ Lão đã lập được và để tưởng nhớ đến một vị tướng tài danh là người con của quê hương, dân làng Phù Ủng đã lập đền thờ Phạm Ngũ Lão ngay trên nền đất cũ của nhà ông.

Ngôi đền thờ Phạm Ngũ Lão hay đền Phù Ủng mà nhân dân đã quen gọi như để nhớ về một người con của quê hương, góp phần làm rạng danh mảnh đất địa linh nhân kiệt.

Hằng năm để tưởng nhớ công ơn của Phạm Ngũ Lão, nhân dân đã tổ chức khai hội truyền thống đền Phù Ủng từ ngày 11 đến ngày 13 tháng Giêng (âm lịch), tương truyền là ngày Phạm Ngũ Lão ra quân đánh giặc Nguyên-Mông thời nhà Trần.

Hằng ngày, mặc dù không phải là ngày lễ chính của đền Phù Ủng, nhưng ngôi đền cổ vẫn được nhân dân khắp nơi tới chiêm bái tham quan và dâng hương bày tỏ lòng biết ơn và  cầu mong cho gia đình được bình an khang thái. 

Ngoài việc tham quan đền chính thờ Phạm Ngũ Lão, nhân dân còn tham quan các đền thờ cha và thờ mẹ đều thuộc khu di tích đền Phù Ủng.