Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Chuyện về người bác sĩ có "đôi tay vàng", "chỉnh sửa" những trái tim lỗi nhịp - Ảnh 1.

Xin chào Giáo sư Đặng Hanh Đệ, từ rất lâu ông đã nổi tiếng trong giới ngoại khoa tại Việt Nam, vậy cơ duyên nào đã "đưa đường dẫn lối" ông đến với ngành y đầy tự hào nhưng cũng lắm gian nan thử thách này?

GS Đặng Hanh Đệ: (Cười) Thực ra chẳng có cơ duyên nào cả. Năm 1954 đúng năm Giải phóng Thủ đô, lúc đó tôi cũng vừa kết thúc học phổ thông. Chỉ có 3 trường để lựa chọn: Đại học Y, Đại học Dược và Sư phạm.

Khi ấy tôi không thích sư phạm, quanh đi quẩn lại Y với Dược. Gia đình đã có 2 người theo ngành Dược nên tôi cũng đắn đo có đi theo ngành đó không. Suy nghĩ mãi cuối cùng tôi đã quyết định chọn ngành y theo nghề của bố tôi. Thời bấy giờ cũng không có lựa chọn nào khác.

Vào ngành y lúc đầu tôi không thấy hào hứng, nhưng khi bắt tay vào công việc nó lôi cuốn mình. Tôi thấy hay ở chỗ giúp được cho đời. Người ốm đến, mình điều trị khỏi cả nhà họ vui. Từ đó trở đi, cái nghề y cứ cuốn mình theo.

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Chuyện về người bác sĩ có "đôi tay vàng", "chỉnh sửa" những trái tim lỗi nhịp - Ảnh 2.

Giáo sư Đặng Hanh Đệ trò chuyện cùng tác giả

Vậy "ngã rẽ" khiến ông lại quyết định lựa chọn chuyên ngành tim mạch - một lĩnh vực cực khó và hầu như chưa có ai đặt những viên gạch đầu tiên ngoài GS Tôn Thất Tùng?

Tôi còn nhớ ca mổ đầu tiên của thầy Tôn Thất Tùng vào năm 1958 sau khi thầy đi Ấn Độ về, học được kỹ thuật mổ tim. Năm 1960, thời điểm đó tôi ra trường và được phân về làm ở phòng chuyên đề mổ tim. Đúng là ngoài thầy Tùng, tôi là một trong những thế hệ kế cận đầu tiên theo chuyên ngành này. Lúc đầu có 2, 3 người nữa cùng khoá được phân công nhưng học giữa chừng họ bỏ chỉ còn lại mỗi mình.

Khi ấy theo chuyên ngành tim mạch rất khó. Thứ nhất, khó ở chỗ chưa có ai đi theo ngành. Thứ hai, những kiến thức hồi học đại học, tài liệu về lĩnh vực này rất sơ sài, bắt buộc tôi phải tìm sách để trau dồi chuyên ngành mới. Hồi đó không có nhiều sách, không có mạng internet như bây giờ. Lúc vớ được quyển sách hay tạp chí nào phải cố đọc bằng được. Để học được, chúng tôi phải thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp. Tôi động viên bản thân phải cố gắng học tiếng, còn không mình sẽ không theo được với nghề bởi tài liệu cũng đều in ra từ nước ngoài.

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Chuyện về người bác sĩ có "đôi tay vàng", "chỉnh sửa" những trái tim lỗi nhịp - Ảnh 3.

Ông được nhiều người đời và đồng nghiệp mệnh danh là bác sĩ có "đôi tay vàng", ông nghĩ thế nào về danh xưng này?

Đó là cái danh người dân gọi chứ tôi cũng chẳng thấy là vàng bạc gì đâu (cười). Vì chưa ai làm, mình làm thì họ cho là quý, nhưng thực ra so với người khác cũng không có gì to tát. Chẳng qua mình đi chuyên khoa mới toanh, mình làm được mọi người tôn trọng.

Chỉ có điều mình cố gắng đáp ứng được nhu cầu của người dân cần mình. Họ có bệnh đến, mình phải cố gắng nghĩ cách chữa thế nào.

