Dân Việt

Những loại lá tưởng không ăn được nay lên đời thành đặc sản ở Tây Ninh

P.V 25/02/2023 19:27 GMT+7
Lá cóc, sao nhái, quế vị, lá bằng lăng, lá cách,... đều đã xuất hiện tại các nhà hàng đặc sản của tỉnh Tây Ninh như những loại rau rừng mà du khách nhất định phải thử khi đến vùng đất này.

Các loại rau rừng Tây Ninh được yêu thích bởi hương vị dân dã, do thiên nhiên nuôi dưỡng mà thành. Rau rừng thường được ăn kèm với bánh xèo, bánh khọt hoặc nấu canh, nêm nếm trong các món ăn khác nhau. Dưới đây là những loại lá, loại rau đang rất được chế biến thành nhiều món đặc sản ở Tây Ninh.

Đặc sản rau rừng Tây Ninh: Lá cóc

Lá cóc mọc khắp nơi ở Tây Ninh, được người dân hái về chế biến thành món ăn. Lá cóc hái xuống khi còn xanh sẽ có vị thơm, bùi đặc trưng, bên trong còn chứa rất nhiều Vitamin C tốt cho sức khỏe. Thế nên, lá cóc còn được biết đến như là một loại nguyên liệu để chế biến nên các món ăn và đồ uống giúp giải nhiệt, giảm béo và mỡ máu, kích thích tiêu hóa tốt hơn.

Để nấu được món ăn ngon, người dân Tây Ninh sẽ chọn hái lúc lá đọt còn non. Phần cuống lá rất giòn, có vị chua chua đặc trưng, nêm nếm hương vị vào sẽ thành món ăn cực kỳ hấp dẫn. Loại rau rừng Tây Ninh này ngon nhất là khi nấu canh chua, rất đáng để bạn nếm thử một lần. Ngoài ra, lá cóc còn thích hợp nấu với các loại thịt, cá, kho lên giúp vị chua trung hòa, ăn với cơm gạo dẻo thì ngon không gì bằng.

Những loại lá tưởng không ăn được nay lên đời thành đặc sản ở Tây Ninh - Ảnh 1.

Lá cóc, lá bằng lăng,... đều là những loại rau rừng được ưa chuộng ở Tây Ninh. Ảnh: MIA.

Rau rừng Tây Ninh: Sao nhái

Tiếp theo trong danh sách rau rừng Tây Ninh sẽ là rau nhái. Rau nhái quen thuộc với người dân qua các món rau trộn, ngày nay thì nhiều nhà hàng, quán ăn chế biến salad. Lá rau nhái dù còn non hay già thì đều mềm và ăn sống được, mùi thơm thơm như trái xoài non nên rất dễ chịu.

Lá rau nhái quen thuộc với người dân Tây Ninh nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung, thường được hái lộn xộn với các loại rau rừng khác để về ăn sống. Trong bữa ăn hàng ngày của họ sẽ có món rau nhái nấu cùng cá linh, kho với cá đồng hoặc chấm mắm nêm, rau nhái bóp gỏi, nấu canh, nhúng lẩu v.v.  Những món ăn dân dã, dung dị này đã làm nên nét đặc trưng trong ẩm thực của miền đất này.

Những loại lá tưởng không ăn được nay lên đời thành đặc sản ở Tây Ninh - Ảnh 2.

Rau rừng Tây Ninh cuốn với bánh tráng thịt heo. Ảnh: MIA.

Quế vị (Rau xá xị)

Rau quế vị là loại rau rừng Tây Ninh mọc hoang dã ở quanh các ao hồ, sông suối. Tuy có mặt ở hầu hết địa phương nhưng theo những người sành ăn thì rau quế vị tại Tây Ninh và các tỉnh miền Tây sẽ có hương vị ngon nhất.

