Đang băn khoăn với những suy nghĩ xôn xao, chợt ngỡ ngàng khi nhìn thấy bông hoa dẻ năm cánh khô gầy được ép vào trang giấy. Từ trong ký ức, một làn hương mơ hồ thoang thoảng, dịu dàng như lan tỏa đâu đây. Mùi thơm đặc biệt gợi nhớ cho bản thân biết bao hồi ức về những ngày tháng thời còn thơ ấu ở quê nhà.
Trong hoài niệm của tôi, dẻ vốn là loài cây khiêm nhường với vẻ ngoài khẳng khiu quen sống lẫn vào trong những khóm cây dại. Cây hoa dẻ rất dễ sống, không cần tốn quá nhiều công chăm sóc. Cha tôi, khi còn sinh thời, rất yêu hoa dẻ, thường tỉ tê khuyên nhủ chị em tôi: "Các con ạ! Làm người phải như cây hoa dẻ khiêm nhường mà mạnh mẽ, không cần dựa vào sự chăm sóc, nâng đỡ của bất kỳ ai mà vẫn tỏa hương thơm ngát".
Cây hoa dẻ, quả như lời cha tôi nói, là một loại cây nhẫn nại đến kỳ lạ. Không phô trương vẻ ngoài mạnh mẽ như tùng bách, chẳng non tơ dịu dàng như liễu xanh, cây hoa dẻ cứ cần mẫn hút từ đất, chắt chiu từ ngọn gió, đón nhận bao nhiêu tinh túy của vũ trụ, giấu vào trong từng thớ thịt, ủ cho những nụ hoa để rồi trong một sớm mai mùa xuân khẽ khàng bừng nở, tỏa hương dịu dàng.
Hoa dẻ còn có một tên gọi khác là hoa trập trội. Thời còn bé thơ, tôi thường nghe mọi người trong làng gọi loài hoa này với cái tên dễ thương ấy. Còn tên gọi hoa dẻ, mãi cho đến khi học bài thơ Chùm hoa dẻ của nhà thơ Xuân Hoài chúng tôi mới được cô giáo giảng rõ cho tên gọi mới. Bài thơ những năm tháng còn thơ ấy, đến giờ tôi vẫn thuộc lòng mấy đoạn nhỏ: "Bờ cây chen chúc lá/ Chùm dẻ treo nơi nào/ Gió về đưa hương lạ/Cứ thơm hoài xôn xao/ Bạn trai vin cành hái/ Bạn gái lượm đầy tay/ Bạn trai túi áo đầy/ Bạn gái cài sau nón…".
Thi thoảng, trong những chiều ngồi an tĩnh, nhìn bóng cây khẳng khiu nép mình trong gió, tôi vẫn thường tự hỏi: Nếu không có những bông hoa cánh dài rủ xuống mong manh, xoăn nhẹ thì liệu có ai chú ý đến sự tồn tại của loài cây ấy trên đời? Những bông hoa với vẻ ngoài như những chiếc đèn lồng nhỏ xinh, toả hương thơm ngan ngát, khiến cây dẻ trở nên đặc biệt vô cùng. Những bông hoa khi mới nảy mầm thì e ấp xanh, khi đã chắt chiu đủ gió sương sẽ chuyển mình sang màu nắng. Thoáng nhìn sắc màu có vẻ giản dị nhưng nhìn kỹ ta lại thấy đây là nét chấm phá duyên dáng, tinh tế mà tạo hoá dành tặng cho loài cây này.
Khi màn đêm còn níu giữ những giấc ngủ trẻ thơ thì hương hoa dẻ bằng một cách âm thầm, đã tràn vào từng ngóc ngách của thôn xóm, len lõi vào tận từng ngôi nhà vào giấc mơ của bọn trẻ. Tôi nhớ như in những bình minh chợt thức giấc trong căn phòng như được ướp một mùi hương đặc trưng của hoa dẻ quyện với nắng đầu mùa, gió dịu dàng và nắng vàng óng ánh.