Tôi cũng muốn chia sẻ thêm, đối với bác sĩ phẫu thuật, thì bàn tay không phải là thứ quan trọng nhất. Mà điều quan trọng là làm theo lương tâm, lương tâm là cái nằm trong tim, với lương tâm ấy nếu vì người bệnh, mình sẽ làm tất cả cho họ. Nếu không lương tâm đừng làm nghề y vì có làm chỉ làm hại cho người bệnh.

Thực ra người đặt nền móng phải kể đến GS Tôn Thất Tùng. Thầy Tùng là người đưa tôi vào chuyên ngành này. Thầy Tùng là người đầu tiên mổ tim năm 1958, đi sâu vào thầy không làm nhưng thầy làm nhiều việc khác như: mổ cắt gan. Chỉ còn tôi đi sâu về tim. 

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Chuyện về người bác sĩ có "đôi tay vàng", "chỉnh sửa" những trái tim lỗi nhịp - Ảnh 4.

Đối với ông, GS Tôn Thất Tùng đã có ảnh hưởng như thế nào?

Thầy Tùng là người tôi chịu ơn rất nhiều. Chính thầy là người dẫn dắt tôi theo ngành mổ tim. Điều đó tôi không bao giờ quên được.

Năm 1966, tôi là người thứ 2 trong khoá được đi nước ngoài học. Khi ấy, để được đi nước ngoài hiếm và khó lắm. Chính thầy là người đã đề xuất cho tôi được đi học. Đây là bước đi đầu tiên đánh dấu thành công trong sự nghiệp của tôi sau này. Bởi nếu không đi nước ngoài tại thời điểm đó thì mình cũng không biết học ai.

Thứ 2, không phải chỉ có chuyên môn mà thầy còn giúp tôi có được cuộc sống ổn định. Những năm bao cấp, gian khổ, thiếu thốn đủ thứ. Thầy tạo điều kiện cho tôi yên tâm làm việc chứ không mình cứ loay hoay vào cơm áo gạo tiền, không có thời gian tập trung làm chuyên môn.

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Chuyện về người bác sĩ có "đôi tay vàng", "chỉnh sửa" những trái tim lỗi nhịp - Ảnh 5.

Thầy giúp gia đình tôi được đoàn tụ, gần gũi nhau. Vợ tôi khi ấy làm ở Bệnh viện Bộ Giao thông Vận tải. Hàng ngày phải đạp xe hàng chục km từ nhà ở Quán Thánh (quận Ba Đình) đi xuống tận Văn Điển, huyện Thanh Trì. Mưa gió rét mướt gì cũng sáng đi chiều về, có con nhỏ vất vả lắm. Thầy biết hoàn cảnh đã tạo điều kiện cho vợ tôi về Bệnh viện Việt Đức làm cho tiện.

Thứ 3, thầy lo cho tôi cái nhà ở khu tập thể Giảng Võ.  Thời điểm gia đình tôi ở khu vực Quán Thánh chật chội, 4 người sống trong căn phòng rộng khoảng 20m2. Ăn ngủ, tiếp khách, học hành, phòng tắm, vệ sinh, bếp… tất cả trong không gian đó cả, khách tới nhà không có chỗ để ngồi.

Một hôm con ốm, cô hiệu trưởng sang thăm. Thấy nhà tôi chật quá, cô gợi ý bảo tôi làm một tờ đơn xin nhà. Sau đó, tôi đã viết đơn bày tỏ nguyện vọng xin nhà tập thể. Sau khi viết xong, tôi đưa thầy Tùng xem, xem xong thầy ghi bên dưới: "Kính gửi anh Đỗ Mười (ông Đỗ Mười khi ấy là Bộ trưởng Bộ Xây dựng), mong anh giải quyết trường hợp này".

