Hôm 24/2, các quốc gia thành viên EU đã thông qua vòng trừng phạt thứ mười chống Nga do chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine. Các biện pháp trừng phạt mới nhất bao gồm hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với các mặt hàng lưỡng dụng và công nghệ cao, cũng như "các biện pháp chống lại thông tin sai lệch của Nga", theo một thông báo của Chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Âu.
Khối cũng đồng ý áp đặt các hạn chế mới đối với các cá nhân và tổ chức được cho là đang hỗ trợ hoạt động quân sự, "tuyên truyền hoặc vận chuyển máy bay không người lái do Nga sử dụng" ở Ukraine.
"EU luôn đoàn kết với Ukraine và người dân Ukraine. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến chừng nào còn có thể", tuyên bố cho biết.
Tuyên bố này lặp lại cụm từ "chừng nào còn có thể" được Tổng thống Joe Biden và các quan chức Mỹ khác sử dụng trong những ngày gần đây để nhắc lại sự ủng hộ của Washington đối với Ukraine. Và cũng như các nhà lãnh đạo Mỹ, EU không xác định cụ thể mục tiêu phải đạt được trong thời gian bao lâu.
Mỹ, Anh, Úc và New Zealand đã công bố các biện pháp trừng phạt chống Nga mới vào đầu ngày 24/2. Các thành viên EU được cho là đã thảo luận trong ngày thứ ba liên tiếp để đạt được thỏa thuận về các biện pháp mới, một phần là do sự bế tắc giữa Ba Lan và Ý về những hạn chế mới đối với nhập khẩu cao su.
Bất chấp việc các nhà lãnh đạo phương Tây nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt này "đang hoạt động", nền kinh tế Nga chỉ giảm 2,1% vào năm ngoái, ít nghiêm trọng hơn nhiều so với mức 11,2% mà Ngân hàng Thế giới dự đoán vào tháng 4/2022. Với doanh thu từ năng lượng cao hơn so với trước khi xung đột bắt đầu, nền kinh tế của Nga được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với Vương quốc Anh trong năm nay.
Hôm 21/2, Tổng thống Vladimir Putin cho biết các biện pháp trừng phạt nhằm gây đau khổ cho người dân Nga đã phản tác dụng. "Phương Tây đã tính toán sai, nền kinh tế Nga tỏ ra mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì họ mong đợi", ông nói trong bài phát biểu thường niên trước các nhà lập pháp của đất nước.