Dân Việt

Vụ đề nghị truy tố cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh: Bất ngờ quy trình 93 bước thực hiện hành vi vi phạm

Bách Thuận - Gia Bình 25/02/2023 19:14 GMT+7
Trong vụ án mà Vũ Liên Oanh – cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", bị can này bị cáo buộc là chủ mưu, cầm đầu.

"Bà trùm" giao cấp dưới thực hiện hành vi vi phạm theo quy trình 93 bước

Như Dân Việt đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố 15 bị can về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Khoản 3, Điều 222, Bộ Luật Hình sự năm 2015. Vụ việc nghiêm trọng này xảy ra tại Sở GD&ĐT Quảng Ninh và các đơn vị liên quan.

Cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh Vũ Liên Oanh là 1 trong số 15 bị can, bị khởi tố tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Bà Oanh bị cáo buộc chủ mưu, cầm đầu cùng với Hoàng Thị Thúy Nga – Chủ tịch Hội đồng sáng lập NSJ Group trong vụ việc khiến Nhà nước thiệt hại hơn 80 tỷ đồng.

Như Dân Việt thông tin, ở dự án đầu tư thiết bị, đồ dùng, đồ chơi vận động thông minh cho một số trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2016 (gói thầu mua sắm số 2, mua sắm, lắp đặt bộ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi vận động thông minh cho các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2016, giá gói thầu hơn 58 tỷ đồng), bà Nga đã trực tiếp hoặc giao cho nhân viên liên hệ nhờ một số công ty có mối quan hệ với Nga làm "quân xanh" tham dự đấu thầu cho đủ thành phần và sẽ bị loại khi chấm thầu.

Vụ bắt cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh: Bất ngờ với quy trình 93 bước - Ảnh 1.

Cựu Giám đốc Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh bị cáo buộc chủ mưu, cầm đầu cùng Hoàng Thị Thúy Nga trong vụ án liên quan vi phạm đấu thầu. Ảnh: QN

Nhân viên Ban quan hệ khách hàng đã sử dụng giấy giới thiệu của các công ty "quân xanh" để mua hồ sơ mời thầu và tiến hành lập, nộp hồ sơ dự thầu của "quân xanh" cho chủ đầu tư (hành vi bị cấm".

Để thực hiện hành vi phạm tội, Nga đã phân công, chỉ đạo toàn bộ các Phòng, Ban nhân viên cấp dưới thực hiện hành vi vi phạm theo quy trình 93 bước và giao cho Trần Thị Thanh Xuân, Trần Ngọc Thắng, Giám đốc Công ty MQF phụ trách khối giáo dục thực hiện và chỉ đạo toàn bộ mảng công việc liên quan đến thiết bị giáo dục từ khâu lập dự án, tính toán giá sản phẩm, lập hồ sơ dự thầu, đấu thầu.

Cụ thể, Ban quan hệ khách hàng, Công ty NSJ có văn phòng đại diện tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh) do Nga trực tiếp phụ trách. Các nhân viên gồm Hoàng Ngọc Hồng Phúc, Nguyễn Viết Hồng (2016, 2017); Lê Long Hải - Giám đốc, Lê Đại Tấn (năm 2018, 2019).

Ban này có nhiệm vụ gặp gỡ, tiếp xúc và là đầu mối liên hệ với chủ đầu tư để tìm hiểu các thông tin về nhu cầu, kế hoạch, chủ trương đầu tư và nguồn vốn ngân sách của tỉnh đối với lĩnh vực giáo dục trong từng năm sau đó báo cho Nga biết để Nga liên hệ, thống nhất với Vũ Liên Oanh trong việc lập dự án, phê duyệt dự án và thực hiện các thủ tục đấu thầu để Công ty NSJ trúng thầu, bán được các sản phẩm thiết bị giáo dục cho Sở như đúng danh mục, thông số kỹ thuật, giá bán của Công ty NSJ.

Vụ bắt cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh: Bất ngờ với quy trình 93 bước - Ảnh 2.

Vũ Liên Oanh (trái) và bị can Ngô Vui thời điểm bị Bộ Công an khởi tố. Ảnh: BCA

Quá trình thực hiện dự án, để hợp thức hóa các thiết bị đã được nâng khống và đưa vào dự án, lập tổng mức dự toán, Ban quan hệ khách hàng phối hợp với Phòng sản phẩm lập, xin xác nhận các báo giá khống cung cấp cho chủ đầu tư trình các đơn vị liên quan.

Do các gói thầu mua sắm được tổ chức đấu thầu theo hình thức đấu thầu trực tiếp, rộng rãi không qua mạng nên Ban quan hệ khách hàng phối hợp cùng Phòng dự án liên hệ, sử dụng giấy giới thiệu được ký khống của các công ty "quân xanh" mua hồ sơ mời thầu, đảm bảo đủ số lượng.

Hàng nhập khẩu thông thường giá bán được nhân với 3

Với Phòng sản phẩm Công ty MQF, từ năm 2016 đến hết tháng 3/2019 do Trần Thị Thanh Xuân làm Tổng Giám đốc phụ trách; từ tháng 4/2019 do Trần Ngọc Thắng phụ trách; Nguyễn Vũ Bảo Quốc làm Trưởng phòng, cùng các nhân viên Nguyễn Thị Diệu Linh, Hoàng Công Tám… được giao nhiệm vụ tìm hiểu mô hình giáo dục tại các nước tiên tiến, nghiên cứu phát triển các sản phẩm đồ chơi, thiết bị công nghệ về giáo dục có thể áp dụng vào Việt Nam.