Ba tháng sau, tôi thấy Sở nhà đất Hà Nội đến đo nhà tôi ở xong họ về. Ba tháng nữa, họ mời lên Sở Nhà đất ở quận Hai Bà Trưng nhận nhà. Đó là một căn hộ tại nhà B1 Giảng Võ rộng rãi hơn. Đúng là giấc mơ, hồi đó tôi không bao giờ nghĩ mình được cấp nhà. Như thế, ba việc lớn trong đời tôi đều được thầy Tùng giúp đỡ.

img
img

GS.Tôn Thất Tùng (người mặc complet trắng bên trái) hướng dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Việt - Đức sau ngày Hà Nội giải phóng (ảnh trái) - Giáo sư Tôn Thất Tùng hướng dẫn học trò trong một giờ giải phẫu.(ảnh phải)

Khi nói về GS Tôn Thất Tùng, tôi thấy ông rất xúc động, nói một cách say sưa, đầy kính trọng. Vậy trong công việc GS Tùng là người như thế nào? Ông đã học được gì từ người thầy của mình?

Thầy Tùng nổi tiếng ai cũng biết nhưng thầy là người luôn luôn đòi hỏi học trò, người giúp việc mình phải phấn đấu. Thầy rất ghét người "sáng cắp ô đi, chiều cắp về". Làm gì phải toàn tâm toàn ý. Thầy rất nóng tính, một khi học trò không làm được thầy mắng ngay, nói thẳng chứ không như người khác.

Có khi thầy lấy dụng cụ mổ quật vào mu bàn tay đau lắm nhưng không ai dám kêu. Trong cuộc phẫu thuật rất căng thẳng, nhưng khi mổ xong thầy rất thân mật, cái hay ở chỗ đó. Học trò mình vừa mắng như "tát nước vào mặt" xong thầy lại bình thường, tính cách thầy Tùng là thế.

Lúc đầu khi phụ cho thầy tôi cũng sợ lắm, vào phòng mổ không biết phụ gì. Tôi không dám nói một câu, thi thoảng thầy bảo chỉ dạ, vâng, cố thực hiện tốt nhiệm vụ.

Làm như thế 3 năm, chắc thầy thấy mình là người chịu khó, làm được theo ý thầy muốn và từ đó thầy không mắng nữa. Thầy không mắng thành ra không khí cuộc mổ dịu xuống, bớt căng thẳng.

Trong bệnh viện có nhiều khoa, khoa nào thầy Tùng chọn mổ thì bác sĩ khoa đó phải lên phụ mổ cho thầy. Cũng bởi lý do sợ bị thầy mắng căng thẳng, một số chủ nhiệm khoa ngại, bảo tôi: "Cậu lên phụ cho tớ". Nhưng cũng chính vì thường xuyên phụ cho thầy kể cả ở những khoa khác khiến tôi có cơ hội học hỏi được nhiều điều. Từ năm 1990 trở đi, tôi còn phụ trách kiêm thêm toàn bộ Khoa ngoại ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. 

Quan trọng nhất lúc làm việc với thầy Tùng phải cố gắng thực hiện cho tốt, đừng để thầy không tin hay thất hứa, đó là điều tối kỵ. Khi nhận việc phải đúng hẹn, tính thầy Tùng là thế.

Năm 1969, tôi đã ra trường được 9 năm, còn anh Tôn Thất Bách là con trai thầy thì vừa mới ra trường. Hôm đó, thầy gọi tôi vào phòng nói "Bách mới ra trường, tôi sẽ để Bách ở khoa của anh, anh dìu dắt nó".

img
img
img
img

Lúc đó, tôi cứ thắc mắc sao thầy lại để con trai thầy ở khoa tôi trong khi tôi mới ra trường chưa đến chục năm, còn trẻ, mà viện có nhiều khoa sao thầy không gửi gắm...? Nhưng rồi tôi chỉ có suy nghĩ là thầy giao thì mình phải cố gắng thực hiện.

Thầy cũng nói thêm với tôi: "Người ta dạy con ngựa lúc đầu bắt nó đi rước kiệu, sau một thời gian nó chồn chân thả dây cương ra để nó phi nước đại. Trong việc này (hướng dẫn cho anh Bách) cũng thế. Ba năm đầu, anh không được cho Bách mổ gì hết. Cậu ấy chỉ đi phụ cho anh thôi. Hết 3 năm, tôi sẽ cho phép Bách mổ nhưng anh phải là người phụ".