Rau quế vị còn có tên gọi khác là rau xá xị vì nó tỏa ra một mùi hương rất đặc trưng, không thể lẫn với bất cứ loại rau nào khác. Mùi rau gần giống như mùi xá xị nhưng nồng hơn một chút. Vì thế, rau này thường ít khi ăn sống do sẽ làm lấn át hương vị, thay vào đó nấu lên dễ ăn hơn. Ngoài ra, rau quế vị còn là một vị thuốc trong Đông y, có tác dụng tăng cường sức khỏe, trị các bệnh liên quan đến cholesterol, đường trong máu.

Lá bứa

Lá bứa có vị chua, thường được thái nhỏ, thêm vào món ăn để tăng hương vị. Bên cạnh đó, quả bứa cũng được ưa chuộng do có mùi hương khá dễ chịu, nhiều axit và ăn sống được. Người dân Tây Ninh ưa trồng cây bứa hơn cây me để nấu canh chua do dùng được cả lá và quả, có thể hái quanh năm. Còn cây me thì đến mùa mới có trái, lá không ăn được.

Những loại lá tưởng không ăn được nay lên đời thành đặc sản ở Tây Ninh - Ảnh 3.

Rau rừng Tây Ninh ăn với bánh xèo. Ảnh: MIA.

Trâm ôi

Loại lá trâm ôi này bạn sẽ thường bắt gặp khi ăn những món như bánh xèo, Bánh tráng me Tây Ninh. Lá có vị chua chua xen lẫn chát nhẹ, rất kích thích vị giác. Loại rau rừng Tây Ninh này trước đây chỉ mọc dại nhưng hiện nay đã được nhiều người trồng để bán, bạn có thể chọn mua về làm quà cho người thân, bạn bè.

Lá bằng lăng

Cây bằng lăng khá quen thuộc với chúng ta bởi hoa rất đẹp, được nhiều người trồng làm cảnh. Nhưng ở Tây Ninh thì người dân lại quen hái lá bằng lăng như một loại rau để chế biến thành các món ăn thơm ngon.

Lá bằng lăng có vị ngọt và chát đan xen nhau, thường được ăn cùng bánh xèo. Vì thế, về đây ghé quán bánh xèo, bạn chắc chắn sẽ được thưởng thức loại lá này. Ngoài ra, lá bằng lăng còn được ưa chuộng trong Đông y như là một vị thuốc có tác dụng hạ đường huyết, hỗ trợ giảm cân, kích thích vị giác để ăn uống ngon miệng hơn.

 Lá rau bí bái

Lá rau bí bái thường được hái khi còn non để ăn sống, hương vị thơm nhẹ, chát chát ngọt ngọt đan xen. Loại lá này thường được người dân ăn sống, bóp gỏi, xào hoặc nấu với các loại nguyên liệu khác, tạo thành các món ăn thơm ngon đậm chất Tây Ninh.

Ngoài ra, lá rau bí bái cũng được dùng làm dược liệu để trị đau thấp khớp, đau dạ dày, đau thoát vị. Với trẻ em thì lá này giúp trị bệnh chán ăn, đầy bụng, khó tiêu.

Lá cách

Lá cách khi ăn sống sẽ có mùi thơm hơi hắc, phù hợp để ăn cùng với những loại rau sống khác. Trong bữa ăn hàng ngày, người Tây Ninh thường ăn rau cách chấm với mắm chua Tây Ninh, sang hơn thì có thể cuốn với thịt nướng, thịt chiên, cá nướng v.v. Còn lá cách non thì thường được cho thêm vào luộc chung với các loại rau khác để tăng hương vị.

Săng máu (rau nhái)

Cuối cùng trong danh sách rau rừng Tây Ninh là lá săng máu. Lá này có vị đan xen giữa chát và chua, thường được ăn sống cùng với các loại rau khác để cuốn với bánh tráng thịt heo Trảng Bàng. Cái tên săng máu xuất phát từ việc khi hái lá thì nhựa cây sẽ tươm ra như máu. Thân của loại cây này còn có màu hồng nhạt rất độc đáo, được ưa chuộng trong ngành thủ công mỹ nghệ. Hiện nay, cây săng máu đã không chỉ mọc dại mà còn được nhiều người trồng và khai thác, mang lại lợi nhuận kinh tế cao.