Dân Việt

Lớp đàn đặc biệt của thầy giáo khiếm thị

Anh Thư 03/03/2023 06:17 GMT+7
Khác với những lớp học bình thường, ở một không gian không ghế cũng chẳng bàn, chỉ có những cây đàn ghi-ta cũ của thầy giáo Đặng Tấn Ba cùng nhóm học sinh khiếm thị tạo nên một lớp học đặc biệt.
Lớp đàn đặc biệt của thầy giáo khiếm thị - Ảnh 1.

Bước vào sảnh của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng (đường Lý Chính Thắng, phường Hòa Minh, Liên Chiểu) (gọi là Trung tâm), thầy giáo Đặng Tấn Ba (43 tuổi, quê Quảng Nam), nhân viên Trung tâm vẫn miệt mài dạy đàn miễn phí cho nhóm học trò khiếm thị.

Lớp đàn đặc biệt của thầy giáo khiếm thị - Ảnh 2.

Bị khiếm thị từ lúc nhỏ khiến cuộc sống thầy Ba trở nên khó khăn hơn. Đến năm 12 tuổi được tuyển sinh vào Trung tâm, từ đó thầy cũng bén duyên làm việc tại đây ngót nghét gần 30 năm. Đây trở thành ngôi nhà thứ hai của thầy.

Lớp đàn đặc biệt của thầy giáo khiếm thị - Ảnh 3.

Mặc dù chưa từng qua trường lớp đào tạo nào, thầy vẫn nhiệt huyết dạy bằng cả tấm lòng và truyền đạt những kỹ năng mình có được đến với các em.

Lớp đàn đặc biệt của thầy giáo khiếm thị - Ảnh 4.

Thầy Đặng Tấn Ba cho biết, năm 2005 là thời gian công tác chính thức của thầy tại Trung tâm. Công việc chính của thầy là điều chỉnh âm thanh vào mỗi ngày chào cờ hoặc có dịp đặc biệt nào cần dùng đến loa. Ngoài ra, thầy còn giúp các em khiếm thị làm hương để bán.

Lớp đàn đặc biệt của thầy giáo khiếm thị - Ảnh 5.

Thầy Ba chia sẻ: "Vì tôi và các em ở đây có cùng hoàn cảnh với nhau nên tôi muốn giúp các em một chút gì đó. Có thể tiếng đàn mà tôi dạy sẽ khiến các em quên đi những điều tiêu cực trong cuộc sống, một phần tôi cũng muốn các em có thêm cái nghề cho sau này".

Lớp đàn đặc biệt của thầy giáo khiếm thị - Ảnh 6.

Gần 4 năm qua kể từ lúc thành lập lớp học dạy đàn miễn phí, đều đặn lịch học đàn từ thứ Hai đến thứ Năm hằng tuần, thời gian bắt đầu từ 18 giờ, kết thúc lúc 19 giờ. Mỗi ngày sẽ có một nhóm học khác nhau, số lượng từ 3 đến 4 học sinh khiếm thị.

Lớp đàn đặc biệt của thầy giáo khiếm thị - Ảnh 7.

Vì không nhìn thấy nên học sinh chỉ nghe thầy Ba qua lời dạy và được thầy cầm tay chỉ dẫn làm sao cho các em cảm nhận sâu để đánh hợp âm đúng.

Lớp đàn đặc biệt của thầy giáo khiếm thị - Ảnh 8.

Những cây đàn ghi-ta trong lớp học được các em thay phiên nhau sử dụng. "Đàn đã cũ, đôi lúc tôi sửa cho các em nhưng vẫn đánh không được đành phải đưa đàn của tôi cho các em dùng. Mong ước của tôi là sẽ có thêm đàn cho các em học tốt hơn", thầy Ba bộc bạch.

Lớp đàn đặc biệt của thầy giáo khiếm thị - Ảnh 9.

Em Lê Trần Ái Nhi (14 tuổi) thổ lộ, từ nhỏ em đã có mơ ước được trở thành một ca sĩ nổi tiếng, nên khi tham gia lớp học của thầy Ba, em rất sung sướng vì được thỏa lòng đam mê của mình. "Khi học thầy, thầy giúp đỡ rất nhiệt tình. Thầy dạy cho tụi em nhiều điều bổ ích, em sẽ cố gắng thật nhiều để mai sau hoàn thành ước mơ và giúp đỡ mọi người xung quanh", Nhi vui vẻ nói.

Lớp đàn đặc biệt của thầy giáo khiếm thị - Ảnh 10.

Trước khi kết thúc buổi học, thầy Ba cùng các em giao lưu hát. "Mai sau lớn nên người, làm sao có thể nào quên, ngày xưa thầy dạy dỗ khi em tuổi còn thơ…", tiếng hát hòa quyện tiếng đàn tạo nên một không gian ấm áp và lắng đọng tại Trung tâm.