Tôi thực hiện đúng như thầy dặn, 3 năm đầu anh em cùng đi với nhau, tôi mổ anh Bách phụ. Hết 3 năm anh, thầy Tùng bảo: "Anh chọn bệnh nhân, tôi xem tôi cho Bách mổ nhưng anh phải là người phụ". Lúc đầu không nghĩ được nhưng sau mới nghĩ thầy phải tin tưởng mình như thế nào mới giao con cho mình. Đây là người con trai duy nhất theo nghề thầy, nếu bước đầu không cẩn thận sẽ hỏng những bước sau.

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Chuyện về người bác sĩ có "đôi tay vàng", "chỉnh sửa" những trái tim lỗi nhịp - Ảnh 6.

Tôi thắc mắc lần đầu tiên mổ tim chắc hẳn ông có rất nhiều kỷ niệm, đó cũng là bước ngoặt cuộc đời ông. GS nhớ những gì?

Tôi nhớ hôm đó là ngày 14/3/1963 mổ tim chính, phải nói rất hồi hộp. Nhất là lúc thò ngón tay vào trong quả tim cảm giác hơi bị hẫng vì thò vào quả tim đang đập. Một lúc sau tôi đã tìm được van tim và các phẫu thuật tách van hẹp đã thành công. 

Buổi chiều hôm đó, tôi mổ xong về gặp người yêu (bà Lê Lan Phương, cũng là vợ GS Đệ bây giờ - PV) và kể câu chuyện ca mổ tim lúc sáng. Sau đó một tuần, bạn gái tôi đã làm tặng tôi một bài thơ để làm kỷ niệm. Rất tình cờ là đúng 2 năm sau ca mổ tim đầu tiên, vào ngày 14/3/1965, vợ chồng tôi chào đón cô con gái đầu lòng.

img
img
img

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Chuyện về người bác sĩ có "đôi tay vàng", "chỉnh sửa" những trái tim lỗi nhịp - Ảnh 10.

Ngoài câu chuyện mổ tim đáng nhớ đó, trong tâm trí ông còn ký ức nào về nghề, về người bệnh?

Mỗi bệnh nhân đến bệnh viện là một hoàn cảnh. Có bệnh nhân họ đến với mình, van tim bị hỏng phải thay bằng van tim nhân tạo. Tôi bảo bệnh bệnh nhân rằng được bệnh viện tuyến dưới chuyển lên van tim hỏng nặng không giữ được nữa phải thay. Anh có đồng ý không, họ gật đầu nhưng tôi bảo tốn tiền đấy. Họ trầm ngâm một lúc không bảo gì. Tôi nói rõ phải mất khoảng 15-16 triệu, số tiền đó khi ấy lớn lắm.

Nghe xong họ chần chừ một hồi lâu rồi nói: "Thôi để em về bán nhà, bán thì mới đủ cho cuộc mổ này". Nói xong tôi nghĩ nhà ở nông thôn bán không biết được mấy triệu, đằng này số tiền lớn như thế kia không biết làm sao. Đối với người bệnh thường là bệnh nhân nghèo thành ra mình rất đắn đo.

Tôi kể tiếp, van tim nhân tạo mình không làm được, phải nhập từ nước ngoài. Hồi đó tôi đàm phán với hãng bán van tim cho tôi mua cái van. Họ nhập cho mình, mình mổ. Một hôm tôi bảo không lấy hoá đơn đỏ có được không? Họ bảo cũng được, nếu không lấy sẽ trừ 100USD, nghe xong mình sướng quá mình bảo bệnh nhân cần gì hoá đơn đỏ, nông thôn thanh toán với ai mà cần hoá đơn. Tôi bảo thế bán cho tôi không cần hoá đơn. Bớt được 100USD, số tiền đó lớn lắm.

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Chuyện về người bác sĩ có "đôi tay vàng", "chỉnh sửa" những trái tim lỗi nhịp - Ảnh 11.