Lại miên man nhớ những câu chuyện thời còn bé thơ, mẹ hay kể về hoa dẻ bằng chất giọng trầm buồn, rằng loài hoa ấy vốn là biểu trưng cho tình yêu thuần khiết của một cô gái chốn thôn đã dành cho chàng trai con nhà vương giả. Những định kiến hà khắc của gia đình khiến họ xa nhau. Cô gái vì sự tiếc nuối đã hóa thân thành loài hoa dại phảng phất hương thơm kỳ lạ khiến biết bao người phải vương vấn mùi hương.
Mỗi mùa hoa dẻ, chúng tôi lại được mẹ pha cho những chậu nước thơm phức từ hoa để tắm và gội đầu. Hương hoa dẻ thuần khiết cứ thế thoảng cả ngày trên mái tóc xác xơ vì nắng của bọn trẻ con, gội sạch đi biết bao bụi bẩn và mỏi mệt. Người lớn như cha mẹ tôi cũng rất thích hoa dẻ. Cũng bởi, hoa dẻ không chỉ thơm mà còn khiến tinh thần mọi người trở nên thoải mái, nhẹ nhàng trước cuộc mưu sinh vất vả.
Thi thoảng, những lúc nhàn rỗi trên đường đi học, bọn học trò chúng tôi cứ lần theo hương thơm đi ngược lên phía triền đồi và bắt gặp cả một khóm hoa dẻ màu vàng đang chín rộ. Chúng tôi thường hái những bông chín vàng bỏ vào trong cặp sách. Mùi hương ngào ngạt cứ thế đi theo bọn học trò tới lớp.
Đó cũng là lí do mà mùa hoa dẻ năm nào, lớp học cũng đã trở thành một rừng hoa dẻ thơm lừng. Bọn con gái mơ mộng như chúng tôi còn tranh thủ cài những bông hoa lên mái tóc, khiến cho áo quần tóc tai đều ướp đẫm một mùi thơm ngào ngạt. Những lúc cao hứng, chúng tôi còn đặt cho loài hoa dẻ một cái tên rất mơ mộng đó là hoa học trò. Cũng bởi, chỉ có học trò mới thấu hiểu và ghi dấu biết bao ký ức đẹp đẽ về loài hoa này.
Thi thoảng, dọn dẹp lại những kỷ niệm cũ, tôi hay bắt gặp những bông hoa dẻ ép khô. Sực nhớ, trong từng trang vở của bọn con gái ngày ấy đều có ép bông hoa dẻ. Cánh hoa tươi ban đầu khi ép sẽ có màu vàng, thoang thoảng hương thơm. Lâu dần, sau vài ngày những cánh hoa khô chuyển dần sang màu xỉn và mất hết mùi thơm. Nhưng không vì lẽ đó mà những bông hoa khô không được trân trọng. Nhiều năm sau, khi đã là một người phụ nữ trung niên, tóc bạc quá nửa mái đầu, tôi vẫn rưng rưng xúc động khi bắt gặp những hồi ức cũ. Đó là kỷ niệm ngày hôm qua, đánh dấu những tháng năm vô tư bên mái trường thân yêu. Thậm chí, có những đêm đang ngủ nơi phố thị ồn ã, bỗng choàng tỉnh dậy nghe hương hoa dẻ nồng nàn, tôi bất giác nắm chặt bàn tay lại, như thể sợ rằng cứ buông tay ra là mùi hương bay đi mất.
Dẫu rằng phố thị bây giờ cũng thoang thoảng hương dẻ. Người ta vì yêu quý ương hoa cũng ra sức chăm bẵm hoa dẻ trong những mảnh đất nhỏ hoặc chậu cảnh bé xíu. Dẫu được trồng theo kiểu "thành thị" nhưng hoa dẻ chẳng phụ ơn người, cứ xanh mướt tỏa hương thơm ngát. Những chùm xanh non lẫn vàng sẫm ấy thi thoảng lại khiến người xa quê ngơ ngác giữa phố thị tấp nập.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.