Theo chỉ đạo của Nga, Xuân đã hướng dẫn cho Quốc và nhân viên cấp dưới cách tính giá sản phẩm khi bán vào các gói thầu cho khách hàng.

Đối với thiết bị giáo dục là hàng nhập khẩu thông thường (hàng không có tính chuyên môn đặc biệt cao như đồ chơi, đồ dùng học liệu…) được tính giá bán tham khảo của hãng cung cấp ban đầu nhân với 3.

Đối với hàng nhập khẩu là các thiết bị điện tử chuyên dụng (màn hình cảm ứng) được tính lấy giá báo tham khảo của hãng cung cấp ban đầu nhân với 2,5. Đối với hàng trong nước thông thường (đồ dùng nội thất) được tính lấy giá báo tham khảo của các nhà cung cấp tại Việt Nam nhân với 1,4.

Đối với hàng trong nước chuyên dụng (máy tính, máy tính bảng), giá bán dự kiến cao không quá 20% giá tham khảo của các nhà cung cấp trong nước.

Ngoài ra, Phòng sản phẩm phối hợp với Ban Tài chính để lập bảng hiệu quả dự án tính toán chi phí, lợi nhuận, báo cáo cho Nga biết, làm căn cứ để Nga quyết định giá tham dự thầu của các công ty NSJ, Toàn Thịnh, Tràng An.

Vụ bắt cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh: Bất ngờ với quy trình 93 bước - Ảnh 3.

Theo chỉ đạo của Nga (ảnh), cấp dưới đã tính giá bán vào các gói thầu cho khách hàng theo kiểu hàng nhập khẩu thông thường thì giá hãng cung cấp tham khảo nhân với 3, hàng là các thiết bị chuyên dụng thì giá hãng cung cấp tham khảo nhân với 2,5. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Theo chỉ đạo của Nga và Xuân, Phòng sản phẩm còn lập khống các bảng báo giá có mức giá khác nhau nhưng mức giá thấp nhất của các thiết bị phải bằng với giá bán dự kiến của Công ty NSJ, sau đó liên hệ các Công ty có mối quan hệ thân quen nhờ ký, đóng dấu hợp thức rồi cung cấp cho Ban quan hệ khách hàng để chuyển cho chủ đầu tư.

Với Phòng dự án Công ty MQF, từ năm 2016 đến hết tháng 3/2019 do Trần Thị Thanh Xuân – Tổng Giám đốc phụ trách; từ tháng 4/2019 do Trần Ngọc Thắng phụ trách, Nguyễn Thanh Lương làm Trưởng phòng từ năm 2016 đến 2018; Phạm Việt Anh làm Trưởng phòng từ năm 2018 đến 2020 cùng các nhân viên Hoàng Thị Minh Tâm, Hoàng Diễm Hương, Bùi Diệp Anh…

Bị can Xuân đã chỉ đạo Phúc, Lương, Anh và Tâm cùng Ban quan hệ khách hàng phối hợp cùng Ngô Vui - Trưởng phòng KH-TC Sở GD&ĐT Quảng Ninh, Hà Huy Long – Phó Trưởng phòng KH-TC thực hiện lập 6 dự án, sau đó dùng pháp nhân Công ty Vnnew ký hợp thức.

Do tất cả 6 gói thầu đều được tổ chức bằng hình thức đấu thầu rộng rãi, nộp hồ sơ dự thầu bằng hồ sơ giấy nên Nga chỉ đạo Phòng dự án lập hồ sợ dự thầu 1 "quân chính" (Công ty NSJ hoặc liên danh NSJ – Toàn Thịnh; liên danh Toàn Thịnh – Tràng An) và đồng thời lập thêm 2, 3 hồ sơ công ty "quân xanh" để cùng dự thầu.

Đối với hồ sơ "quân xanh", nhân viên Phòng dự án liên hệ lấy hồ sơ năng lực về tài chính, pháp lý các công ty có mối quan hệ với Nga để lập hồ sơ dự thầu theo các tiêu chí nhưng cố tình đưa vào các tiêu chí về kỹ thuật, năng lực kinh nghiệm, hồ sơ tài chính không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Lập xong hồ sơ, các nhân viên của Nga chuyển cho giám đốc của các công ty "quân xanh" ký đóng dấu hoàn tất thủ tục, ký đóng dấu sẵn giấy giới thiệu để Phòng dự án của Công ty NSJ cử người đi nộp hồ sơ.

Theo cơ quan điều tra, trươc skhi thực hiện việc đấu thầu các gói thầu, Nga chỉ đạo Ban tài chính, Phòng dự án, Phòng sản phẩm lập bảng hiệu qủa dự án. Theo đó, sau khi trừ các chi phí, tỷ lệ giữa giá trị vốn và doanh thu phải đạt được lợi nhuận từ 46 đến 48%...

Các ban còn lại như Ban hàng hóa, Ban Tài chính, Phòng kỹ thuật theo chức năng, nhiệm vụ sẽ được phân công công việc cụ thể.