Tuy nhiên, không may có bệnh nhân tử vong, người nhà bệnh nhân đòi hóa đơn đỏ và kiện tôi lên Bộ Y tế. Họ nói tôi mua van tin trôi nổi ngoài thị trường. Bộ Y tế xuống yêu cầu tôi tường trình và hỏi tôi vì sao lại không có hóa đơn đỏ. Tôi giải thích tôi làm như vậy chỉ để tốt cho bệnh nhân tiết kiệm được 100USD. Sau vụ việc đó tôi bị khiển trách và từ đó tôi lại yêu cầu hãng xuất hóa đơn đỏ.

Giả dụ, lúc đó nếu tôi tư lợi, tham lam, tôi hoàn toàn có thể đút túi 100USD/ bệnh nhân dễ dàng. Ngoài ra, trong khi mổ mình tiết kiệm từng sợi chỉ vì người bệnh. Ở nước ngoài chỉ đó chỉ dùng một lần xong vứt còn mình chỉ buộc đầu còn để đoạn sau khâu tiếp cho bệnh nhân khác. Một sợi chỉ cũng vài chục nghìn chứ không phải rẻ đâu, đương nhiên làm như thế sẽ đỡ cho bệnh nhân. Bệnh nhân đỡ phải nộp viện phí thành thử như vậy sẽ đưa khó khăn về cho mình, có lợi cho người bệnh. Còn nếu không buộc lần bỏ đi còn thanh toán bệnh nhân thanh toán chứ có phải mình đâu.

Từ câu chuyện của tôi, có thể hiểu được trong ngành y nếu tham một tí, vụ lợi một tí thì có thể xảy ra sai phạm dễ dàng. Làm nghề y không có lương tâm thì không nên làm.

Tôi nhớ câu chuyện nam sinh Ngô Minh Hiếu (ở Thanh Hoá) cõng bạn 10 năm đến trường, thi vào Trường Đại học Y Hà Nội thiếu 1/4 điểm, tôi rất tiếc nuối. Một bạn sinh viên nào cõng bạn suốt 10 năm trời thì người đó phải là người có tâm cỡ nào. Nghề y là nghề rất coi trọng lương tâm, cũng may Trường Đại học Y Thái Bình sau khi biết tin nhận ngay lập tức.

Tôi đã xuống trường gửi tặng cậu ấy cuốn nhật ký về nghề y của mình và trường này cũng sẵn sàng miễn học phí 6 năm học và bố trí chỗ ở trong ký túc xá cho Hiếu. Tôi cho rằng khi làm nghề phải có tình người, khi tiếp xúc với người bệnh phải thông cảm với người bệnh.

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Chuyện về người bác sĩ có "đôi tay vàng", "chỉnh sửa" những trái tim lỗi nhịp - Ảnh 7.

Khi giúp người bệnh từ cõi chết trở về, ông nhận được sự cảm ơn của bệnh nhân hoặc gia đình bệnh nhân theo cách như thế nào?

Mỗi người cảm ơn một kiểu, có khi thì chính bệnh nhân, có khi là bố mẹ hoặc vợ chồng bệnh nhân cảm ơn mình. Lúc đầu khi bước ra khỏi phòng mổ nhìn thấy mọi người trong gia đình bệnh nhân xúm lại cảm ơn mình cảm thấy rất cảm động, sau dần dần quen. 

Tôi còn nhớ có người không biết họ hỏi thông tin ở đâu mà biết và tìm đến tận nhà cảm ơn. Họ đến gửi tặng cân gạo nếp, cân đỗ xanh, con gà với bằng cả chân tình quý lắm, của người nông dân thì những thứ đó là rất quý đối với họ. 

