Dân Việt

Đây là hai giống cá tầm từ Nga và Siberi đang nuôi sinh sản có triển vọng ở Lâm Đồng

Quỳnh Uyên 24/02/2023 13:18 GMT+7
3 năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng tiến hành Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii Brandt, 1833) và cá tầm Siberi (Acipenser baerii Brandt, 1869) tại Lâm Đồng” tại trang trại cá tầm do Công ty TNHH Đà Lạt Caviar phối hợp thực hiện đã mang lại kết quả tích cực.

Với khí hậu ôn hòa, nguồn suối chảy, thác nước trong lành, những năm gần đây, Lâm Đồng đã trở thành vùng nuôi cá nước lạnh lớn của cả nước. 

Đặc biệt, 2 huyện Lạc Dương và huyện Đam Rông của tỉnh Lâm Đồng là nơi nuôi cá tầm quy mô lớn. Nhưng đa số nguồn giống được nhập khẩu từ nước ngoài, không chủ động được khâu sản xuất đã ảnh hưởng lớn đến năng suất.

Đây là hai giống cá tầm từ Nga và Siberi đang nuôi sinh sản có triển vọng ở Lâm Đồng - Ảnh 1.

Dự án sản xuất giống cá tầm Nga. cá tầm Siberi góp phần chủ động nguồn giống phát triển nghề nuôi cá tầm bền vững ở Lâm Đồng.

3 năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng tiến hành Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii Brandt, 1833) và cá tầm Siberi (Acipenser baerii Brandt, 1869) tại Lâm Đồng” tại trang trại cá tầm do Công ty TNHH Đà Lạt Caviar (Tiểu khu 42, xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương) phối hợp thực hiện đã mang lại kết quả tích cực. 

Qua dự án khẳng định được vai trò của ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, phát triển nghề nuôi cá tầm tại tỉnh Lâm Đồng.

Với mục tiêu ứng dụng thành công công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá tầm Nga và cá tầm Siberi để hạn chế nhập khẩu, tiến tới chủ động hoàn toàn nguồn cung cấp con giống trong nước, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã tiến hành các kỹ thuật nhân giống, sản xuất giống nhân tạo: Nuôi cá bố mẹ, lựa chọn cá bố mẹ khỏe mạnh đã thành thục, thu tinh trùng và trứng, thụ tinh cho trứng, nuôi ấu trùng, ương nuôi cá giống…

Kết quả, cá tầm Nga đạt số lượng 837 con, tỷ lệ thành thục trên 50%, tỷ lệ đẻ trên 60%, tỷ lệ thụ tinh 72,2%, tỷ lệ nở 81,6%. Số lượng cá bột khỏe mạnh đạt tiêu chuẩn ương giống 552.394 con (vượt 10,5% kế hoạch). Cá tầm Siberi đạt số lượng 835 con, tỷ lệ thành thục tích lũy trên 50%, tỷ lệ đẻ trên 60%, tỷ lệ thụ tinh 71,9%, tỷ lệ nở 81,7%. Số lượng cá bột khỏe mạnh đạt tiêu chuẩn ương giống 532.136 con (vượt 6,4% kế hoạch).

Bên cạnh xây dựng mô hình sinh sản nhân tạo, dự án đã xây dựng thành công 6 mô hình công nghệ ương giống cá tầm Nga và cá tầm Siberi tại Công ty TNHH Đà Lạt Caviar và 5 đơn vị tiếp nhận, ứng dụng công nghệ tại Lâm Đồng. 

Kết quả cụ thể tại đơn vị chủ trì, tổng số con giống cá tầm Nga và cá tầm Siberi đạt 281.781 con và 271.432 con, vượt lần lượt 2,82 và 2,71 lần kế hoạch. Tỷ lệ sống đạt 60,3% và 60,2% (cao hơn so với mục tiêu 60%). 

Về phía các đơn vị phối hợp, tổng số con giống cá tầm Nga và Siberi đạt 54.015 con và 53.887 con, vượt lần lượt là 8,0% và 7,8% kế hoạch. Tỷ lệ sống đạt 63,3% và 63,5% (cao hơn so với mục tiêu 60%).

Các cơ sở xây dựng mô hình sau khi được tiếp nhận công nghệ sinh sản nhân tạo và ương giống cá tầm Nga và cá tầm Siberi đã ứng dụng thành công công nghệ được chuyển giao vào thực tiễn sản xuất và làm chủ quy trình công nghệ. 

Các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt cao hơn, nhất là số lượng con giống sản xuất, so với yêu cầu dự án đặt ra. Điều đó cho thấy chất lượng của công nghệ sản xuất giống nhân tạo (gồm sinh sản nhân tạo và ương giống) cá tầm Nga và cá tầm Siberi được chuyển giao và tiếp nhận trong dự án phù hợp với thực tế sản xuất, có khả năng ứng dụng, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh ở các quy mô, mùa vụ khác nhau.

Bên cạnh việc tổ chức chuyển giao và tiếp nhận thành công đầy đủ toàn bộ 4 quy trình công nghệ sinh sản nhân tạo và ương giống 2 loài cá tầm Nga và cá tầm Siberi, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã chuyển giao công nghệ, thực hiện hướng dẫn lý thuyết, đào tạo kỹ thuật thực hành cho 10 kỹ thuật viên (5 cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Đà Lạt Caviar và 5 kỹ thuật viên của 5 đơn vị ứng dụng) cũng như chuyển giao công nghệ sinh sản nhân tạo và ương giống cá tầm Nga và cá tầm Siberi. 

Dự án cũng tập huấn cho 200 lượt nông dân của 2 huyện Đam Rông và Lạc Dương nắm được những kiến thức lý thuyết và thực hành cơ bản về công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá tầm, tham quan mô hình và định hướng phát triển nuôi cá tầm trong tương lai.

Thạc sĩ Đỗ Minh Ngọc - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng nuôi cá tầm lớn, tuy nhiên, số lượng cơ sở sản xuất giống có khả năng chủ động nguồn cung con giống (cá bột, cá hương, cá giống) đáp ứng nhu cầu nuôi ở nước ta là rất hạn chế do khó khăn về mặt kỹ thuật, nhân lực và cơ sở vật chất. 

Thông qua dự án, các quy trình công nghệ được hỗ trợ, ứng dụng tại các doanh nghiệp ương giống và nuôi thương phẩm cá tầm. Điều này giúp chủ động nguồn con giống tại chỗ thay vì nguồn nhập khẩu vốn bị động và chất lượng không ổn định.

Dự án thuộc Chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn từ 2016 đến 2025”. 

Việc triển khai mô hình, các quy trình, nhân rộng đại trà kết quả dự án sẽ góp phần giúp hạ giá thành sản xuất, nâng cao năng suất và đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất cá tầm thương phẩm; thúc đẩy nghề nuôi cá tầm phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, xây dựng thương hiệu cá nước lạnh trở thành sản phẩm thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng.