Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Trung Thành - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Hà Tĩnh nhấn mạnh: Về bố cục Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều (tăng thêm 2 chương, 23 điều so với Luật Đất đai 2013). Việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo là rất cần thiết, góp phần xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm quyền, lợi ích của người dân nói chung, hội viên nông dân nói riêng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến xung quanh về 9 nội dung trọng tâm được lấy ý kiến gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai; quy định về hộ gia đình quản lý sử dụng đất.
Ông Nguyễn Hồng Khoan - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghi Xuân đóng góp ý kiến: "Cơ bản nhất trí cao với toàn văn Dự thảo, trong đó đề nghị sửa đổi Điều 87: Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất. Đề nghị sửa đổi trong Khoản 1, Điểm c và nhập 02 điểm b và c thành điểm b.Cụ thể, đề nghị sửa lại là: Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính; không thực hiện bắt đầu tiến hành cưỡng chế trong các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; trong thời gian 15 ngày trước và sau Tết nguyên đán và các trường hợp đặc biệt khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong tục, tập quán tại địa phương".
Ông Nguyễn Sỹ Huyền - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cẩm Xuyên cho biết: Tại khoản 3, Điều 68 ghi." Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, mục a có nếu " tổ chức hội nghị, hội thảo và phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình, cá nhân và đại diện cho các xã phường, thị trấn."
Tôi đề nghị, nên bổ sung lấy ý kiến của khu dân cư, có sự tham gia của Liên đoàn cán bộ Thôn, xóm, tổ dân phố, ấp bản….và cũng nên nêu rõ ai là người đại diện cho xã, phường, thị trấn…. Tại Khoản 3 Điều 73 về " Thẩm quyền. trách nhiệm và thời hạn " công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cần nêu rõ ai chịu trách nhiệm trong việc thực thi kế hoạch sử dụng đất… Đề nghị cần quy định rõ cấp nào ra quyết định cấp đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm để tránh thiệt hại không đáng có cho cơ quan, tổ chức và người dân…
Bà Phạm Thị Thu Hằng-Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Kỳ Anh, cho hay: "Tại điều 60, hiện nay tình trạng quỹ đất thổ cư ngày càng thu hẹp dẫn đề nghị Quốc hội xem xét ban hành chính sách cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư đối với các thửa đất lân cận không hiệu quả trong sản xuất nông lâm nghiệp.
Điều 77, quy định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh là rất cần thiết song đề nghị Nhà nước thực hiện quy hoạch giao đất cho Quốc phòng, an ninh cần phải chặt chẽ đảm bảo 2 mặt vừa đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, mặt khác không để lãng phí vì thực tế vừa qua có một số đất quốc phòng dôi dư cấp, cho thuê trái pháp pháp luật gây dư luận xấu…."
Bên cạnh đó, ông Phan Văn Quý - Nguyên Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh nhấn mạnh: "Sau khi thu hồi đất, phải đảm bảo đời sống cho nhân dân tại khu tái định cư ổn định. Khi chuyển về nơi ở mới, chính quyền và nhà đầu tư phải để mức sống của và con bằng hoặc hơn khi chưa giao đất…"
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, bà Nguyễn Thị Mai Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đánh giá cao các ý kiến xác đáng, chỉ ra những lỗ hổng, những thiếu sót, bất cập… của các đại biểu góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, hội sẽ tiếp thu, tập hợp các ý kiến để hoàn chỉnh báo cáo gửi các cấp, ngành.
Đối với ngành nông nghiệp, các hộ nông dân đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, Hợp tác xã nông nghiệp và các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp có tác động trực tiếp đến đời sống bà con.
Hội Nông dân tỉnh tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi trong hội viên, chi, tổ hội nghề nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác xã; các đồng chí lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh qua các thời kỳ; các ngành liên quan là ủy viên ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh.... Trong đó, tập trung các nhóm vấn đề liên quan đến lợi ích nhân dân. Những nội dung cần góp ý trong Dự thảo luật. Những kiến nghị để góp phần vào điều chỉnh các Luật khác liên quan cho đồng bộ.
"Đất đai là nguồn tài nguyên quý giá, nguồn lực vô cùng to lớn để phát triển đất nước nhưng không phải là vô tận. Bởi vậy, tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng đất đai luôn là chủ trương lớn, quan trọng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện", bà Nguyễn Thị Mai Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh nói.