Tôi tìm cách từ chối vì mình nghĩ đây là công việc và trách nhiệm, mình ăn lương Nhà nước để làm và đó cũng là lương tâm trách nhiệm của người thầy thuốc không nên nhận. Nhưng họ chân tình quá, nếu mình từ chối họ rất buồn vì họ đinh ninh những thứ này họ làm ra họ quý lắm, đến với mình mình phải trân trọng nhưng lại bị từ chối, thành thử họ buồn. Chính vì thế có những lúc mình nhận để họ vui, chứ thực ra hồi bấy giờ cũng thiếu thật nhưng không phải thiếu từng cân gạo, mình từ chối thẳng thừng rồi họ về mà thấy khổ sở.

Tôi còn nhớ đã từng mổ cho một trường hợp bệnh nhi 14 tuổi có u trong tim vào những năm 1980. Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán hẹp van tim tại Bệnh viện nhi Trung ương. Ngày hôm đó, tôi không mổ bệnh nhi này, nhưng tôi mổ ở bàn bên cạnh. Bác sĩ mổ bệnh nhân đó khi mở ngực thốt lên: "Chết rồi bệnh nhân không phải hẹp van, hình như có khối u bên trong". 

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Chuyện về người bác sĩ có "đôi tay vàng", "chỉnh sửa" những trái tim lỗi nhịp - Ảnh 13.

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Chuyện về người bác sĩ có "đôi tay vàng", "chỉnh sửa" những trái tim lỗi nhịp - Ảnh 14.

Tôi cố gắng mổ xong cho bệnh nhân và thay áo, găng tay sang bàn mổ của cháu bé. Tôi khám thấy trong tim cháu có khối u, vị trí trong tim làm cho triệu chứng giống hệt như là hẹp van. Tôi quyết định đóng vết mổ để chuyển sang mổ tim hở. 

Đúng 14h chiều, tôi bắt đầu ca mổ cho cháu bé có một khối u to bằng quả trứng gà. Lấy được u tim ra tôi đóng vết mổ lại cảm thấy rất sung sướng. Đó cũng là lần đầu tiên ở nước ta có ca mổ u tim. Tôi cầm cái u mang xuống cho bố mẹ cháu. Bố mẹ cháu thốt lên: "Sao u to như thế". Hai vợ chồng họ vui khôn tả vì con họ đã được cứu sống. 

Khoảng 3-4 tháng sau, bố của bệnh nhi đến khu tập thể Giảng Võ biếu tôi một cái biến thế tự lắp. Ông biết điện Hà Nội chập chờn tối đèn như con đom đóm nên đã tự làm biến thế để cảm ơn. Có cái biến thế, con tôi đã thắp điện học mà không phải dùng đèn pin. 

Hay có lần, tôi đi mua dao ở phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến) cùng vợ. Trong lúc chờ vợ mua tôi sang quán giày dép bên cạnh ngắm nghía chứ không có ý định mua. Bất ngờ có người nhận ra tôi mổ cho vợ và con họ. Ông ấy nằng nặc muốn tặng tôi một đôi dép tông.

Người này bày tỏ: "Vợ cháu dặn cháu lên nhà bác cảm ơn nay gặp bác ở đây cháu tặng bác đôi dép". Làm việc gì tốt cho đời thì mình cảm thấy vui. Có những bệnh nhân được tôi mổ 30 năm sau họ vẫn tìm đến để cảm ơn. Họ mang cho tôi một bao gạo khoảng 10kg. 

Hôm đó, tôi đang ngồi trong nhà tự dưng có người gõ cửa đưa cho tôi tờ giấy hoen ố cách đây 30 năm. Anh ta giới thiệu là bệnh nhân được tôi mổ tim và giờ làm trưởng chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn tại Hưng Yên. Sau khi trò chuyện, tôi nhớ ra anh ta là bệnh nhân được tôi mổ lúc mới 12 tuổi. Anh ta lúc đó rất nghịch, mắc bệnh tim bẩm sinh cực kỳ phức tạp (tứ chứng Fallot)…

Đúng 47 năm công tác trong ngành y tôi không thể nhớ mình đã cứu chữa bao nhiêu người. Có khi đi phố có người chào mình nhưng tôi không biết là ai xong họ bảo năm ấy bác đã mổ cho tôi, cho người nhà tôi…

Còn với đồng nghiệp thì nhiều người biết và thân thiết với tôi lắm. Có hôm nghe tin tôi ốm, đồng nghiệp bay từ Sài Gòn ra đến bệnh viện thăm hỏi một lúc rồi họ bay vào luôn. Tình nghĩa như thế đấy. Đến khi tôi khỏi ốm, tôi tổ chức một bữa tri ân mọi người, cậu ấy cũng từ Sài Gòn bay ra ăn xong bay vào luôn. Đối với mình họ tình nghĩa như thế. Đây cũng là người tôi dìu dắt trong nghề và trở thành một chuyên gia về mổ mạch máu.

