Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), do sức mua của thị trường Trung Quốc, giá sắn tươi tại miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục tăng nhẹ. Giá tinh bột sắn tại ba miền tăng trong bối cảnh giá nguyên liệu cao.
Trong khi đó, Hiệp hội Sắn Việt Nam thông tin hiện nay, nguồn nguyên liệu có tín hiệu sụt giảm do chất lượng sắn củ tươi thấp hơn so với cùng thời điểm vụ sắn 2021/22. Các nhà máy tập trung chạy máy sau nghỉ Tết, đẩy giá thu mua nguyên liệu lên cao.
Hiện giá sắn tươi thu mua tại Tây Ninh ở mức 3.400-3.500 đồng/kg, tăng 250-300 đồng/kg so với 10 ngày trước đó. Tại Đăk Lăk giá sắn ở mức 2.800-2.850 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Tại Gia Lai giá sắn ở mức 2.950-3.100 đồng/kg, tăng 150- 250 đồng/kg. Tại miền Bắc giá sắn tươi ở mức 1.950-2.400 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg so với 10 ngày trước đó.
Tương tự như tinh bột sắn, các đơn vị mua sắn lát khô đang phải mua vào với mức giá khá cao, do giá củ sắn tươi đang ở mức cao.
Trong khi đó, giá xuất khẩu mặt hàng này chưa kịp tăng bắt kịp xu thế tăng giá tại thị trường nội địa Việt Nam. Điều này tiềm ẩn rủi ro cho các đơn vị kinh doanh sắn lát khi giá sắn lát Thái Lan biến động không lớn. Các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn mức giá trong khoảng 465 - 495 USD/tấn FOB cảng Hồ Chí Minh do giá nguyên liệu cao.
Cùng chung xu thế tăng giá nguyên liệu củ sắn tươi và tinh bột sắn, giá thu mua sắn lát khô được đẩy lên khá cao, trên 6.000 đồng/kg về tới kho khu vực Quy Nhơn, Bình Định. Giá xuất khẩu sắn lát đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc lên tới 355 USD/tấn FOB Quy Nhơn; tăng 10 USD/tấn so 10 ngày trước đó.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc đạt 223.560 tấn, trị giá 86,88 triệu USD, giảm 39,9% về lượng và giảm 39,8% về trị giá so với tháng 12/2022; so với tháng 1/2022 giảm 10,5% về lượng và giảm 18,6% về trị giá.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc chiếm tới 94,69% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước.
Trong năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 2,36 triệu tấn tinh bột sắn sang Trung Quốc, trị giá 1,11 tỷ USD, tăng 21,9% về lượng và tăng 22,3% về trị giá so với năm 2021. Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 94,9% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước trong năm 2022.
Việt Nam cũng xuất khẩu được 632.990 tấn sắn lát khô sang Trung Quốc trong năm 2022, trị giá 174,29 triệu USD, giảm 17,3% về lượng và giảm 9,7% về trị giá so với năm 2021. Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 81,89% tổng lượng sắn lát khô xuất khẩu của cả nước trong năm 2022.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới.
Năm 2022, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn do giá xăng dầu tăng cao, Trung Quốc đã tăng cường sử dụng sắn và ngô để sản xuất xăng sinh học (ethanol), khiến nhu cầu nhập khẩu sắn của nước này tăng cao.
Ngoài sản xuất ethanol, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn để làm thức ăn chăn nuôi, trong bối cảnh xung đột Nga và U-crai-na khiến nguồn cung ngũ cốc toàn cầu bị gián đoạn.
"Năm 2023, dự báo nhu cầu mua sắn và tinh bột sắn từ các nhà nhập khẩu nước ngoài như Trung Quốc vẫn tăng do các thị trường này tăng cường dự trữ lương thực, ngũ cốc cho tiêu dùng", Cục Xuất nhập khẩu dự báo.