Công tác tại Bệnh viện 09 đến nay đã 17 năm, bác sĩ Mai Thị Hường, Trưởng Khoa Khám bệnh, tư vấn và điều trị ngoại trú không nhớ mình đã tiếp xúc không biết bao nhiêu bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.
Theo bác sĩ Hường, mỗi bệnh nhân là một hoàn cảnh, số phận khác nhau. Có thời điểm khoa điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân ngoại trú, còn hiện tại duy trì ở mức đều đặn khoảng 400 người. Công việc đặc thù bận rộn khám chữa, tư vấn cho bệnh nhân nên bác sĩ Hường dành thời gian chia sẻ với chúng tôi vào lúc trời đã quá trưa.
Bộc bạch với PV Dân Việt, bác sĩ Hường kể, trước đây là cán bộ dân số tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Khi đó công việc của chị Hường khá ổn định. Tuy nhiên, khi chồng chuyển công tác lên Hà Nội chị cũng đã quyết định đi cùng để vợ chồng gần gũi, dạy dỗ các con.
"Tôi xin vào Bệnh viện 09 cũng xác định vào đây chăm sóc cho bệnh nhân HIV/AIDS. Hồi đó nghe tin tôi xin như vậy, lãnh đạo và nhân viên nơi tôi đang công tác mọi người đều gàn. Mọi người bảo tôi đang yên đang lành ăn trắng mặc trơn không muốn lại đi điều trị cho những người bị HIV/AIDS lở loét đầy người. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định lựa chọn nơi đây như là ngôi nhà thứ 2 mình quyết định gắn bó", bác sĩ Hường nhớ lại.
Cũng chính tại bệnh viện, bác sĩ Hường đã từng tiếp xúc với không ít bệnh nhân với đủ các câu chuyện bi, hài. Thời điểm cách đây gần 20 năm, bệnh nhân mang bệnh xã hội khi ấy nhiều, mỗi ngày Bệnh viện 09 có nhiều người tới thăm khám. Thậm chí nữ bác sĩ còn chứng kiến bệnh nhân nghiện ngang nhiên mang ma tuý đến tiêm chích ngay trước mặt. Hay không ít vụ ẩu đả bác sĩ phải đứng ra can ngăn.
Nhiều mối quan hệ éo le và bệnh nhân có rất nhiều lý do khiến bản thân chị Hường cũng phải động lòng chia sẻ kể cả với những bệnh nhân nghiện. "Có bệnh nhân từ cõi chết trở về, chúng tôi điều trị cho họ vượt qua để họ cảm thấy không bị mặc cảm, tự tin hơn, trở về đời sống cộng đồng. Trừ những bệnh nhân nghiện thì đa số người khác đều mong muốn quay trở về", bác sĩ Hường chia sẻ.
Trong những năm tháng làm nghề, bác sĩ Hường có vô số ký ức đáng nhớ về những bệnh nhân điều trị tại đây. Chị nhớ mãi trường hợp nam bệnh nhân còn khá trẻ tuổi, từng nhiễm HIV/AIDS khi mới ngoài 20. Người này trước đó có quan hệ tình dục với gái mại dâm nhưng không có biện pháp phòng tránhdẫn đến nhiễm bệnh.
"Bệnh nhân vào bệnh viện tuyến trung ương khám được chẩn đoán bị u phổi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn khi mẹ mất sớm, chỉ còn bố, lúc bấy giờ toàn cơ thể bạn ấy lở loét khiến ai cũng sợ hãi. Lúc đó bệnh nhân nghĩ về Bệnh viện 09 để nếu chết đưa ra Nghĩa trang Văn Điển cho gần bởi nếu tử vong ở đây kinh phí hoả táng thành phố sẽ chi trả. Khi vào viện, cậu ấy cũng bị sốc tư tưởng, không tiếp xúc với bất kỳ ai. Chính vì thế tâm lý bệnh nhân bất cần vì nghĩ chắc chắn thế nào mình cũng sẽ chết. Khi cán bộ vào lấy máu, tiêm truyền bệnh nhân cáu gắt, không muốn cho lấy ven, không giao tiếp đội ngũ điều dưỡng, bác sĩ", bác sĩ Hường nhớ lại.
Quá trình điều trị ở khoa bác sĩ Hường đã tìm cách thuyết phục, hướng dẫn và đưa bệnh nhân đi Bệnh viện Phổi Trung ương chụp X-quang chẩn đoán. Lúc này bác sĩ xác định bệnh nhân có thể không phải u phổi. Một hai tuần sau khối u trong phổi bệnh nhân dần hiện rõ hơn. Bác sĩ Hường và bác sĩ hội chẩn xác định bệnh nhân không phải u phổi mà do nấm phổi.
"Sau vài tuần động viên bệnh nhân đã hợp tác điều trị. Tôi bảo em phải cố gắng điều trị đi còn về chăm sóc, trách nhiệm với bố, không ai chăm ông giai đoạn tuổi già. Khi ấy cậu ấy cũng giấu anh em trong gia đình. Sau vài tuần điều trị đỡ nấm phổi thì chúng tôi cho bệnh nhân điều trị ngoại trú, hàng tháng đến khám định kỳ lấy thuốc về uống và bệnh nhân cũng dần vui vẻ trở lại", bác sĩ Hường vui vẻ kể.