47 năm làm nghề bệnh nhân cũng nhiều, đồng nghiệp cũng lắm, chính vì thế mà bây giờ khi mình về hưu lâu rồi họ vẫn lui đến chơi rất vui. Đó là nguồn động viên cho cuộc sống của mình cực lớn.

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Chuyện về người bác sĩ có "đôi tay vàng", "chỉnh sửa" những trái tim lỗi nhịp - Ảnh 15.

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Chuyện về người bác sĩ có "đôi tay vàng", "chỉnh sửa" những trái tim lỗi nhịp - Ảnh 16.

Bên cạnh những thành công, có bao giờ ông mắc sai lầm dẫn đến thất bại?

Nếu một người phẫu thuật viên nói không mắc sai lầm là nói không đúng sự thật. Từ năm 1972, tôi và Tôn Thất Bách (con trai thầy Tùng) tiếp nhận công việc mổ tim. Hồi đó, kỹ thuật chẩn đoán bệnh rất sơ sài nên cá nhân tôi nhiều lần mắc sai lầm, và phải trả giá bằng tính mạng của bệnh nhân. 

Năm 1980, một bệnh nhân được bệnh viện tuyến trung ương khám và chẩn đoán có lỗ thông giữ hai buồng tâm nhĩ trước khi chuyển tới Bệnh viện Việt Đức. Tôi trực tiếp mổ để bịt lỗ thông lại nhưng mổ xong huyết áp của bệnh nhân tụt. Các bác sĩ và y tá phải ở lại phòng mổ suốt đêm để theo dõi bệnh nhân. Sáng sớm hôm sau, bệnh nhân đó đã không qua khỏi. 

Sau đó tôi mới biết mình đã bỏ sót thương tổn khác là bệnh nhân còn bị hẹp van tim. Tôi rất đau đớn vì mình không chẩn đoán được tổn thương thứ 2 của bệnh nhân. Sau ca bệnh đó, tôi thông báo với Bệnh viện Bạch Mai để cảnh giác với trường hợp tương tự.

Ở tuổi gần 90 nhưng tôi thấy ở GS có một nguồn năng lượng sống rất tích cực, đây có phải là bí quyết giúp vợ chồng ông luôn vui vẻ?

Đúng vậy, có 3 vấn đề như ăn uống vợ tôi rất chú ý, ngày lo 3 bữa đâu ra đó, hai vợ chồng ăn với nhau chất lượng đầy đủ. Thứ 2 đó là việc tập thể dục, sáng tôi dậy tập nửa tiếng. Thứ 3 là đời sống tinh thần rất vui. Nhiều người bảo tôi 87 tuổi sao vẫn thấy nhanh nhẹn, vui vẻ. Tôi cho rằng đời sống tinh thần là điều tiên quyết giúp mình vui vẻ hơn, không suy nghĩ muộn phiền gì nữa.

Nhân dịp 27/2, GS muốn gửi lời chúc gì tới các thế hệ đồng nghiệp của mình?

Tôi xin gửi lời chúc sức khoẻ chân thành nhất tới tất cả mọi người. Trong nghề này lương tâm người thầy thuốc là điều vô cùng quan trọng bởi có lương tâm mới dồn hết sức lực để cứu chữa bệnh nhân.

Xin trân trọng cảm ơn GS về những chia sẻ này!

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Chuyện về người bác sĩ có "đôi tay vàng", "chỉnh sửa" những trái tim lỗi nhịp - Ảnh 8.

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem