Dân Việt

Nhập khẩu điều thô vẫn án binh bất động sau 2 năm doanh nghiệp thua lỗ hàng loạt

Nguyên Vỹ 01/03/2023 09:41 GMT+7
Giá điều thô vẫn còn ở mức cao, mất cân đối nghiêm trọng với giá điều nhân. Trong khi lượng điều thô tồn kho còn lớn, sản lượng toàn cầu đang vượt cung, các doanh nghiệp trong nước vẫn đang án binh bất động với nhập khẩu điều thô.

Nhập khẩu điều thô giảm

Ông Cao Thúc Uy -  Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cao Phát cho biết, năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 1,73 triệu tấn điều thô với giá bình quân 1.180 USD/tấn.

Năm 2021, nhập khẩu điều thô tăng kỷ lục lên đến 3,15 triệu tấn, giá trung bình 1.390 USD/tấn. Đến năm 2022, nhập khẩu điều thô giảm lại, chỉ còn hơn 2,07 triệu tấn nhưng giá vẫn ở mức cao 1.355 USD/tấn, có thời điểm lên đến 1.400 USD/tấn.

Năm 2022, giá điều thô nhập khẩu ở mức cao 1.355 USD/tấn, có thời điểm lên đến 1.400 USD/tấn. Một điểm tập kết điều thô nhập khẩu từ Campuchia về cửa khẩu Chàng Riệc, Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Năm 2022, giá điều thô nhập khẩu ở mức cao 1.355 USD/tấn, có thời điểm lên đến 1.400 USD/tấn. Một điểm tập kết điều thô nhập khẩu từ Campuchia về cửa khẩu Chàng Riệc, Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Cộng thêm các chi phí như nhân công, vật tư, bao bì, điện... đều tăng đã đẩy giá thành điều thô lên cao, trong khi giá bán nhân điều lại giảm. Đơn cử, giá điều nhân mã W320 năm 2022 trung bình ở mức 2,7-2,9 USD/lbs (0,45kg), nhưng hiện nay chỉ còn 2,62 USD/lbs.

Năm 2022, hiệu quả trong sản xuất, chế biến của nhiều doanh nghiệp không cao. "Ngoại trừ một số doanh nghiệp chuyên về thương mại điều nhân xuất khẩu, hầu hết các doanh nghiệp chế biến thuần gần như không có lãi, phải chật vật ứng phó để tồn tại", ông Uy chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Minh Họa - Phó Chủ Tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), nguyên liệu đầu vào chiếm trên 85% chi phí sản xuất. Nếu tính theo giá điều nhân 2,6 USD/lbs (0,45kg), giá nguyên liệu phải giảm xuống ít nhất 200 USD/tấn so với giá hiện nay thì sản xuất mới hiệu quả.

Năm 2022, giá xuất khẩu điều nhân giảm mạnh và ở mức quá thấp. Trong khi đó giá điều thô cao và không hợp lý với giá nhân. Điều này gây ra thiệt hại với các doanh nghiệp. Các nhà sản xuất của Việt Nam thua lỗ trong 2 năm trở lại đây.

Giá xuất khẩu điều nhân ở mức quá thấp trong khi giá điều thô ở mức cao đã gây ra thiệt hại với các doanh nghiệp. Ảnh: Nguyên Vỹ

Giá xuất khẩu điều nhân ở mức quá thấp trong khi giá điều thô ở mức cao đã gây ra thiệt hại với các doanh nghiệp. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cũng theo ông Họa, sau tết Quý Mão, nông dân bắt đầu thu hoạch điều. Các doanh nghiệp cũng bắt đầu xử lý nguyên liệu chế biến nhưng hợp đồng khá ít.

Trước đây, ngay từ đầu mỗi năm, đa số nhà nhập khẩu lớn Âu - Mỹ đã ký hợp đồng mua điều nhân dài hạn. Nhưng đầu năm 2023, các nhà nhập khẩu chỉ ký hợp đồng mua tới giữa năm, nhưng số lượng hạn chế.

"Vì thế, hầu hết các nhà máy có khả năng đáp ứng được tiêu chuẩn cao của thị trường khó tính vẫn đang án binh bất động với nhập khẩu điều thô", ông Họa cho biết.

Không vội vàng nhập khẩu điều thô

Theo Vinacas, các thống kê cho thấy tổng sản lượng điều thô toàn cầu liên tục tăng trong những năm gần đây. Hiện nay, nguồn cung điều thô toàn cầu đã lên 5 triệu tấn trong khi nhu cầu chỉ khoảng 4 triệu tấn.

Nguồn cung điều thô toàn cầu đã lên 5 triệu tấn trong khi nhu cầu chỉ khoảng 4 triệu tấn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nguồn cung điều thô toàn cầu đã lên 5 triệu tấn trong khi nhu cầu chỉ khoảng 4 triệu tấn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Họa đánh giá, với tốc độ gia tăng diện tích như hiện nay ở châu Phi, Campuchia, sản lượng điều thô chẳng mấy chốc tăng lên 6 triệu tấn.

Ngay tại hội nghị điều quốc tế năm nay cũng vắng bóng nhiều nhà chiên rang, đại diện các siêu thị lớn châu Âu và Trung Quốc. Điều đó phần nào cho thấy nguồn hàng vẫn chưa thiếu. Phân tích từ các nhà thu mua lớn trên thế giới cũng cho thấy lượng điều thô tồn kho hiện vẫn còn khoảng 300.000 tấn.

"Nhờ công suất chế biến siêu tốc, Việt Nam không sợ thiếu điều nhân, cần lúc nào thì mua điều thô lúc đó", ông Họa nói.

Đồng tình, ông Trần Văn Hiệp – Trưởng ban Đối ngoại và Xúc tiến thương mại của Vinacas cho rằng, ngành điều trong nước đang đối mặt nhiều thách thức khi các ngân hàng Việt Nam vẫn siết chặt tín dụng và lãi suất vẫn tăng cao.

Vinacas khuyến cáo không nên vội vàng ký nhập khẩu điều thô khi giá còn cao, không cân đối được với giá xuất khẩu điều nhân. Ảnh: Nguyên Vỹ

Vinacas khuyến cáo không nên vội vàng ký nhập khẩu điều thô khi giá còn cao, không cân đối được với giá xuất khẩu điều nhân. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Giá điều nhân chưa cải thiện và giá điều thô vẫn chưa hợp lý khiến cho doanh nghiệp nhập khẩu không dám mạo hiểm.

Thậm chí, doanh nghiệp có xu hướng đầu tư vào các ngành nghề khác để bù đắp tổn thất trong sản xuất điều, và cân đối công suất sản xuất ở mức phù hợp.

Với các doanh nghiệp trong nước lúc này, ông Hiệp cho rằng cần phải điều chỉnh công suất sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp đánh giá đúng thị trường trước khi nhập khẩu điều thô.

"Doanh nghiệp không nên vội vàng ký nhập khẩu điều thô khi giá còn cao, không cân đối được với giá xuất khẩu điều nhân, tránh thiệt hại như các năm trước", ông Hiệp đề nghị.