Chính sau lần đó, mỗi dịp lễ, Tết lên bệnh viện lĩnh thuốc tâm lý bệnh nhân cũng vui vẻ, thậm chí mua hoa tặng các y bác sĩ.
"Tôi bảo em mua làm gì tốn tiền lãng phí, để tiền đó lo cho sức khoẻ, gia đình. Bạn ấy bảo 'các chị cứu em sống thế này là mỹ mãn lắm rồi chứ ban đầu em nghĩ em về đây xong ra nghĩa trang Văn Điển cho gần, gia đình đỡ tai tiếng, đỡ tốn tiền. Nếu nhờ anh em họ hàng sẽ mang tiếng nhưng đến đây đều được miễn phí hết. Nhờ các chị cứu, em đã mang ơn lắm rồi", bác sĩ Hường nói và cho biết, vài năm đã trôi qua nhưng nam bệnh nhân này vẫn mặc cảm khi mình mắc bệnh xã hội. Anh cũng không dám lập gia đình vì lo sợ lây nhiễm cho người khác.
Giờ đây, mặc dù bệnh nhân đã chuyển về điều trị, theo dõi ở quê nhưng thi thoảng cần tư vấn đều gọi cho bác sĩ Hường. "Tôi khuyên bạn ấy nên xây dựng gia đình đi để bố vui. Tải lượng virus của em rất thấp, không lây cho người bạn đời đâu.
Nếu yêu thực sự em chia sẻ thì người bạn đời của em sẽ thông cảm thôi hoặc đưa đến đây chị động viên tư tưởng cho. Ở đây có 2 vợ chồng đều nhiễm bệnh, điều trị tốt, tải lượng virrus thấp vẫn sinh con bình thường. Năm ngoái yêu 1 người, khi biết thông tin cậu ấy mang căn bệnh thế kỷ sau đường ai nấy đi. Chính vì vậy cậu ấy vẫn băn khoăn, mặc cảm với bản thân", bác sĩ Hường bày tỏ.
Nữ bác sĩ bộc bạch từng có thời gian công việc áp lực, không dám nói mình làm ở bệnh viện điều trị cho người mắc HIV. "Khi làm được 2 năm tôi xin đi nhưng lãnh đạo cũng động viên ở lại. Nghe những chia sẻ đó tôi quyết định ở lại. Tuy nhiên, 2 năm đó tôi quyết định nộp đơn xin nghỉ việc một lần nữa vì áp lực. Tuy nhiên, khi suy nghĩ lại mình đã có quãng thời gian gắn bó với bệnh nhân. Có rất nhiều lý do khiến mình cũng phải động lòng chia sẻ kể cả bệnh nhân nghiện. Cuối cùng tôi quyết định gắn bó đến tận bây giờ", bác sĩ Hường tâm sự.
Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Đỗ Thanh Hải, Trưởng khoa Lao chia sẻ, làm việc trong một môi trường đặc biệt, các bác sĩ Bệnh viện 09 không chỉ đối mặt với những dư luận bên ngoài, nỗi vất vả, sự nguy hiểm trong công việc mà đôi khi còn phải căng mắt, động não để đối phó với nhiều "kiểu bệnh" của những người điều trị tại đây.
"Có những bệnh nhân đóng kín cửa, nhai kẹo cao su rồi bắn bã kẹo lên trần nhà, bác sĩ gọi nhất quyết không mở cửa do mắc bệnh hoang tưởng. Khi người bệnh đã lên cơn nghiện thì không nói trước được điều gì", bác sĩ Hải tâm sự.
Trước vô vàn những áp lực đó, bác sĩ Hải cho hay không ít bác sĩ đã phải tạm biệt nơi đây, chuyển công tác. Thậm chí có người bỏ hẳn việc, ra ngoài làm công việc khác vì nhiều lý do khác nhau.
"Có những bác sĩ muốn đến thử sức nhưng làm được thời gian ngắn rồi một đi không trở lại. Cũng không ít người chỉ xem đây là "chốn tạm" trong lúc tìm đường", bác sĩ Hải đượm buồn khi nhắc về điều này.
Giờ đây, trong điều trị bác sĩ Hường cùng đồng nghiệp cố gắng nâng cao chuyên môn. Bệnh nhân HIV không chỉ bị HIV mà bị hết tất các loại bệnh nhiễm trùng cơ hội, bệnh gì cũng có. Bệnh gì người thường mắc họ cũng mắc. Có những người mang hoàn cảnh éo le.
"Trong quá trình điều trị tôi thấy yêu nghề vì bệnh nhân. Có người vào viện suy sụp thể chất, nhiễm trùng cơ hội kéo theo 3,4 loại bệnh khác nhau. Chính bệnh nhân nghĩ mình chết chứ không nghĩ mình sống nhưng điều trị thời gian có người đáp ứng rất tốt nên nhanh chóng hồi phục gần như từ cõi chết trở về.
Mọi người có thể tự tin HIV không phải là chết, nếu phát hiện sớm điều trị sớm, tuân thủ thuốc sớm sẽ khoẻ mạnh bình thường như người khác. Tôi nghĩ mình làm phúc ở nơi này, mình sẽ đồng hành cùng người bệnh, nhiều bệnh chuyển tuyến nhưng họ không đi, họ muốn ở đây với khoa. Họ tìm mọi cách ở lại. Tâm huyết với nghề xuất phát từ những cái đó", bác sĩ Hường nói thêm.
Còn nữa!